Đây là vũ khí lợi hại Bắc Kinh sử dụng để áp đặt các yêu sách chủ quyền mà không cần gây ra xung đột vũ trang.
Lực lượng thứ ba – vũ khí bí mật của Trung Quốc
Sự tồn tại của dân quân biển, từ lâu đã trở thành một bí mật dần được công khai, dù trong nhiều năm liền Bắc Kinh thường né tránh đề cập hoặc đề cao vai trò của lực lượng này.
Dân quân là một trong ba thành phần của lực lượng vũ trang nước này, bên cạnh Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) và Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (PAP). Dù là lực lượng bán quân sự độc lập với PLA và trực thuộc quản lý của chính quyền, dân quân hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các bộ chỉ huy quân sự địa phương.
Điều 36 của Luật Nghĩa vụ Quân sự Trung Quốc năm 1984, sửa đổi năm 1998, quy định dân quân "tiến hành các nhiệm vụ liên quan tới việc chuẩn bị đương đầu với chiến tranh, bảo vệ biên giới và duy trì trật tự công cộng; và phải luôn sẵn sàng gia nhập quân đội tham chiến, chống lại sự xâm lược và bảo vệ đất nước".
Dân quân biển là một bộ phận của lực lượng dân quân Trung Quốc, nước có đội tàu cá lớn nhất thế.
Sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2013 tăng cường vai trò của lực lượng dân quân biển trong việc áp đặt các yêu sách chủ quyền và hỗ trợ các chiến dịch của quân đội.
Cũng trong năm này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi đến thăm lực lượng dân quân biển ở thành phố Tam Á - đảo Hải Nam đã gọi lực lượng này là một hình mẫu để những người khác noi theo.
Trong khi Trung Quốc khá thận trọng tránh sử dụng các tàu quân sự thân xám của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa thì lực lượng hải cảnh và dân quân biển được xem như hai mũi giáp công thực thi hiệu quả “chiến lược vùng xám”, hay còn được gọi là “chiến lược tiệm tiến cưỡng bức” mà Trung Quốc theo đuổi ở Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) nhận xét.
Chiến lược “tiệm tiến cưỡng bức” thường được các nước lớn sử dụng để đạt được lợi ích mà không cần dùng tới vũ lực một cách trực tiếp. Chiến lược này có hai đặc trưng căn bản: Một là không để xung đột vượt ngưỡng; Hai là tiến từng bước nhỏ.
“Chiến lược vùng xám”, hay còn được gọi là “chiến lược tiệm tiến cưỡng bức” mà Trung Quốc theo đuổi ở Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) nhận xét. Ảnh: CCTV. |
Lực lượng dân quân biển, với sự hiện diện ngày càng lớn, được Bắc Kinh xem là mũi nhọn trong việc thực hiện chiến lược này trên Biển Đông.
Trong suốt nhiều năm qua, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng dân quân biển như một đơn vị phản ứng nhanh trong nhiều diễn biến căng thẳng, theo Giáo sư Carl Thayer.
Những lần gần nhất là khi Trung Quốc quấy rối các tàu USNS Impeccable (năm 2009) và USNS Howard O. Lorenzen (năm 2014) của Mỹ; quấy rối các tàu Bình Minh và Viking 2 của Việt Nam (năm 2011); chiếm đóng Bãi cạn Scarborough (năm 2012), phong tỏa Bãi Cỏ Mây (năm 2014), đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (năm 2014) và gần đây nhất là vụ đâm chìm tàu cá Philippines khiến 22 ngư dân gặp nạn.
Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu kêu gọi chú ý đến lực lượng dân quân biển trong Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2017. Theo đó, Bắc Kinh đang sử dụng hạm đội tàu cá thương mại để thực thi áp đặt các yêu sách chủ quyền và thúc đẩy lợi ích theo hướng có tính toán ở dưới ngưỡng khơi mào xung đột quân sự.
Đến năm 2019, báo cáo của Lầu Năm góc nhấn mạnh rằng lực lượng dân quân biển "đóng vai trò lớn trong các hoạt động cưỡng ép để đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến đấu".
