Tin nóng KHCN 4/4: iPhone gánh thuế giá có thể 2.300 USD, GPT 4.5 đạt ngưỡng thông minh con người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giá bán iPhone có thể bị ảnh hưởng bởi thuế mới của Mỹ; GPT 4.5 vượt qua bài kiểm tra Touring; chụp ảnh được tiểu hành tinh từng được coi là mối đe dọa lớn với Trái Đất... là tin nóng KHCN ngày 4/4.

1. Intel và TSMC đạt thỏa thuận sơ bộ thành lập liên doanh sản xuất chip

intel 2.jpg
Ảnh minh họa: Reuters

Intel và TSMC (Đài Loan) đã đạt được thỏa thuận sơ bộ để thành lập một liên doanh nhằm vận hành các nhà máy sản xuất của Intel, theo báo cáo từ The Information.

Theo thỏa thuận này, TSMC sẽ nắm giữ 20% cổ phần trong công ty mới. Thỏa thuận diễn ra trong bối cảnh Intel đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, bao gồm việc bỏ lỡ cơ hội trong lĩnh vực chip trí tuệ nhân tạo và cung cấp dịch vụ khách hàng kém hơn so với TSMC.

Năm 2024, Intel ghi nhận khoản lỗ ròng 18,8 tỷ USD, lần đầu tiên kể từ năm 1986. Để đảo ngược tình hình, Intel đã bổ nhiệm ông Lip-Bu Tan, một chuyên gia kỳ cựu trong ngành chip, làm CEO vào tháng 3 năm 2025. ​

Trước đó, TSMC đã đề xuất với các công ty như Nvidia, Advanced Micro Devices và Broadcom về việc tham gia vào một liên doanh để vận hành các nhà máy của Intel, theo yêu cầu từ chính quyền Hoa Kỳ. ​

Ngoài ra, TSMC gần đây đã công bố kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD để xây dựng thêm 5 nhà máy sản xuất chip tại Mỹ, nhằm mở rộng sự hiện diện và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các khách hàng lớn.

2. Thuế quan có thể khiến iPhone tăng giá lên 60 triệu đồng

iphone 17 air.jpg
iPhone 17. Ảnh: Apple

Reuters dẫn một nghiên cứu từ Rosenblatt Securities cho biết với mức thuế quan mà Mỹ áp dụng cho hàng nhập khẩu từ các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam, Apple có thể tăng giá iPhone cao cấp lên gần 2.300 USD (gần 60 triệu đồng) nếu chuyển chi phí thuế sang người tiêu dùng.

Hôm 2/4, các quốc gia trên thế giới đồng loạt phản đối và đe dọa đáp trả sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hàng rào thuế quan mới, gây lo ngại về giá cả tăng vọt tại thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Mỹ áp thuế 10% lên tất cả hàng nhập khẩu, cùng với mức thuế cao hơn đối với một số đối tác lớn như Trung Quốc (54%), Việt Nam (46%), EU (20%), Nhật Bản (24%) và Hàn Quốc (25%).

Các thị trường tài chính lao dốc: Chỉ số Dow Jones giảm gần 4%, S&P 500 mất gần 5%, Nasdaq giảm 6%, Nike mất 14% giá trị, Apple giảm 9%. Thị trường châu Á cũng đỏ lửa, trong khi IMF cảnh báo về nguy cơ suy thoái toàn cầu.

3. GPT 4.5 vượt qua bài kiểm tra Turing được coi là thước đo trí thông minh giống con người

GPT 4.5.jpg
Ảnh minh họa: IE

Một nghiên cứu mới từ Đại học California San Diego cho thấy GPT-4.5 và Llama-3.1-405B đã vượt qua bài kiểm tra Turing. Trong bài kiểm tra này, người kiểm tra đã xác định AI là con người trong các cuộc trò chuyện. GPT-4.5 đạt tỷ lệ nhận diện là con người lên đến 73% khi sử dụng “PERSONA” – một lời nhắc giúp AI thể hiện tính cách cụ thể.

Kết quả này làm dấy lên tranh cãi về giá trị của bài kiểm tra Turing trong việc đánh giá trí tuệ nhân tạo. Trong khi một số chuyên gia coi đây là cột mốc quan trọng, nhiều người khác cho rằng nó chỉ phản ánh khả năng bắt chước ngôn ngữ của con người chứ không phải trí tuệ thực sự.

