|
Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, Vietnam Airlines đã ghi nhận kết quả kinh doanh rất ấn tượng khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.400 tỷ đồng – gần gấp đôi mức 724 tỷ của năm 2014 và là mức cao nhất kể từ năm 2007 đến nay.
Nguyên nhân chính chính khiến lợi nhuận của Vietnam Airlines khởi sắc đến từ việc giá nhiên liệu – chiếm khoảng 40% chi phí – đã giảm rất mạnh so với năm 2014.
Lợi nhuận năm 2015 của Vietnam Airlines cao nhất trong 8 năm qua
Tỷ suất lãi gộp trên doanh thu của Vietnam Airlines đạt 14% trong ba quý đầu năm nay trong khi năm 2013 và 2014 chỉ đạt lần lượt 10% và 11%. Với doanh thu hàng năm dao động quanh mức 70.000 tỷ đồng thì cứ mỗi một điểm phần trăm tăng thêm là lợi nhuận gộp của Vietnam Airlines tăng thêm khoảng 700 tỷ đồng.
Giả sử tỷ suất lãi gộp cả năm là 14% như 9 tháng đầu năm – tức tăng thêm 3 điểm phần trăm so với năm 2014 – thì lợi nhuận của Vietnam Airlines sẽ phải tăng trên 2.100 tỷ.
Trong điều kiện các chi phí khác như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý không biến động động nhiều thì đúng ra lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines cũng sẽ tăng thêm khoảng 2.000 tỷ nhưng thực tế là chỉ tăng chưa đến 700 tỷ.
Với mỗi 1% tăng lên, lợi nhuận gộp cả năm của Vietnam Airlines sẽ tăng khoảng 700 tỷ đồng
Tỷ giá "ăn mòn" lợi nhuận
Theo báo cáo tài chính do Vietnam Airlines công bố thì trong 9 tháng đầu năm 2015 hãng hàng không này đã đạt 1.385 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - như vậy lợi nhuận của quý 4 chỉ vỏn vẹn 15 tỷ đồng!
Ngay trong quý 1/2015, Vietnam Airlines đã báo lãi 808 tỷ - tức nhiều hơn lợi nhuận của cả năm 2014. Nhưng các quý sau đó đã lợi nhuận đã hao hụt dần khi mà chi phí tài chính ngày càng lớn.
Vietnam Airlines không công bố cụ thể chi phí tài chính nhưng không khó để nhận ra lỗ tỷ giá là nguyên nhân “bào mòn” lợi nhuận khi mà Việt Nam Đồng đã mất giá mạnh trong các quý cuối năm 2015. Chi phí tài chính chủ yếu của Vietnam Airlines chủ yếu đến từ lỗ tỷ giá và lãi vay.
Do đặc thù hoạt động phải vay lượng lớn ngoại tệ để đầu tư máy bay nên mỗi khi tỷ giá biến động đều tác động lớn tới lợi nhuận của Vietnam Airlines. Dù vậy thì Vietnam Airlines hiện chưa mua bảo hiểm tỷ giá do đánh giá rằng chi phí mua bảo hiểm có thể lớn hơn lỗ tỷ giá. Trong khi đó, với nguyên liệu đầu vào là xăng hiện Vietnam Airlines đã mua bảo hiểm giá nhiên liệu.
Biến động tỷ giá cũng giúp Vietnam Airlines có khoản lãi chênh lệch tỷ giá nhưng không thấm vào đâu so với lỗ chênh lệch tỷ giá. Trong năm 2013 và 2014, lỗ ròng chênh lệch tỷ giá (lỗ tỷ giá trừ lãi tỷ giá) của Vietnam Airlines lần lượt là 800 tỷ và 1.000 tỷ đồng. Mức lỗ tỷ giá của năm 2015 chắc chắn lớn hơn rất nhiều so với con số này.
Chi phí tài chính của Vietnam Airlines - phần lớn là do lỗ tỷ giá - tăng đột biến khiến cho lợi thế từ giá xăng giảm không còn nhiều.
Kiến Khang
Theo Trí thức trẻ