|
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trong năm 2015, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng trên các thiết bị di động với tỷ lệ 26% website có phiên bản di động, đầu tư nhiều hơn cho tiếp thị trực tuyến |
Năm 2015 là năm thứ tư liên tiếp Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) xây dựng chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam nhằm cung cấp một công cụ hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và doanh nghiệp đánh giá một cách định lượng sự sẵn sàng ứng dụng TMĐT trên phạm vi cả nước cũng như tại mỗi địa phương trong từng năm và so sánh sự phát triển qua các năm.
Theo đại diện VECOM, chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2015 có điểm bình quân 43,9 và Top 5 tỉnh, thành phố có mức độ ứng dụng thương mại điện tử cao nhất lần lượt là TP.HCM (73,3); Hà Nội (72); Đà Nẵng (62,2); Bình Dương (55); Hải Phòng (54,4).
Chỉ số TMĐT Việt Nam 2015 dựa trên 4 chỉ số thành phần gồm hạ tầng CNTT và nguồn nhân lực; giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C); giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp (G2B). Và ở cả 4 chỉ số thành phần nêu trên, TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng đều là những địa phương dẫn đầu.
Cũng theo đại diện VECOM, chỉ số TMĐT Việt Nam 2015 cho thấy sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương và xu hướng này có thể tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Cách biệt giữa điểm trung bình của nhóm 5 tỉnh thấp nhất (32,9) so với nhóm 5 tỉnh cao nhất (63,4) lên tới 30,5 điểm, cao hơn khoảng cách 20,3 và 18 điểm của các năm 2014 và 2013.
|
Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 vừa được VECOM chính thức công bố. |
Trao đổi bên lề lễ công bố, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VECOM cho biết, điểm nhấn lớn nhất của chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2015 là nó phản ánh quy mô giao dịch trực tuyến của Việt Nam đã tăng rất nhanh và mạnh trong năm 2015 so với năm 2014.
Chỉ số TMĐT Việt Nam được xây dựng trên cơ sở khảo sát doanh nghiệp và xem xét 3 loại hình giao dịch phổ biến, có quy mô lớn nhất là B2C, B2B và G2B. Với kết quả khảo sát năm 2015 và các năm trước đó, có thể thấy cả 3 loại hình giao dịch này đều phát triển nhanh.
Cụ thể, với loại hình B2C, các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng trên các thiết bị di động với tỷ lệ 26% website có phiên bản di động, đầu tư nhiều hơn cho tiếp trực tuyến. Tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu từ kênh bán hàng trực tuyến tăng lên là 43%, ổn định là 49% và chỉ giảm tại 8% doanh nghiệp tham gia khảo sát. Trong một trường hợp cụ thể, ước tính quy mô giao dịch của Ngày mua sắm trực tuyến 2015 cao gấp 3 lần so với năm 2014.
Với loại hình B2B, có tới 70% doanh nghiệp sử dụng email và 36% sử dụng website của đối tác để mua hàng. Quy mô của các hợp đồng mua hàng trực tuyến có thể được thể hiện qua tỷ lệ tổng giá trị của đơn hàng doanh nghiệp đã mua qua 2 hình thức trên so với tổng chi phí của doanh nghiệp. Kết quả cho thấy 49% doanh nghiệp có giá trị mua hàng trực tuyến dưới 20% chi phí; 34% doanh nghiệp có giá trị này bằng 21-50% chi phí và 17% doanh nghiệp có giá trị mua hàng trực tuyến chiếm từ 51% trở lên. So với các tỷ lệ tương ứng của năm 2014 có thể thấy xu hướng các doanh nghiệp đã đẩy mạnh mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến.
Đối với loại hình G2B, tỷ lệ doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2015 lên tới 73%. Nhiều dịch vụ công trực tuyến đã đạt tới mức 3, tức là doanh nghiệp có thể thanh toán trực tuyến. Trong đó có tới 83% doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ khai báo thuế điện tử và 25% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hải quan điện tử.
Mặc dù khẳng định TMĐT sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong giai đoạn tới song ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng: những trở ngại đối với sự phát triển của thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến là không hề nhỏ.
“Trở ngại lớn nhất mà mọi người đều biết và chưa có một giải pháp thật sự hiệu quả để tháo gỡ, đó chính là lòng tin của người tiêu dùng. Lòng tin của người tiêu dùng quyết định sự tăng trưởng của giao dịch trực tuyến; thế nhưng hiện nay trên thị trường những hiện tượng chưa lành mạnh trong mua bán trực tuyến vẫn còn khá nhiều khiến cho người tiêu dùng thiếu lòng tin vào mua sắm trực tuyến”, ông Hưng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hưng, đã có nỗ lực của nhiều cơ quan khác nhau để nâng cao lòng tin của người tiêu dùng đối với mua sắm trực tuyến song đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Một trong những mục tiêu VECOM đang hướng tới là làm sao để tạo dựng lòng tin tốt hơn của người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến.
Ngoài ra, từ chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2015, VECOM cũng đưa ra các nhận định quan trọng khác như: nguồn nhân lực chưa đáp ứng được sự phát triển TMĐT theo chiều sâu; thanh toán điện tử chưa theo kịp sự phát triển nhanh của TMĐT; Nhà nước có vai trò lớn đối với sự phát triển TMĐT trong giai đoạn mới.
Chỉ số TMĐT Việt Nam 2015 được xây dựng trên cơ sở điều tra khảo sát gần 5.000 doanh nghiệp trên cả nước, tăng gần 50% so với năm 2014. Mẫu phiếu khảo sát tiếp tục được hoàn thiện nhằm phản ánh tốt hơn tình hình ứng dụng TMĐT tại các doanh nghiệp.
Theo ICT News