Nhiều chỉ trích cũng được đưa ra, cho rằng bài kiểm tra này chủ yếu đo lường sự dễ tin của con người hơn là khả năng tư duy của máy móc. Ngoài ra, AI hiện đại tuy có thể giả lập hội thoại giống con người nhưng vẫn thiếu nhận thức và tư duy độc lập.

Dù vậy, thành tựu này cho thấy AI ngày càng tiệm cận với khả năng giao tiếp tự nhiên, đặt ra câu hỏi liệu chúng ta có đang đánh giá quá cao một cỗ máy ngôn ngữ hay thực sự chứng kiến bước đột phá của trí tuệ nhân tạo.

4. Kính viễn vọng của NASA chụp được hình ảnh tiểu hành tinh từng bị coi là mối đe dọa lớn nhất đối với Trái Đất

tieu hanh tinh YR4.jpg
Tiểu hành tinh YR4 di chuyển về phía Trái Đất 4 năm một lần. Ảnh: iStock

Kính viễn vọng không gian James Webb của NASA đã chụp được hình ảnh chi tiết của tiểu hành tinh 2024 YR4, từng được xem là mối đe dọa va chạm lớn nhất đối với Trái Đất.

Ban đầu, tiểu hành tinh này có 3,1% khả năng đâm vào Trái Đất vào năm 2032, trở thành vật thể duy nhất có nguy cơ va chạm đáng kể. Tuy nhiên, đến tháng 2/2024, các tính toán chính xác hơn đã loại bỏ gần như hoàn toàn nguy cơ này.

Webb xác nhận 2024 YR4 có kích thước từ 53 đến 67 mét, tương đương một tòa nhà 10 tầng, khiến nó trở thành vật thể nhỏ nhất từng được kính viễn vọng này quan sát. Tiểu hành tinh này tiếp cận Trái Đất theo chu kỳ bốn năm một lần và vẫn có khả năng nhỏ va chạm với Mặt Trăng vào năm 2032, với xác suất tăng lên 3,8%.

Được hệ thống ATLAS ở Chile phát hiện lần đầu, 2024 YR4 vẫn là một đối tượng nghiên cứu quan trọng. Các nhà khoa học cho rằng những quan sát tiếp theo, bao gồm đợt quan sát dự kiến của Webb vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, sẽ cung cấp thông tin quan trọng giúp cải thiện chiến lược phòng thủ hành tinh, bảo vệ Trái Đất trước các mối đe dọa từ tiểu hành tinh trong tương lai.

5. Vật liệu nano giá rẻ từ Mỹ giúp tăng tốc thu giữ carbon

hinh anh than hoat tinh.jpg
Hình ảnh than hoạt tính. Ảnh: Đại học Northwestern

Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Northwestern (Illinois, Mỹ) đã phát triển công nghệ thu giữ carbon từ không khí bằng cách sử dụng vật liệu giá rẻ, giúp mở rộng quy mô và giảm chi phí.

Phương pháp mới, gọi là thu giữ carbon bằng độ ẩm (moisture-swing DAC), sử dụng vật liệu nano như than hoạt tính, graphit nano, ống nano carbon và oxit kim loại (nhôm, sắt, mangan) để hấp thụ CO₂ theo độ ẩm không khí. Nghiên cứu cho thấy oxit nhôm và than hoạt tính có tốc độ hấp thụ nhanh nhất, trong khi oxit sắt và graphit nano có khả năng giữ CO₂ cao nhất.

Ưu điểm của công nghệ này là tiết kiệm năng lượng, nhờ khả năng hấp thụ carbon ở độ ẩm thấp và giải phóng ở độ ẩm cao, thay vì cần nhiệt để tái sử dụng vật liệu hấp thụ như các phương pháp truyền thống.

Nhóm nghiên cứu hy vọng hệ thống này sẽ giúp giảm khí thải trong các ngành khó khử carbon như hàng không, nông nghiệp và sản xuất xi măng, thép. Họ cũng đang tiếp tục phân tích vòng đời của các vật liệu mới để tối ưu hóa chi phí và năng lượng tiêu thụ, hướng đến một nền kinh tế tái sử dụng carbon.