Nhiều KOL, Facebooker nổi tiếng tiếp tay quảng cáo thuốc lá điện tử

VietTimes – Bất chấp việc quảng cáo thuốc lá là hành vi bị pháp luật cấm, nhiều người nổi tiếng, Facebooker có ảnh hưởng trong cộng đồng giới trẻ Việt Nam đã đăng bài, sử dụng hashtag trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter,… để thu hút giới trẻ nhằm quảng cáo cho thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đoạn quảng cáo ngắn của một KOL đăng tải trên Facebook và đã nhận được sự hưởng ứng fans.
Đoạn quảng cáo ngắn của một KOL đăng tải trên Facebook và đã nhận được sự hưởng ứng fans.

Điều này là bức xúc chung của những người tham gia hội thảo chuyên đề về tình hình vi phạm quảng cáo, buôn bán và kinh doanh bất hợp pháp các loại thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha - do Bộ Y tế tổ chức.

Hàng cấm thành trào lưu thời thượng?!


Thực tế, các nhà sản xuất thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tập trung sử dụng những người nổi tiếng (KOLs) có nhiều fans trẻ như các ca sĩ, nhóm nhạc, diễn viên,… để quảng cáo trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok. Cùng với đó, họ thuê người nổi tiếng hoặc từ Fanpage tung ra các hashtag đánh bóng, gây chú ý, nhằm thể hiện việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là thời thượng.  

Thậm chí, ông Bùi Minh Tuấn – Tổ chức Chiến dịch Vì trẻ em không thuốc lá - còn chỉ ra hàng loạt tài khoản người nổi tiếng, có lượng theo dõi và tương tác cao trên Facebook đăng ảnh sản phẩm, đăng bài viết quảng cáo cho sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha như một trào lưu thời thượng.

"Chính nhà sản xuất và phân phối ngầm đứng sau các hoạt động này, biến các Fanpage thành các trang “chia sẻ kinh nghiệm” hay “thú vui sành điệu” sử dụng thuốc lá điện tử để tiếp cận khách hàng", ông Tuấn nói.

Ông Bùi Minh Tuấn nói về thực trạng quảng cáo trái phép cho các loại thuốc lá mới với một loại thuốc lá điện tử đang được ưa chuộng - chill vape,
Ông Bùi Minh Tuấn nói về thực trạng quảng cáo trái phép cho các loại thuốc lá mới với một loại thuốc lá điện tử đang được ưa chuộng - chill vape,

Quảng cáo sai lệch khiến người dùng hiểu không đúng về tác hại của sản phẩm

Một nhiên cứu trên Facebook với sự tham gia của hơn 800 người dùng, trong đó, nam giới chiếm 95,2% và đối tượng trả lời nghiên cứu chủ yếu trong nhóm 25-44 tuổi và số còn lại là từ 18-24 tuổi chỉ ra đa số người sử dụng sản phẩm thuốc lá mới cho rằng đây là những sản phẩm ít hại cho sức khỏe - tương đồng với phản ứng của người dùng trên mạng xã hội.

Hầu hết những người được khảo sát cho rằng thuốc lá mới ít khói, bớt mùi khó chịu, ít gây hại với sức khỏe người hút hơn thuốc lá truyền thống. Việc này cho thấy hiểu biết của người dùng về thuốc lá thế hệ mới đã bị ảnh hưởng rất nhiều của quảng cáo.

Dẫn ra một báo cáo vừa được thực hiện, ông Tuấn chỉ ra, trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có 90.410 tin bài đăng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên các kênh truyền thông tại Việt Nam. Trong đó, Facebook là kênh tập trung tin bài nhiều nhất, với 84.731 tin bài (chiếm 93,7%).


Riêng về thuốc lá điện tử, cũng trong khoảng thời gian trên, có 86.029 tin bài đăng. Facebook vẫn là kênh truyền thông đăng số lượng tin bài quảng cáo chiếm con số áp đảo: gần 94%, tiếp đến là Instagram, Youtube và các kênh khác như blog, forum). Nội dung các tin bài này chủ yếu hướng tới quảng cáo, buôn bán các loại thuốc lá điện tử như vape, juice và chia sẻ thông tin, review, hướng dẫn sử dụng thuốc lá điện tử - chiếm 95%.

Các nội dung về tác hại, phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, kêu gọi bỏ thuốc lá điện tử chỉ chiếm 4%, các nội dung dung khác về thuốc lá điện tử có số lượng ít, không đáng kể.

“Thời điểm nghỉ tết Nguyên đán, tiếp sau đó là cách ly xã hội do dịch COVID-19 đã tạo điều kiện để hoạt động quảng cáo, mua bán, trao đổi thuốc lá rất phát triển, đặc biệt là trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử, các hội nhóm Facebook và một vài cộng đồng lớn” - đại diện Tổ chức Chiến dịch Vì trẻ em không thuốc lá - nhận định.

