Ma túy xâm nhập học đường qua thuốc lá điện tử: Hiểm họa trên TikTok và Facebook

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong khi Lazada và Shopee đã xóa các bài đăng về thuốc lá điện tử, thì trên TikTok và Facebook vẫn đăng tải tràn lan hướng dẫn sử dụng và mua bán thuốc lá điện tử.
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong giới trẻ Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng
Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong giới trẻ Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng 18 lần sau 5 năm

Trong vài năm trở lại đây, việc sử dụng thuốc lá điện tử (hay còn gọi là vape) đã tăng một cách chóng mặt. Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2015 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2%. Đến năm 2022 đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%.

Các sản phẩm thuốc lá điện tử được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay và người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm này trên internet, các trang mạng xã hội…

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sử dụng thuốc lá điện tử có hại cho sức khỏe của cả người hút và người xung quanh tương tự như thuốc lá thông thường. Dung dịch dùng cho thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư.

Ngoài ra trong dung dịch thuốc lá điện tử còn chứa glycerin, propylene glycol và trên 15.500 loại hương liệu có nhiều chất độc. Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên.

Không chỉ người trưởng thành dùng thuốc lá điện tử mà tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử cũng gia tăng một cách đáng báo động.

Kết quả điều tra học đường năm 2020 cho thấy có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13 đến 17 tuổi hút thuốc lá điện tử, trong đó học sinh từ 15 đến 17 tuổi có tỷ lệ hút thuốc lá điện tử là 3,1%. Tỷ lệ này ở nam học sinh từ 15 đến 17 tuổi là 4,8% và nữ học sinh là 1,4%.

Điều nguy hại là đã có một số trường hợp người bán trộn ma túy vào trong dung dịch thuốc lá điện tử để gây nghiện cho thanh thiếu niên, khiến họ lệ thuộc hơn vào thuốc lá. Hoặc họ tăng tỷ lệ thuốc gây nghiện trong dung dịch để người dùng thuốc lá điện tử có cảm giác phê hơn (mà người hút thuốc gọi là pod chill).

VTV ngày 11/4/2023 đưa tin 2 vụ bán tinh dầu chứa ma túy vừa được công an Hà Nội phát hiện. Đối tượng bán tinh dầu ngay tại cổng trường cấp 2, cấp 3 ở Hà Nội.

Trước đó, gần 100 máy hút thuốc lá điện tử cũng đã bị cơ quan công an thu giữ tại nhà của một đối tượng bán ma túy ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Qua giám định cho thấy, 100% số thuốc lá điện tử này có chứa ADB Butinaca - một loại ma túy mới.

4 học sinh của một trường THPT ở Hà Nội có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn ngã ra sàn lớp học, phải nhập viện cấp cứu sau khi hút thuốc lá điện tử; một nữ sinh viên 20 tuổi ở Hà Nội bị suy đa tạng, phù não, hôn mê sâu sau khi được bạn rủ rê hút thuốc lá điện tử chứa cần sa; một thiếu niên 16 tuổi ở Ninh Bình phải cấp cứu vì hút thuốc lá điện tử quá nhiều. Đó là những gì mà thuốc lá điện tử đang dần hủy hoại thế hệ trẻ.

Để giảm thiểu ảnh hưởng của thuốc lá điện tử và thuốc lá mới đến cộng đồng, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị tiếp tục phổ biến tác hại của thuốc lá và các quy định phòng chống tác hại của thuốc lá, tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, sisha... tại các cơ sở giáo dục.

Hướng dẫn sử dụng, rao bán thuốc lá điện tử tràn lan trên TikTok, Facebook

Các đối tượng buôn bán thuốc lá điện tử thường sử dụng tài khoản ẩn danh trên mạng xã hội để giao dịch với người mua. Chúng lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý người dùng và quản lý thông tin trên mạng xã hội để thực hiện việc quảng cáo, giao dịch thuốc lá điện tử.

Trong khi các trang thương điện tử như Lazada, Shopee có sự quản lý chặt chẽ người đứng tên các gian hàng trên sàn, thì các mạng xã hội như TikTok, Facebook đang cho thấy sự thiếu trách nhiệm trong việc ngăn chặn các tài khoản, các thông tin độc hại trên nền tảng của mình.

