|
Luật sư Pham Trung Hoài trong phần biện hộ cho bị cáo Phạm Công Danh sáng 18/9. (Ảnh chụp màn hình: N.G) |
Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án 16 – 17 năm cho bị cáo Phạm Công Danh về cáo buộc vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các TCTD.
Thực hiện bào chữa cho bị cáo Danh, luật sư Pham Trung Hoài nói rằng, sau khi nghe bản luận tội của Viện Kiểm sát, cùng với mức án mà đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị cho bị cáo Phạm Công Danh, có đồng nghiệp nói với ông rằng, mức án và đề nghị xử lý đó thực ra không có ý nghĩa trong việc tổng hợp hình phạt đối với tổng mức án mà bị cáo Danh bị tuyên tại giai đoạn 1 của vụ án Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
“Tuy nhiên như nhiều đồng nghiệp tham dự phiên tòa này, chúng tôi cũng suy nghĩ và nhận thức một cách đầy đủ rằng, vấn đề làm sáng tỏ sự thật khách quan, giúp cho HĐXX phán nghị những hành vi của ông Phạm Công Danh có phạm tội không. Đường lối xử lý đối với các khoản tiền bị coi là sai phạm trong vụ án này có ý nghĩa rất quan trọng và nói liên quan đến cả số phận pháp lý của ông Phạm Công Danh”, vị luật sư bày tỏ.
Ông Hoài nói, vụ án OceanBank đã cho ông và các đồng nghiệp có cơ hội hiểu rõ hơn về bối cảnh nguyên nhân trước khi ông Phạm Công Danh, các cổ đông của Tập đoàn Thiên Thanh tiếp cận, nhận chuyển giao, cổ phần Ngân hàng Đại Tín (TrustBank, sau này đổi têm thành Ngân hàng Xây Dựng - VNCB). Trước đó, trong hồ sơ của vụ án Ngân hàng Xây Dựng (giai đoạn 1) chỉ thấy việc ông Phạm Công Danh tiếp quản và thực hiện các thỏa thuận chuyển giao với nhóm Phú Mỹ, do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện.
Luật sư Hoài xin HĐXX trình bày ngắn gọn rằng, trước thời điểm ông Phạm Công Danh nhận chuyển giao TrustBank thì Tập đoàn Thiên Thanh và cá nhân ông Phạm Công Danh có quá trình kế thừa lịch sử doanh nghiệp chuyên doanh vật liệu xây dựng của gia đình.
Sau khi hình thành Tập đoàn Thiên Thanh thì có cơ sở, nền tảng và vật chất là các trung tâm vật liệu xây dựng, các bất động sản tọa lạc tại những vị trí trung tâm ở Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. HCM, Quảng Nam và nhiều địa phương khác.
“Sau quá trình tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín, cái mà ông Phạm Công Danh nhận được là 30 năm tù, toàn bộ tài sản của tập đoàn của gia đình đã được kê biên đảm bảo và mất hết những tài sản đó. Vì sao như vậy?”, luật sư Hoài đặt câu hỏi, rồi sau đó, ông cũng lập tức trả lời: Là vì lúc đầu Tập đoàn Thiên Thanh có mong muốn, đề nghị với Bộ Xây dựng và được sự ủng hộ của Bộ Xây dựng hình thành một Ngân hàng Xây Dựng phục vụ chuyên ngành của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
“Nhưng Ngân hàng Nhà nước không chấp thuận và yêu cầu phải chọn mua lại ngân hàng yếu kém để tái cấu trúc”, ông Hoài nói.
Trước khi ông Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng TrustBank từ nhóm bà Hứa Thị Phấn thì thực trạng của ngân hàng này như cáo trạng đã thể hiện: TrustBank rơi vào nhóm 9 ngân hàng bị tái cơ cấu, đặt trong sự kiểm soát đặc biệt của NHNN. Cuối tháng 7/2012, NHNN có kết luận thanh tra cho biết, thực trạng của TrustBank rất xấu, vốn chủ sở hữu âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 95% - tập trung trong hai nhóm chính là nhóm Phú Mỹ và nhóm Phương Trang.
“Do bà Hứa Thị Phấn vì điều kiện bệnh tật không có mặt ở đây, tôi nhắc lại một nội dung không phải ý của tôi mà Kết luận thanh tra nói rằng, thực trạng đó liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của bà Hứa Thị Phấn”, vị luật sư nói và nhấn mạnh rằng chính Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN đã căn cứ theo Khoản 3, Điều 46, Luật các TCTD năm 2010, đã kiến nghị NHNN phải đặt TrustBank vào diện Kiểm soát đặc biệt (trang 30 của Kết luận Thanh tra). Cáo trạng cũng xác nhận, NHNN vào thời điểm đó có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng yếu kém. Như nội dung đã được làm rõ trong các phiên xét xử, thì việc ông Phạm Công Danh vào tiếp nhận TrustBank được giới thiệu bởi ông Hà Văn Thắm.
“Như vậy, vấn đề đặt ra là toàn bộ quá trình và thực trạng của Ngân hàng Đại Tín trước khi ông Phạm Công Danh nhận bàn giao này là rất xấu và đáng lẽ, cần phải được xử lý đúng theo quy trình của Luật các TCTD”, ông Hoài nêu vấn đề.
