“Mặc dù tôi không bào chữa cho Sơn nhưng Thắm bị truy tố giúp sức cho Sơn. Vậy, căn cứ yếu tố cấu thành tội của Sơn, sau đó mới xem 2 dấu hiệu đặc trưng để truy tố đồng phạm”, luật sư Nguyễn Huy Thiệp – thuộc nhóm bào chữa cho Hà Văn Thắm - giải thích.
Ông Thiệp cho biết, theo Cáo trạng số 35, bị cáo Sơn bị truy tố 2 tội: tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Sơn nhận 246 tỷ đồng từ OJB và 69 tỷ đồng từ Công ty BSC để chăm sóc khách hàng nhằm huy động tiền gửi; Và Sơn chiếm đoạt. Thắm cũng bị truy tố 2 tội danh này với vai trò đồng phạm.
Do đó, LS. Nguyễn Huy Thiệp xin đưa ra một số căn cứ để bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn trước cáo buộc tham ô, chiếm đoạt tài sản.
Đồng quan điểm với nhóm luật sư bào chữa cho Sơn, luật sư Thiệp cho rằng căn cứ buộc tội Sơn là chưa chính xác.
Ông Thiệp đánh giá, việc Sơn bị cáo buộc chiếm đoạt 246 tỷ đồng vốn đến từ việc trong quá trình điều tra Sơn không khai đã sử dụng số tiền như thế nào, chi cho ai. “Có lẽ đây chính là căn cứ cơ bản để cáo trạng quy kết Sơn chiếm đoạt 246 tỷ”, vị luật sư nói.
Tuy nhiên, trước những thông tin mà Sơn đã bất ngờ khai trước tòa, luật sư Thiệp đánh giá, số tiền Sơn nhận là theo chủ trương chăm sóc khách hàng - hành vi của Sơn giống các hành vi khác cùng tội danh cố ý làm trái.
“Hành vi không khác, cùng mục đích mà lại bị truy thành cố ý chiếm đoạt. Tôi không thấy có tài liệu nào chứng minh ý thức hành động của Sơn về việc chiếm đoạt”, luật sư Thiệp đặt vấn đề.
Theo vị luật sư, tại phiên tòa, Sơn đã thừa nhận việc chi cho ai, như thế nào. Như vậy, hành vi của Sơn đã trở về, giống với những bị cáo khác. Lời khai đã được thay đổi tại phiên tòa, tại sao không được xem xét cho đúng bản chất sự thật để đảm bảo công bằng.
“Từ một hành vi chi lãi suất ngoài để huy động tiền gửi trong hoạt động kinh doanh, Sơn bị truy tố thêm 2 tội và Thắm cũng bị truy tố thêm 2 tội”, ông Thiệp phân tích và đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh đang bị cáo buộc cho Sơn.
Vị luật sư bào chữa của Thắm nói rằng, ông hy vọng trong phần tranh tụng, đại kiện Viện Kiểm sát đưa ra các dấu hiệu chiếm đoạt, chứng minh việc quy buộc là có căn cứ.
Nói sâu hơn về số tiền 49 tỷ mà Sơn đang bị cáo buộc tham ô của PVN, luật sư Thiệp nói rằng đây chỉ là một phép tính số học thuần túy, được nhân theo tỷ lệ vốn góp 20% của PVN tại OJB với 246 tỷ đồng đang quy buộc là Sơn chiếm đoạt của Ocean Bank.
Theo ông Thiệp, để ra số này, cơ quan điều tra hồn nhiên đưa ra mà không dựa trên nguồn gốc căn cứ phát sinh số tiền này, rằng ở đâu, ra làm sao.
Xem xét sở hữu dưới góc độ pháp lý, thậm chí chính PVN cũng không tự xác định mình có bị chiếm đoạt không, đặc biệt không có đơn yêu cầu bồi thường. Ngay tại phiên tòa biết mình là nguyên đơn dân sự thì PVN cũng chỉ nói yêu cầu bồi thường căn cứ vào phán quyết của HĐXX. Việc xác định có chiếm đoạt không, hoàn toàn do cơ quan điều tra và Viện kiểm sát tự xác định, hồ sơ không thể hiện PVN bị mất khoản tiền này, PVN cũng không thể xác định đây là tiền gì (tiền vốn hay cổ tức).