Bạn chỉ cần vào TikTok, gõ tìm kiếm theo từ khóa "hướng dẫn sử dụng vape" là sẽ xuất hiện một loạt video, từ hướng dẫn sử dụng thuốc lá điện tử, hướng dẫn hút đúng cách, hướng dẫn châm bông tẩm dung dịch cho đến giới thiệu các mẫu mã thuốc lá điện tử để bán.

Chẳng hạn như một TikToker có tên là bechancute... đã đăng video "hướng dẫn sử dụng vape mini evod đây ạ". Video này đã nhận được 10 nghìn like và 360 bình luận, đa phần. là bình luận hỏi giá và hỏi mua.

Một video khác của shop3... hướng dẫn người dùng sử dụng loại thuốc lá điện tử nhãn hiệu randmtor... 7000 sao cho bông dùng trong máy được ngấm đều dung dịch.

Một tài khoản khác có nick là ntph... (Nguyễn Thanh Phương) lại hướng dẫn cách châm tinh dầu vào thuốc lá điện tử. Clip đã có hơn 68.000 lượt xem và có rất nhiều câu hỏi mua sản phẩm ở đâu. Tương tự nick vapesho... (shop vape Hai Bà Trưng) đã chỉ ra 3 trường hợp châm tinh dầu sai cách.

Nick vape.vungoc.... lại giới thiệu 3 mẫu thuốc lá điện tử hot nhất năm 2023, có hơn 142.000 lượt xem.

Để có thể dễ dàng bán cho người mua, nhiều shop còn tạo tài khoản trên TikTok để liên kết sang Facebook cho dễ "show hàng". Hầu hết các tài khoản trên TikTok này không đăng tải clip, hoặc chỉ đăng tải 1 clip để duy trì tài khoản. Phương tiện chính của họ vẫn là Facebook. Chẳng hạn như tài khoản thuocladientu.... hoặc tài khoản thuocladientu... đều có link sang Facebook.

Cần nghiên cứu, tiến tới cấm nhập khẩu, buôn bán và sử dụng thuốc lá điện tử

Hiện tại thì thuốc lá điện tử chưa phải là một mặt hàng thuộc danh mục cấm buôn bán ở nước ta. Tuy nhiên, những tác hại của thuốc lá điện tử đã hiện hữu, đặc biệt khi mà những kẻ buôn bán ma túy đang lợi dụng thuốc lá điện tử để đầu độc giới trẻ.

Ngoài việc gây nghiện không kém gì thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử còn có 5 nhược điểm sau đây:

Thứ nhất, nó không an toàn như người dùng nghĩ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, dung dịch dùng trong thuốc lá điện tử có propylene glycol và các chất tạo hương chứa thành phần gây ung thư.

Thứ hai, khói từ thuốc lá điện tử vẫn có thể gây hại cho những người xung quanh

Thứ ba, các hãng sản xuất thuốc lá thường gian lận về chất lượng, không tiết lộ thành phần hóa học được sử dụng trong các sản phẩm nên người dùng không biết chính xác họ hít những gì vào phổi.

Thứ tư, thuốc lá điện tử đang gây hại cho giới trẻ vì những người ở độ tuổi này có suy nghĩ phải hút vape mới là sành điệu.

Thứ năm, đã xảy ra những vụ cháy nổ khi sử dụng thuốc lá điện tử, gây thương tích, thậm chí gây tử vong cho người dùng. Các trường hợp cháy nổ vape đã được ghi nhận ở Nga, Pháp, Mỹ, Anh, Trung Quốc...

CDC của Hoa Kỳ thông báo trên trang web, từ tháng 12/2019 - 12/2020 họ đã tiếp nhận 2800 ca nhập viện vì viêm phổi cấp do sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có 68 ca tử vong.

Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, trên thế giới đang có 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, trong đó khu vực Đông Nam Á có 5 nước.

Ông Lâm cho biết thực tiễn cho thấy các quốc gia cho phép người lớn dùng thuốc là điện tử và cấm trẻ thành niên sử dụng thì đều không thành công trong việc ngăn chặn tỷ lệ nghiện thuốc gia tăng cũng như tỷ lệ giới trẻ sử dụng thuốc ngày một nhiều.

Chúng ta cần phải nhận thức được mối nguy hại của thuốc lá điện tử đến giới trẻ - tương lai của đất nước. Cần có những nghiên cứu cụ thể để có những biện pháp chặt chẽ hơn nữa trong việc sử dụng thuốc lá điện tử, thậm chí là cấm sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới để bảo vệ giới trẻ.