Luật sư đề xuất cấp thẻ nhà báo trọn đời, thay vì gia hạn chu kỳ 5 năm

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm, đề xuất cấp thẻ nhà báo theo nguyên tắc “trọn đời” (trừ trường hợp vi phạm bị thu hồi), thay vì gia hạn theo chu kỳ 5 năm như hiện nay.

Tại hội thảo “Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số”, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Hội Truyền thông số Việt Nam chỉ đạo, giao cho Cục Báo chí và Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức, ngày 16/5, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm, đề xuất cấp thẻ nhà báo theo nguyên tắc “trọn đời” (trừ trường hợp vi phạm bị thu hồi), thay vì gia hạn theo chu kỳ 5 năm như hiện nay.

Theo luật sư Tú, quan điểm này không chỉ nhằm giảm gánh nặng hành chính mà còn bảo vệ sự ổn định nghề nghiệp của những người làm báo, trong khi vẫn bảo đảm quyền quản lý - kiểm soát của Nhà nước bằng hệ thống pháp luật đã có.

Luật sư Trương Anh Tú phát biểu tại hội thảo.

“Một ngày làm báo, cả đời là nhà báo. Đây là một nghề nghiệp có tính chất đặc thù, đòi hỏi bản lĩnh, đạo đức và cống hiến lâu dài. Không nên để thủ tục hành chính lặp lại 5 năm một lần trở thành rào cản tâm lý, hay tạo gánh nặng không cần thiết cho cả nhà báo và cơ quan quản lý,” ông Tú nhấn mạnh.

Dẫn chứng từ lĩnh vực luật sư, một ngành nghề gần gũi về chức năng xã hội, ông cho biết luật sư chỉ cần cấp thẻ một lần, không phải xin lại định kỳ, và việc hành nghề được kiểm soát bằng đạo luật riêng, hội nghề nghiệp và cơ chế xử lý vi phạm rất rõ ràng. Điều này cho thấy, có thể xây dựng cơ chế giám sát nghề nghiệp hiệu quả mà không cần thiết phải “gia hạn giấy tờ” một cách hình thức.

Đề xuất của luật sư Tú không đi ngược lại tinh thần quản lý Nhà nước, mà nhấn mạnh vai trò của pháp luật trong việc vừa kiểm soát – vừa bảo vệ – vừa tạo điều kiện cho nghề báo phát triển.

“Cái cần là một hệ thống quy định xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Ai vi phạm đạo đức báo chí, ai đưa tin sai, ai lợi dụng thẻ nhà báo để trục lợi thì hãy xử lý nghiêm, rút thẻ ngay. Nhưng với đại đa số nhà báo đang làm nghề tử tế, thì hãy tạo cho họ một môi trường nghề nghiệp ổn định, có thể yên tâm tác nghiệp, có thể gắn bó lâu dài,” ông Tú đề xuất.

Đây chính là điểm cân bằng mà một đạo luật hiện đại cần hướng đến quản lý bằng pháp luật, không quản bằng giấy tờ hình thức; xử lý vi phạm bằng cơ chế minh bạch, không làm khó người ngay.

Thực tế cho thấy, việc cấp lại thẻ nhà báo 5 năm/lần không phát huy hiệu quả giám sát như kỳ vọng, nhưng lại tạo áp lực hành chính không nhỏ cho các cơ quan báo chí và đội ngũ quản lý. Trong khi đó, với công nghệ số, việc theo dõi, giám sát hoạt động báo chí ngày nay có thể được thực hiện nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn nhiều bằng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử, mã hóa, kết nối liên thông.

Dưới góc độ pháp lý, ông Tú cho rằng, việc xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) lần này là cơ hội để luật hóa các cơ chế quản trị báo chí hiện đại. Luật cần tạo hành lang để báo chí thích ứng với kỷ nguyên số, đồng thời giảm tải thủ tục không cần thiết.

“Chúng ta không thể nói đến chuyển đổi số, tinh giản bộ máy, rồi lại quy định các thủ tục truyền thống, thủ công, định kỳ. Quản lý nhà báo cũng vậy, không nên quản bằng giấy tờ 5 năm, mà nên quản bằng chuẩn đạo đức, bằng công cụ số và bằng luật,” ông nói.

Về mặt nguyên tắc pháp lý, một người có đủ điều kiện để được cấp thẻ nhà báo thì cũng chính là người được xã hội công nhận có năng lực nghề nghiệp. Nếu không vi phạm pháp luật, đạo đức báo chí hay quy định chuyên ngành, thì không có lý do gì để phải “đánh giá lại từ đầu” mỗi 5 năm. Đó là chưa kể, thực tiễn hiện nay chưa có thống kê rõ ràng nào cho thấy cấp lại thẻ định kỳ giúp giảm thiểu vi phạm trong nghề báo.

Tại hội thảo “Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số”, cũng ghi nhận một số ý kiến khác từ đại diện các cơ quan báo chí lớn như Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… thể hiện sự đồng tình với tinh thần dự thảo luật, cần tạo cơ chế bảo vệ nhà báo, chứ không chỉ là công cụ kiểm soát.

Báo chí là một thiết chế đặc biệt – vừa là phương tiện truyền thông, vừa là lực lượng xây dựng nền tảng dân trí, vừa là chủ thể phản biện xã hội. Việc đảm bảo sự ổn định, tôn trọng và bảo vệ nghề nghiệp cho nhà báo cũng chính là cách bảo vệ môi trường thông tin lành mạnh.

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng: “Pháp luật phải là công cụ bảo vệ người làm đúng, chứ không phải là gánh nặng cho người tử tế.”