Khởi công cầu Tứ Liên gần 20.000 tỷ đồng: Thủ tướng yêu cầu thi công trong 24 tháng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 19/5 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao đường Nghi Tàm đến đường Trường Sa), tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng.

Dự án cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu gồm 4 dự án thành phần, tổng mức đầu tư khoảng 19.830 tỷ đồng. Trong đó, 3 dự án giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 4.332 tỷ đồng, thu hồi 62,53 ha với 701 trường hợp bị ảnh hưởng.

Anh 1.jpeg
Lễ khởi công xây dựng cầu Tứ Liên. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Phần xây dựng do Ban Quản lý dự án giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư, kinh phí khoảng 15.498 tỷ đồng. Liên danh Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc), VinGroup và đối tác đảm nhiệm thi công.

Dự án cầu Tứ Liên có vai trò chiến lược trong kết nối khu vực phía Bắc và Đông Bắc sông Hồng với trung tâm thành phố, tỉnh Thái Nguyên qua cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Công trình được kỳ vọng góp phần giảm tải áp lực cho các cầu hiện hữu như Chương Dương, Long Biên, Vĩnh Tuy, Thăng Long; thúc đẩy giãn dân, đô thị hóa và phát triển không gian đô thị hiện đại hai bên sông Hồng.

Theo thiết kế, cầu Tứ Liên là cầu dây văng hai mặt phẳng dây, trụ tháp cao 185 m, nhịp chính dài 500 m – một trong những cầu có quy mô lớn và kiến trúc hiện đại bậc nhất Hà Nội khi hoàn thành. Tuyến đường dẫn có chiều dài toàn tuyến khoảng 5,15 km, điểm đầu tại đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ), điểm cuối tại đường Trường Sa (huyện Đông Anh).

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết ngay sau chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp sáng tạo và linh hoạt như: ban hành kế hoạch chi tiết, tổ chức giao ban hằng tuần, áp dụng “làn xanh” xử lý văn bản trong 24 giờ, lựa chọn nhà thầu. Nhờ đó, chỉ sau 5 tháng, dự án đã hoàn tất công tác chuẩn bị và đủ điều kiện khởi công – rút ngắn đáng kể so với thời gian thực hiện các dự án tương tự trước đây.

Theo ông Thanh, cầu Tứ Liên là công trình hạ tầng trọng điểm, góp phần kết nối giao thông, phát triển đô thị hai bên sông Hồng và giảm tải cho các cầu hiện hữu. Với thiết kế cầu dây văng hiện đại, khi hoàn thành vào năm 2027, công trình này sẽ là một biểu tượng kiến trúc của Hà Nội.

Anh 1.jpeg
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi lễ khởi công. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Chủ tịch TP Hà Nội nhấn mạnh đây cũng là công trình cầu vượt sông Hồng đầu tiên được khởi công trong năm 2025, nằm trong kế hoạch triển khai đồng bộ 6 cầu lớn khác trong năm nay, như: cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (Vành đai 4); cầu Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5); cầu Trần Hưng Đạo và cầu Vân Phúc.

UBND TP Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ, đồng thời đề nghị các chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương tập trung nguồn lực, sớm giải phóng mặt bằng để đảm bảo dự án triển khai đúng kế hoạch.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của dự án cầu Tứ Liên trong dịp cả nước kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Thủ tướng nhấn mạnh dự án cầu Tứ Liên sẽ góp phần giải quyết vấn đề giao thông của Hà Nội, kết nối giữa các khu vực của Hà Nội, kết nối vùng, kết nối quốc tế qua các sân bay Nội Bài và sân bay Gia Bình.

Anh 1.jpeg
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Tứ Liên xuống còn 24 tháng. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Dự án góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng không gian phát triển, nâng cao giá trị đất đai và dịch vụ tại khu vực phía bắc sông Hồng.

Thủ tướng biểu dương nỗ lực của Hà Nội và các đơn vị liên quan, đồng thời yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công xuống còn 24 tháng, bảo đảm chất lượng, mỹ thuật, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

Anh 1.jpeg
Máy móc và công nhân tại lễ khởi công dự án cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Thủ tướng mong muốn cầu Tứ Liên phải trở thành điểm nhấn kiến trúc, góp phần tôn vinh Thủ đô ngàn năm văn hiến; đồng thời kêu gọi huy động các bộ, ngành, cơ quan Trung ương vào cuộc, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, quan tâm đời sống người dân, sử dụng tối đa nhân lực, vật liệu tại chỗ và công nghệ hiện đại.