Ảnh quảng cáo cho sản phẩm thuốc lá điện tử được đăng tải trên một fanpage có hơn 100.000 lượt theo dõi.
Ảnh quảng cáo cho sản phẩm thuốc lá điện tử được đăng tải trên một fanpage có hơn 100.000 lượt theo dõi.

Gần 75% số người trả lời cũng cho biết đang đồng thời dùng cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng với thuốc lá truyền thống và hầu hết người trong số này, sử dụng cả 2 loại thuốc lá mới trên và thuốc lá truyền thống ở mức độ thường xuyên như nhau.

Cần sự vào cuộc quyết liệt để ngăn ngừa quảng cáo thuốc lá điện tử


Nêu thực tế Việt Nam chưa cho phép sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thuốc lá điện tử, ThS. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) – khẳng định các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha tại Việt Nam chủ yếu được buôn bán trôi nổi qua hàng xách tay và qua mạng Internet. Hiện Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ không tổ chức thí điểm cho phép nhập khẩu, cũng như kinh doanh thí điểm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế đánh giá đây là loại hình thuốc lá mới và tác hại của chúng gây ra không hề thấp hơn thuốc lá thông thường, thậm chí có những tác hại cấp tính gặp phải ngay sau khi hút hơi đầu tiên, như: viêm phổi, đột quỵ, nguy cơ cháy nổ cao... Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được thiết kế bắt mắt, thu hút giới trẻ và nhắm đến cả người chưa hút thuốc và thực tế cho thấy hút thuốc lá điện tử hiện đang gia tăng trong giới trẻ, người chưa hút và kể cả người đang hút thuốc lá thông thường cũng có xu hướng sử dụng song song thuốc lá điện tử.

ThS. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).
ThS. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).

“Việc không tổ chức thí điểm cho phép nhập khẩu cũng như kinh doanh thí điểm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam nhằm giảm nguồn cung cấp, giảm tỷ lệ nhu cầu sử dụng thuốc lá, duy trì nỗ lực để thể hiện quan điểm về phòng chống tác hại thuốc lá” – bà Trang nói. 

Mặc dù quảng cáo thuốc lá là hành vi bị cấm theo các quy định về quảng cáo tại Việt Nam, nhưng ngành công nghiệp thuốc lá vẫn tận dụng nhiều chiêu trò nhằm quảng cáo thuốc lá thế hệ mới. Các quảng cáo này đặc biệt là nhắm vào giới trẻ Việt Nam thông qua các kênh quảng cáo như sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng để quảng cáo sản phẩm, sử dụng hashtag trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter,… để thu hút giới trẻ, quảng cáo tại các sự kiện thể thao, âm nhạc, in quảng cáo trên các sản phẩm như mũ, quần áo, bao đựng thiết bị sử dụng cho thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Dẫn Luật Thương mại 2019 quy định về các quảng cáo thương mại bị cấm, bà Hoàng Thị Thu Hương - chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - khẳng định Việt Nam cấm hoàn toàn việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, đặc biệt là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng dưới mọi hình thức, bao gồm báo chí, trang thông tin điện tử, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, sự kiện thể thao, âm nhạc. Việc sử dụng những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn quảng cáo các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trên mạng xã hội là hoàn toàn trái pháp luật.

“Việc quảng cáo thuốc lá điện tử tràn lan trên mạng xã hội các trang thông tin điện tử hiện nay đều không có sự kiểm soát và ngăn chặn kip thời và việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa được cấp phép lưu hành tại thị trường Việt Nam là bị cấm tại Việt Nam. Do đó, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm thực thi các quy định của pháp luật cũng như ngăn ngừa các quảng cáo ngày tiếp cận giới trẻ Việt Nam” – bà Hương nói thêm.

Trao đổi trực diện vào tác hại và khuyến cáo về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, ThS. Nguyễn Tuấn Lâm – đại diện Tổ chức Y tế Thế giới – đã bác bỏ những thông tin trên mạng xã hội mà hầu hết đều xuất phát từ mục đích quảng cáo, rằng thuốc lá điện tử có thể giúp cai nghiện thuốc lá. Ông khẳng định thuốc lá điện tử có chứa Nicotine, gây hại cho sức khỏe, cho phát triển ở não thai nhi và trẻ nhỏ trong khi não tiếp tục phát triển đến 25 tuổi.

Đó là chưa kể, “thuốc lá điện tử có rất nhiều loại sản phẩm với đặc tính thiết kế khác nhau, dễ bị can thiệp và thay đổi bởi người dùng, dẫn tới nguy cơ không giống nhau. Đặc biệt, nó có nguy cơ bị trộn lẫn với ma túy (…). Dù chưa biết rõ các tác hại lâu dài nhưng việc tiếp xúc lâu với các loại hợp chất này sẽ tăng nguy cơ gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp và các bệnh nguy hiểm khác”, ông Lâm nhấn mạnh.