Theo chuyên gia Poling, sự kiện giàn khoan HD-981 năm 2014 là "lần đầu tiên chúng ta thấy dân quân biển Trung Quốc hoạt động với số lượng lớn như vậy". Ảnh: CSIS |
"Dân quân biển đang ngày càng trở thành công cụ yêu thích của Trung Quốc để áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ đồng thời thách thức yêu sách chủ quyền của các nước láng giềng", ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) – Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS (Hoa Kỳ) nhận định với VietTimes.
Theo chuyên gia Poling, sự kiện giàn khoan HD-981 năm 2014 là "lần đầu tiên chúng ta thấy dân quân biển Trung Quốc hoạt động với số lượng lớn như vậy".
Tuy nhiên, sự hiện diện của lực lượng này trên Biển Đông đang ngày càng trở nên dày đặc nhờ các cảng và cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên các thực thể ở Biển Đông trong những năm qua.
"Giờ đây chúng ta thấy hàng trăm “tàu cá” Trung Quốc lảng vảng ở Trường Sa mọi lúc và phần lớn chúng không bao giờ đánh cá. Điều này có nghĩa là chúng thuộc lực lượng dân quân biển", ông Poling nói.
Vỏ bọc tàu cá và sự mập mờ danh phận
Trên lý thuyết, dân quân biển Trung Quốc là những ngư dân đã trải qua các khóa huấn luyện quân sự, vẫn làm công việc đánh bắt hàng ngày nhưng sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ của quân đội. Tuy nhiên, các học giả cho rằng đánh cá chỉ là vỏ bọc.
Các dữ liệu cảm biến từ xa cho thấy các tàu này thường đi thành đoàn lớn và tụ cùng một chỗ trong hàng tuần liền. Trong hầu hết các trường hợp, các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy những con tàu này buông neo mà không hề có lưới đánh bắt cá hay ngư cụ phù hợp.
“Nếu họ là các ngư dân thì chắc hầu hết đã phá sản từ lâu”, ông Poling bông đùa.
Sự thực này nhanh chóng được khẳng định khi tháng 12 năm 2018, hàng chục tàu cá của dân quân biển, được hộ tống bởi một số tàu hải quân và hải cảnh, đã đổ bộ ngoài Đá Xu Bi thuộc Philippines và buông neo chỉ cách đảo Thị Tứ 2-5,5 hải lý.
Thời điểm này, Manila bắt đầu khởi công xây dựng một tuyến đường nối ra bờ biển và sửa chữa các đường băng trên đảo.
Đến ngày 20/12/2018, số lượng tàu cá vây quanh đảo Thị Tứ lên tới 95 tàu, không một tàu nào đánh bắt cá và chỉ có duy nhất một tàu phát tín hiệu nhận dạng tự động (AIS). Quân đội Philippines xác nhận rằng họ đã phát hiện được 275 tàu Trung Quốc vây quanh đảo Thị Tứ từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2019.
Tàu dân quân Trung Quốc quấy nhiễu tàu USNS Impeccable (năm 2009) Ảnh: US Navy. |
Việt Nam cũng là mục tiêu của “binh đoàn giấu mặt” hay “hạm đội bóng đêm” – theo cách gọi của các chuyên gia quốc tế. Theo nghiên cứu của Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), các tàu dân quân biển thường xuyên vây thành đoàn quanh các điểm đồn trú của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.
Chẳng hạn như tín hiệu AIS cho thấy một nhóm 9 tàu Trung Quốc khi hoạt động gần Đá Tư Nghĩa và Đá Gạc Ma đã thường xuyên tiến sát một cách khiêu khích các cơ sở gần đó của Việt Nam trên Đá Cô Lin, Đá Len Đao, Đảo Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông.
Các hình ảnh thu thập từ vệ tinh cũng chứng minh những tàu này chưa bao giờ đánh cá và neo đậu chỉ cách các điểm đảo của Việt Nam chưa đầy 1 hải lý. Các tàu dân quân biển cũng hộ tống tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc đi vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Một trong những lợi thế của lực lượng dân quân biển, là sự mơ hồ về danh phận.
“Các tàu của dân quân biển đóng vai trò tai mắt cho lực lượng hải quân và hải cảnh Trung Quốc, và có thể trực tiếp quấy nhiễu tàu thuyền của các nước khác mà không sợ bị cáo buộc đang làm việc cho chính quyền”, chuyên gia Greg Poling giải thích.
