|
Tổng thống Donald Trump đang nhắm vào một trong những thành tựu lớn của chính quyền Biden - Đạo luật Khoa học và Chip |
Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump và nỗ lực đưa ngành sản xuất trở lại Mỹ đã đặt một trong những thành tựu quan trọng của chính quyền tiền nhiệm vào vòng nguy hiểm: Đạo luật Khoa học và Chip (gọi tắt là Đạo luật Chip).
Được Tổng thống Joe Biden ký vào năm 2022, Đạo luật Chip là nỗ lực trị giá 52 tỷ USD của Washington nhằm hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ. Mục tiêu là giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào châu Á đối với các linh kiện nhỏ bé nhưng đóng vai trò cốt lõi trong nền kinh tế hiện đại, từ điện thoại thông minh đến tên lửa.
Đạo luật Chip đã thúc đẩy gần 450 tỷ USD cam kết đầu tư để xây dựng nhà máy trên đất Mỹ.
Tuy nhiên, ông Trump đã phàn nàn rằng chương trình này là một sự lãng phí tiền thuế. Ông nói với Quốc hội rằng đây là một điều "kinh khủng, kinh khủng" và kêu gọi các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa – những người đang kiểm soát cả hai viện – hủy bỏ đạo luật này. Tổng thống lập luận rằng áp thuế nhập khẩu sẽ hiệu quả hơn trợ cấp trong việc khuyến khích đầu tư vào Mỹ, đồng thời ám chỉ rằng ông sẽ áp đặt thuế nhập khẩu mới đối với chất bán dẫn "trong tương lai".
Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy ông Trump không coi thuế nhập khẩu và tài trợ trực tiếp là hai lựa chọn loại trừ lẫn nhau. Một tháng sau khi kêu gọi hủy bỏ Đạo luật Chip, ông đã ký một sắc lệnh hành pháp thành lập một văn phòng mới để quản lý các quỹ của Đạo luật Chip và đàm phán "các thỏa thuận tốt hơn" so với chính quyền tiền nhiệm. Điều này cho thấy ông có thể chỉ đang muốn tạo dấu ấn của riêng mình lên chương trình này thay vì loại bỏ nó hoàn toàn.
Chính quyền Tổng thống Biden đã phân bổ phần lớn số tiền trong Đạo luật Chip
Theo báo cáo của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, “mặc dù Mỹ sản xuất gần 40% nguồn cung cấp chất bán dẫn của thế giới vào năm 1990, nhưng con số thống kê đó đã giảm xuống chỉ còn 12%”. Hiện tại, Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất hơn 60% nguồn cung cấp chất bán dẫn của thế giới và hơn 90% chip tiên tiến nhất, trong khi đó, không có hoạt động sản xuất chip cao cấp nào diễn ra tại Mỹ.
Đạo luật Chip dành riêng 53 tỷ USD tài trợ cho việc xây dựng nhà máy và sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ cũng như hoạt động nghiên cứu và phát triển. Trong số này, 39 tỷ USD được phân bổ cho các công ty xây dựng các nhà máy mới tại Mỹ. Theo luật, các công ty cũng đủ điều kiện được hưởng khoản tín dụng thuế 25%.
Các công ty cũng có thể tiếp cận khoản vay và bảo lãnh vay lên tới 75 tỷ USD, mặc dù Bộ Thương mại – cơ quan giám sát quỹ – mới chỉ sử dụng một phần nhỏ trong số đó. Một số nhà sản xuất chip lớn đã quyết định không sử dụng nguồn tài trợ này.
Trong những tuần cuối cùng của chính quyền Tổng thống Joe Biden, Bộ Thương mại Mỹ đã phân bổ các khoản trợ cấp trị giá hơn 33 tỷ USD, trong đó 4,745 tỷ USD cho Samsung Electronics của Hàn Quốc, 7,86 tỷ USD cho Intel, 6,6 tỷ USD cho TSMC và 6,1 tỷ USD cho Micron.
Tuy nhiên, chỉ 4,3 tỷ USD thực sự được giải ngân dưới thời Tổng thống Biden. Điều này là do các khoản tài trợ được thiết kế để giải ngân theo từng giai đoạn khi các công ty đạt được các mốc dự án đã thương lượng, và việc xây dựng nhà máy có thể mất nhiều năm.