Vị luật sư nhắc lại rằng một chi tiết - mà ông cảm thấy đáng tiếc - rằng trong các phiên xét xử, khi được thẩm vấn thì đại diện NHNN “không có thông tin và cũng không trả lời những vấn đề liên quan đến quá trình chuyển giao Ngân hàng Đại Tín giữa nhóm ông Phạm Công Danh và nhóm bà Hứa Thị Phấn”.
“Theo chúng tôi, cơ quan thanh tra giám sát và NHNN có trách nhiệm rất lớn trong vấn đề đánh giá giá trị pháp lý, điều kiện thực thi, các hoạt động và thủ tục chuyển nhượng cổ phần của Ngân hàng Đại Tín của nhóm bà Hứa Thị Phấn cho ông Phạm Công Danh, theo phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín được xây dựng từ tháng 7/2012 và sửa đổi, bổ sung tháng 5/2013”, luật sư Phan Trung Hoài nói.
Ông Hoài nhấn mạnh, sau khi các bên đã ký hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự vào ngày 09/10/2012, mặc dù chưa thực hiện đầy đủ cam kết, đến ngày 23/5/2013, NHNN đã ban hành Quyết định 1161 về việc thay đổi tên gọi Ngân hàng Đại Tín thành tên gọi Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Luật sư Phan Trung Hoài nhắc lại quan điểm của đại diện NHNN từng lập luận, rằng “không có chức năng đánh giá về hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ giữa hai bên”. “Nhưng hiệu lực pháp lý và kết quả thực hiện thỏa thuận tháng 2/2012 và ngày 09/10/2012 giữa hai nhóm cổ đông này đã được thực hiện đến đâu, đã đảm bảo các điều kiện để chấp thuận đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng hay chưa thì không có một ý kiến nào từ phía cơ quan thanh tra giám sát NHNN”, vị luật sư phản biện lại lập luận của đại diện NHNN.
“Như vậy là mặc nhiên, phần liên quan đến hiệu lực pháp lý, thỏa thuận và kết quả thực hiện thỏa thuận này như thế nào - Chưa hoàn thiện vẫn tiếp tục cho phép chuyển đổi thành Ngân hàng Xây dựng. Chúng tôi cho rằng, đây là một trong những vấn đề cốt lõi, cần phải đánh giá về nguyên nhân vì sao lại xảy ra vụ án ở Ngân hàng Xây dựng và liên đới một phần tới vụ án Ngân hàng Đại Dương ngày hôm nay”, vị luật sư nhấn mạnh và nêu ra nhiều tài liệu chứng minh cho quan điểm vừa nêu.
Chỉ bị đề nghị án treo, bị cáo có thấy là may mắn?
Sáng 18/9, biện hộ cho các bị cáo, nguyên là Giám đốc các Chi nhánh, Phòng Giao dịch OceanBank, đang bị cáo buộc tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, các luật sư bào chữa đều cho rằng sơ sở của cáo buộc này đến từ hành vi “chi lãi ngoài”.
Tuy nhiên, theo các luật sư, hành vi “chi lãi ngoài”, thực tế không gây thiệt hại cho ngân hàng. Đồng thời, các thân chủ của họ cũng không đồng phạm, giúp sức cho Hà Văn Thắm hay Nguyễn Thị Minh Thu chiếm đoạt tài sản của OceanBank. Cho nên quy kết cố ý làm trái là không có căn cứ vào không thỏa đáng.
Luật sư Nguyễn Phương Nam còn nhấn mạnh đến chi tiết, cùng hành vi “chi lãi ngoài” tương tự, nhưng nhiều người khác được miễn truy tố trách nhiệm hình sự, trong khi 34 giám đốc chi nhánh, PGD khác lại bị truy tố là không công bằng.
Ông Nam cho rằng, việc truy tố xem xét phải dựa trên căn cứ, chứ không thể thay đổi “luật chơi”. Tức là quá trình xem xét, thấy quá nhiều người bị vi phạm nên đặt ra việc loại bỏ - ở đây không có sự ban phát gia ơn.
Nói về hành vi mà các thân chủ đang bị quy buộc, luật sư Nam đề nghị cần phải xem xết đúng trình tự và bản chất của sự việc. Họ thực hiện theo đúng hợp đồng lao động quyền hạn của mình – cần phải xem xét minh thị - chứ không phải xem xét mỗi lúc một khác.
Vị luật sư nói rằng, trong bản luận tội sáng 14/9, đại diện Viện Kiểm soát đã đề xuất mức hình phạt cho 4 thân chủ của ông là 24-30 tháng tù án treo.
“Phải chăng là quá may mắn và vui mừng với họ?”, ông Nam hỏi nhưng cũng lại tự trả lời: Không phải! Thực tế họ là người lao động, họ đang là người thực hiện rất nghiêm chỉnh công việc của họ, họ tuân thủ theo hệ thống quy định và chỉ đạo của ngân hàng. Còn sai, nếu có, chỉ là chủ trương của người sử dụng lao động, người đứng đầu.
Nhưng việc sai phạm và bị xử lý như thế nào thì hình như cả những người đứng đầu cũng chỉ nghĩ là bị xử lý hành chính. Chứ chưa nói đến liên đới cho cả người lao động của họ./.