Trong thời gian dài, các bên có tranh chấp trên Biển Đông cũng như các lực lượng qua lại trên vùng biển thường không thể xác định chắc chắn liệu họ đang đối mặt với tàu cá bình thường của Trung Quốc hay là "lực lượng bất thường" của nước này vốn có mục đích quân sự rõ ràng trong đầu.
Vì không thể xác định chính xác, các bên khi đối đầu với lực lượng Trung Quốc thường hành động kiềm chế, tránh leo thang xung đột dẫn đến thương vong và bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, theo Asia Times.
Trong khi đó, Bắc Kinh lại lợi dụng sự mơ hồ này cũng như khả năng "phủ nhận hợp lý" (bằng cách nói rằng đó là tàu cá dù thực tế không phải) để thực hiện mưu đồ của họ trên Biển Đông.
Các tàu dân quân biển Trung Quốc thường được gia cố phần mũi để có thể húc vào tàu khác. Ảnh: Reuters |
Cũng theo Asia Times, các tàu dân quân biển Trung Quốc thường không được vũ trang, nhưng được gia cố phần mũi để có thể húc vào tàu khác, cũng như được trang bị vòi rồng công suất cao, thứ được xem là vũ khí hữu hiệu khi đối đầu với thủy thủ đoàn các tàu nhỏ.
Ngoài ra, hầu hết tàu đều được trang bị thiết bị viễn thông hiện đại để tiến hành hoạt động gián điệp cũng như để dễ dàng triển khai theo lệnh của quân đội.
Nguy hiểm hơn, các dấu hiệu chỉ ra rằng Bắc Kinh đã và đang chuyên môn hóa đồng thời quân sự hóa lực lượng dân quân biển.
Theo báo cáo tháng 6/2019 của Bộ Quốc phòng Mỹ, chính quyền tỉnh Hải Nam đã cho đóng 84 tàu cá cỡ lớn với thân tàu được gia cố và trang bị hầm chứa đạn. Các thành viên của lực lượng dân quân biển Hải Nam chủ yếu được tuyển dụng từ các binh sĩ xuất ngũ và được trả lương riêng.
Dành nhiều năm theo dõi và nghiên cứu các hoạt động của các lực lượng chấp pháp Trung Quốc trên Biển Đông, chuyên gia Greg Poling lo ngại rằng xung đột tiếp theo xảy ra trên Biển Đông rất nhiều khả năng liên quan đến lực lượng dân quân biển Trung Quốc hơn là hải quân hay cảnh sát biển nước này.
Tàu của lực lượng dân quân biển Tam Á được trang bị vũ khí hạng nhẹ và hầm chứa đạn. Ảnh: National Defense. |
"Lực lượng này vô cùng nguy hiểm không chỉ vì hành xử hung hăng đối với tàu các nước láng giềng mà còn vì họ không phải lực lượng chuyên nghiệp, không được huấn luyện cũng như không bị chế tài theo các quy định thông thường về va chạm trên biển mà các nước áp dụng cho lực lượng chiến đấu có vũ trang.
Điều đó có nghĩa là họ có thể gây ra những cuộc khủng hoảng rất khó xử lý hay xuống thang", ông Poling cảnh báo.
Cách duy nhất để tránh cuộc khủng hoảng xuất phát từ các tàu bán quân sự nguỵ trang này, theo ông Poling, là gây áp lực buộc Bắc Kinh phải đưa chúng ra khỏi cuộc chơi.
“Các nước trong khu vực và các bên liên quan ngoài khu vực như Mỹ nên phối hợp với nhau để lột tấm mặt nạ này xuống và công khai các hành động của các lực lượng Trung Quốc, đặc biệt là dân quân biển.
Và nếu như chúng có thể bị định danh công khai và truy vết chủ sở hữu thực sự, chúng có thể là mục tiêu của các lệnh trừng phạt kinh tế trực tiếp giống như những gì đã xảy ra với những lực lượng Nga tham gia vào các hoạt động bán quân sự ở Ukraine hay các công ty Trung Quốc tham gia buôn lậu vào Bắc Triều Tiên”, chuyên gia của CSIS đề xuất./.