|
Thủ tướng đương nhiệm của Malaysia, Mahathir Mohamad yêu cầu bãi bỏ luật chống tin tức giả mạo (ảnh: CNN) |
Luật chống tin tức giả mạo bị bãi bỏ
Malyasia đã bãi bỏ luật chống tin tức giả mạo (fake news) gây tranh cãi. Kể từ khi Quốc hội thông qua hồi tháng 4, bộ luật chống tin tức giả mạo đã bị những nhà ủng hộ nhân quyền và báo chí quốc tế lên án mạnh mẽ vì ngăn cản quyền tự do ngôn luận.
Luật chống tin tức giả mạo được cựu Thủ tướng Najib Razak "đạo diễn" nhằm nghiêm cấm hành động tạo ra, in ấn, xuất bản hoặc phổ biến tin tức giả mạo. Những đối tượng vi phạm sẽ phải đối mặt với bản án 6 năm tù giam và phạt tiền mặt lên tới 130.000 USD.
Thủ tướng đương nhiệm của Malysia, ông Mahathir Mohamad, là một trong những người đầu tiên bị cáo buộc và điều tra vi phạm luật chống tin tức giả mạo. Tới tháng 5/2018, ông Mohamad đã đánh bại ông Najib trong cuộc bầu cử Thủ tướng Malaysia.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Mahathir đã cam kết sẽ bãi bỏ luật chống tin tức giả mạo. Theo Bernama, cơ quan thông tấn chính thức của nhà nước Malaysia, Quốc hội nước này đã có phiên tranh luận kéo dài 3 giờ đồng hồ ngày 16/8 để bỏ phiếu hủy luật chống tin tức giả mạo được thông qua dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak.
Quyết định của chính phủ Malaysia đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của các tổ chức tự do ngôn luận. Ông Teddy Brawner Baguilat, thành viên hội đồng Nghị viện ASEAN tuyên bố quyết định này là “bước tiến lớn cho nhân quyền ở Malaysia. Đây là bộ luật để ngăn cản những lời chỉ trích nhằm vào chính quyền và dập tắt các cuộc tranh luận công khai. Từ đầu nó đã không nên được thông qua”.
Tranh cãi về quyền tự do ngôn luận
|
Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã bị bắt vì tội tham những hồi đầu tháng 7. Ảnh: CNN
|
Cuối tháng 3/2018, văn phòng Thủ tướng Najib Razak đã trình lên Quốc hội Malaysia dự luật chống tin tức giả mạo, ngay trước khi cuộc bầu cử sắp diễn ra. Với liên minh cầm quyền thân ông Najib trong Quốc hội, dự luật dễ dàng được thông qua.
Theo dự luật này, tin tức giả mạo là “tin tức, thông tin, dữ liệu và báo cáo hoàn toàn sai sự thật hoặc sai một phần”. Đối tượng vi phạm là những người bằng bất kỳ phương tiện nào “cố ý tạo ra, cung cấp, xuất bản, in ấn, phân phối, lưu hành hoặc phổ biến tin tức giả mạo”.
Luật chống tin tức giả mạo của Malaysia làm gia tăng mối lo ngại về ngoại giao vì nó cho phép chính phủ Malaysia tiếp cận đối tượng bên ngoài lãnh thổ nước này. Cụ thể, cá nhân hoặc tổ chức không thuộc quyền quản lý của Malaysia cũng có thể bị truy tố nếu liên quan đến những tin tức giả mạo “về Malaysia hoặc công dân Malaysia”.
Luật chống tin tức giả mạo cũng thắt chặt hơn quyền kiểm duyệt đối với các phương tiện truyền thông. Chính phủ của cựu Thủ tướng Najib đã biện minh rằng đây là động thái cần thiết cho an ninh quốc gia. Theo CNN, giới truyền thông Malaysia đã cảnh báo luật chống tin tức giả mạo có thể được sử dụng để trừng phạt những lời chỉ trích nhắm vào chính quyền.
Trả lời phỏng vấn của CNN hồi tháng 4, cựu Bộ trưởng Tư pháp Malaysia Zaid Ibrahim cho biết: “Luật chống tin tức giả mạo là cần thiết đối với ông Najib, chứ không phải cho đất nước. Ông Najib cần điều này để gây nỗi khiếp sợ cho người dân. Họ có thể vào tù nếu chỉ trích ông ta”.
Trước khi bộ luật được Quốc hội Malaysia thông qua, Giám đốc tổ chức Theo dõi Nhân quyền Châu Á, đã gọi đó là “nỗ lực trắng trợn của chính phủ để ngăn cản bất kỳ thông tin nào mà họ không thích, cho dù đó là thông tin về tham nhũng hay gian lận bầu cử”. Thời điểm đó, ngay cả anh trai của cựu Thủ tướng Najib Razak, ông Nazir Razak cũng yêu cầu quyết định thông qua bộ luật của Quốc hội nên được hoãn lại.
Chủ tịch nhóm ngân hàng CIMB, Nazir Razak tuyên bố trên Instagram: “Đây là quyền cơ bản của một cá nhân, và việc ngăn cản nó bằng sự sợ hãi về hình phạt khắc nghiệt dựa trên những định nghĩa mơ hồ sẽ làm chậm sự phát triển của xã hội Malaysia”.
Với việc bãi bỏ bộ luật chống tin giả, Malaysia sẽ xử lý vấn nạn tin giả bằng những quy định hay điều luật nào? Phải chăng chính phủ Malaysia sẽ ban hành một bộ luật mới phù hợp hơn? Câu hỏi này vẫn chưa có lời giải.