Đạo luật Chip cũng bao gồm một khoản tín dụng thuế hấp dẫn 25% cho các dự án sản xuất. Với hầu hết doanh nghiệp, đây là ưu đãi liên bang lớn nhất mà họ nhận được từ chương trình. Trong khi đó, các khoản trợ cấp thường chỉ chi trả khoảng 10-15% chi phí dự án. Những chính sách này nhằm giúp việc xây dựng nhà máy ở Mỹ có chi phí cạnh tranh như ở châu Á, nơi có lợi thế về lao động giá rẻ và quy mô kinh tế.
Không có giới hạn về số tiền mà các công ty có thể yêu cầu từ khoản tín dụng thuế của Đạo luật Chip. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính vào tháng 6/2024 rằng khoản tín dụng này có thể khiến chính phủ mất hơn 85 tỷ USD doanh thu thuế, cao hơn gấp ba lần so với dự báo ban đầu của Văn phòng Ngân sách quốc hội – phản ánh số tiền đầu tư khổng lồ mà đạo luật này đã thúc đẩy.
Đạo luật Chip đã ảnh hưởng đến ngành bán dẫn Mỹ như thế nào?
Mặc dù Đạo luật Chip có quy mô lớn về mặt ngân sách chính phủ, nhưng đây vẫn là một con số tương đối nhỏ so với ngành công nghiệp bán dẫn, nơi một công ty đơn lẻ có thể tiêu tốn số tiền tương đương chỉ trong một năm. Ví dụ, TSMC dự kiến chi tới 42 tỷ USD vốn đầu tư vào năm 2025.
Tuy nhiên, đạo luật này vẫn có tác động đáng kể. Chi tiêu cho xây dựng nhà máy chip tại Mỹ đã tăng vọt trong những tháng trước và sau khi Đạo luật Chip được thông qua. Ngay cả các doanh nghiệp không trực tiếp nhận tài trợ của chính phủ cũng đang hưởng lợi từ hệ sinh thái bán dẫn đang mở rộng tại Mỹ. Họ cũng có thể đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế 25%.
Đây là một sự thay đổi lớn so với vài năm trước, khi Mỹ hầu như không sản xuất được bất kỳ chip logic tiên tiến nào – những linh kiện đóng vai trò bộ não trong các thiết bị. Chính quyền Tổng thống Biden đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 20%; trong khi đó, ông Trump muốn tăng 40%.
Để đạt được những mức đó, các kế hoạch của các công ty phải trở thành các nhà máy thực tế. Một số dự án, như cơ sở của TSMC ở Arizona, đã diễn ra rất thuận lợi. Nhưng Intel và Samsung – hai công ty chi tiêu lớn khác – lại đang gặp khó khăn tài chính, điều này có thể đặt ra rủi ro cho kế hoạch đầu tư của họ.
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ ước tính vào năm ngoái rằng Mỹ đang trên đà tăng gấp ba lần năng lực sản xuất chất bán dẫn vào năm 2032, nâng thị phần toàn cầu của nước này từ 10% hiện tại lên 14%. Nếu không có Đạo luật Chip, tỷ lệ này có thể đã giảm xuống còn 8%.
Ông Trump có thể thay đổi Đạo luật Chip theo cách nào khác?
Đạo luật Chip nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ Quốc hội, vì đã được thông qua với sự đồng thuận của cả hai đảng. Nhiều khu vực bầu cử của Đảng Cộng hòa đã được chọn làm địa điểm xây dựng nhà máy được tài trợ. Việc hủy bỏ hoàn toàn đạo luật này sẽ rất khó khăn về mặt chính trị, do đa số mong manh của đảng tại Hạ viện và khả năng đảng Dân chủ tại Thượng viện sẽ sử dụng quyền phủ quyết.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick đã tuyên bố sẽ xem xét lại các khoản tài trợ đã được phê duyệt dưới thời Tổng thống Biden. Ông Trump cũng đã thành lập cơ quan United States Investment Accelerator để giám sát quỹ của Đạo luật Chip.
Mục tiêu chính của ông Trump là thúc đẩy nhiều khoản đầu tư hơn nữa, giống như TSMC đã công bố khoản đầu tư bổ sung 100 tỷ USD vào các nhà máy ở Mỹ. Bộ trưởng Lutnick cũng đang gây áp lực buộc các công ty khác phải làm theo.
Dù ông Trump muốn thay đổi Đạo luật Chip, nhưng việc bãi bỏ hoàn toàn đạo luật này là khó khăn do sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả hai đảng trong Quốc hội. Thay vào đó, chính quyền Trump có thể điều chỉnh các điều khoản hoặc gây áp lực để các công ty cam kết đầu tư nhiều hơn vào Mỹ trước khi nhận được tài trợ.
Theo Reuters, Bloomberg, Indian Express