Vị luật sư đánh giá, đó là những yếu tố bất cập, đề nghị HĐXX xem xét lại.
Nguyễn Xuân Sơn không phải Chủ tịch HĐTV, chỉ là P.TGĐ PVN!
Mở đầu phiên xét xử sáng 15/9, bổ sung ý kiến biện hộ cho Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Nguyễn Thị Minh Phương đã tập trung bào chữa cho cáo buộc Sơn tham ô 49 tỷ đồng của PVN.
Theo LS. Phương, trong suốt thời gian xảy ra vụ án được khởi tố bởi tội tham ô 49 tỷ, Nguyễn Xuân Sơn không phải Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN, mà chỉ là P.TGĐ PVN. Sơn không được giao nhiệm vị quản lý vốn ngân hàng và cũng không có quyền quyết định địa chỉ gửi tiền của PVN. Đây là quyết định của của Hội đồng Thành viên (HĐTV) - mà lúc đó không có Sơn.
“Vậy nên cũng không có cơ sở khẳng định Nguyễn Xuân Sơn có quyền quản lý tiền gửi hay quyền gì đó. Mà như bị cáo Thắm khai, do Thắm với tư cách cá nhân đã nhờ anh Sơn chăm sóc khách hàng PVN như khi anh Sơn làm TGĐ OJB. Điều này giống như Thắm chi cho chăm sóc khách hàng là các công ty con của PVN, thông qua các nhân vật khác là Minh Thu, Minh Phương, và những người khác”, nữ luật sư biện hộ.
Theo bà Phương, việc xác định đúng chức vụ của Nguyễn Xuân Sơn trong thời gian xảy là vụ án là hết sức quan trọng, tránh được sự nhầm lẫn, không công bằng về vai trò của Sơn trong vụ án.
“Chính vì vậy, chúng tôi xin khẳng định lại rằng, thời gian và khoản tiền bị quy buộc tham ô, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản là Sơn làm P.TGĐ PVN không liên quan đến quản lý điều hành tại PVN, không có chức năng quản lý, rút tiền của NH Đại Dương và Sơn cũng không làm đại diện phần vốn của PVN tại NH Đại Dương”, luật sư này nhấn mạnh.
Ngược lại, tại PVN, Sơn cũng không có chức trách và quyền hạn quản lý OJB. Bà Phương viện dẫn, các định chế tài chính - gồm OJB, PVFC, PVI - do ông Nguyễn Tiến Dũng quản lý, theo mục 7, văn bản số 784 ngày 30/4/2010; tại mục 7 văn bản số 1014 ngày 14/4/2011 và văn bản số 2778 về việc phân công công việc trong Ban Tổng Giám đốc PVN.
“Vậy thì câu hỏi đặt ra là căn cứ vào đâu để có thể quy buộc Sơn có chức vụ quản lý tài sản mà quyết định rút tiền tại Ngân hàng Đại Dương và ai là người quản lý số tiền 246 tỷ này, ai quyết định chi số tiền này?”, luật sư Phương đặt câu hỏi và cũng là để trả lời.
Nữ luật sư biện hộ, rằng số tiền 246 tỷ đồng được quy buộc bị Sơn chiếm đoạt nằm trong số 1.576 tỷ đồng (có lẻ) được rút từ các nguồn - đã được thể hiện trong hồ sơ cáo trạng, được cơ quan giám định và các bị cáo xác nhận không phải từ nguồn cổ tức hay là từ nguồn vốn điều lệ của Ocean Bank. Cho nên, số tiền 49 tỷ đồng (20% của 246 tỷ đồng) không phải là của Nhà nước, tức là không phải của PVN.
“Và một lần nữa chúng tôi khẳng định Sơn không thể là chủ thể của tội tham ô”, luật sư Phương nhấn mạnh./.