|
Techcombank chưa có kế hoạch chia cổ tức, giữ nguyên mục tiêu lợi nhuận 2021 |
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân và cập nhật kết quả kinh doanh quý 2, ông Ngô Hoàng Hà – Giám đốc cao cấp tài chính doanh nghiệp của Techcombak – cho biết ngân hàng hiện chưa có kế hoạch thay đổi mục tiêu lợi nhuận năm 2021.
Trước nỗi lo lắng của nhà đầu tư rằng việc giảm lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng, ông Hà cho hay Techcombank tập trung tối ưu hoá tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và đa dạng hoá nguồn vốn huy động, từ đó giảm chi phí huy động. Điều này giúp Techcombank có thể giảm lãi suất cho khách hàng mà không ảnh hưởng quá lớn tới biên thu nhập lãi thuần (NIM).
“Nếu khách hàng có khó khăn do dịch bệnh Covid-19 thì ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ giảm lãi suất, tối đa là 1,5% cho khách hàng cũ và 1% cho khách hàng mới”, ông Hà chia sẻ.
Tại ngày 30/6/2021, tổng tiền gửi của Techcombank đạt 289,3 nghìn tỉ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái và 4,3% kể từ đầu năm. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA), đặc biệt là CASA cá nhân, tăng trưởng lần lượt 55,1% và 56,9% so với cùng kỳ.
“Techcombank là ngân hàng mạnh về hệ sinh thái, các khách hàng chuyển tiền lẫn nhau trong ngân hàng giúp cho tiền thực chất không đi ra khỏi ngân hàng”, theo ông Phùng Quang Hưng – Phó Tổng Giám đốc thường trực Techcombank.
|
Trong nửa đầu năm 2021, Techcombank báo lãi trước thuế hơn 11,5 nghìn tỉ đồng, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của Techcombank đạt mức 18,1 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng 52,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nhà băng này ghi nhận tăng trưởng cả thu nhập lãi (+56,2%) và thu nhập ngoài lãi (+43,3%) so với cùng kỳ năm 2020. Biên lãi ròng (NIM) tiếp tục được cải thiện lên mức 5,6%.
Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Techcombank đạt 504,3 nghìn tỉ đồng, tăng 14,7% so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ tín dụng của khách hàng đạt 353,7 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng 11,2%.
Theo ông Phùng Quang Hưng, Techcombank đã được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng mới sau khi sử dụng hết ‘room’ mà NHNN giao.
|
Trong quý 2/2021, nhà băng này cũng trích lập thêm dự phòng, nâng tỉ lệ bao phủ nợ xấu lên mức 258,9% (quý 1/2021 là 219,4%). Tính đến ngày 30/6/2021, dư nợ tái cơ cấu theo TT01 chỉ còn 2,7 nghìn tỉ đồng , chiếm 0,8% tổng dư nợ và giảm tới 4 lần so với cuối quý 2/2020.
Techcombank đã chủ động trích lập dự phòng ngay từ đầu năm 2020 nhằm chuẩn bị các ‘bước đệm’ ứng phó với tác động của dịch bệnh. Khi dịch đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, ngân hàng đã lập ra nhiều kịch bản, trong đó xấu nhất là dịch sẽ kéo dài tưới cuối năm 2022.
“Việc chuẩn bị giúp ngân hàng tự tin trong nửa còn lại của năm”, ông Hưng chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo Techcombank, nhà băng này chưa có kế hoạch chia cổ tức trong năm nay. Trong tương lai, nếu kế hoạch thay đổi, ban lãnh đạo sẽ báo cáo tới các nhà đầu tư.
Ngoài ra, việc IPO đối với TCBS cũng nằm trong kế hoạch của ngân hàng, khi đến thời điểm phù hợp ban lãnh đạo sẽ cập nhật sau./.