Lợi nhuận 'tráng men' của nhà thầu xây dựng Bông Sen Vàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Sự lớn mạnh của những đối tác như BW Industrial giúp doanh thu của nhà thầu CTCP Xây dựng Bông Sen Vàng tăng tốc trong nhiều năm. Song, doanh nghiệp này lại báo lãi rất khiêm tốn.

CTCP Xây dựng Bông Sen Vàng (Bông Sen Vàng, tên tiếng Anh là: Golden Lotus Construction) là nhà thầu quen mặt của BW Industrial – liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC và Warburg Pincus. Trong đó, có thể kể đến Dự án 08 BW Thới Hoà – Bình Dương, Nhà xưởng VSIP 2A Tân Uyên, Cụm nhà xưởng BW – Stage 2 và 3.

Ngoài ra, Bông Sen Vàng cũng là nhà thầu cho mốt số dự án lớn khác như: Nhà máy dệt Best Pacific Việt Nam (gói thầu 65 triệu USD), Nhà máy sản xuất vải XinDaDong Textile Dung Quất (gói thầu 25 triệu USD), Nhà máy dệt nhuộm của Công ty TNHH Tân MaHang Việt Nam (gói thầu 18,5 triệu USD).

Trúng các gói thầu xây dựng lớn, dữ liệu của VietTimes cho thấy, doanh thu của Bông Sen Vàng cũng tăng trưởng mạnh trong nhiều năm. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu thuần của Bông Sen Vàng đã tăng gấp 2,4 lần, từ 383,5 tỉ đồng năm 2016 lên 923,4 tỉ đồng năm 2019.

Tuy nhiên, hiệu suất sinh lời của Bông Sen Vàng rất thấp. Năm 2019, Bông Sen Vàng ghi nhận doanh thu đạt đỉnh 4 năm (923,4 tỉ đồng), song chỉ báo lãi sau thuế vỏn vẹn 1,37 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,15%. Các năm trước đó, Bông Sen Vàng cũng chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt vỏn vẹn từ 0,41 - 0,93 tỉ đồng mỗi năm, tương ứng biên lợi nhuận từ 0,1 - 0,16%.

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Bông Sen Vàng đạt 448 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm và cao gấp 4,34 lần so với vốn chủ sở hữu (103,2 tỉ đồng).

Ai đứng sau Bông Sen Vàng?

Theo tìm hiểu của VietTimes, Bông Sen Vàng được thành lập vào tháng 11/2011, trụ sở chính hiện đặt tại số O2 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. HCM, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.

Công ty này có vốn điều lệ ban đầu ở mức 100 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Ngọc Phương Trang (nắm giữ 40% cổ phần), ông Vũ Đình Luyến (nắm giữ 30% cổ phần) và ông Nguyễn Đình Hải (nắm giữ 30% cổ phần).

Tháng 5/2016, Bông Sen Vàng tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 500 tỉ đồng, đồng thời tỷ lệ sở hữu của 3 cổ đông sáng lập trên giảm mạnh xuống còn 20% vốn điều lệ. Đến cuối năm 2016, công ty bất ngờ điều chỉnh quy mô vốn xuống mức 100 tỉ đồng.

Ông Đỗ Thành Duy - Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Bông Sen Vàng (Ảnh: goldenlotuscons.vn)

Ông Đỗ Thành Duy - Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Bông Sen Vàng

(Ảnh: goldenlotuscons.vn)

Mặc dù danh tính nhóm cổ đông mới nắm quyền chi phối tại Bông Sen Vàng không được tiết lộ, song có thể hiểu nhóm này phải nắm quyền lãnh đạo. Mà lãnh đạo cao nhất của nhà thầu này hiện là Chủ tịch HĐQT Đỗ Thành Duy (SN 1968).

Cập nhật tại ngày 14/4/2020, Bông Sen Vàng có vốn điều lệ ở mức 170 tỉ đồng. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thụy Ngọc Thảo (SN 1981).

Ông Đỗ Thành Duy và bà Nguyễn Thụy Ngọc Thảo còn góp vốn thành lập CTCP Hóa chất và Vật liệu điện Sài Gòn (Điện Sài Gòn) với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 50% và 10% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại tương đương 40% vốn điều lệ thuộc sở hữu của ông Lương Xuân Quang (SN 1972) - Giám đốc công ty.

Điện Sài Gòn được thành lập vào tháng 6/2016 với vốn điều lệ ban đầu ở mức 25 tỉ đồng, trụ sở chính hiện đặt tại số 109 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP. HCM, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn chuyên doanh khác chưa được phân vào đâu.

Giống với Bông Sen Vàng, kết quả kinh doanh của Điện Sài Gòn cũng không quá nổi bật. Giai đoạn 2017 - 2019, doanh thu thuần mỗi năm của Điện Sài Gòn đạt từ 24 - 29 tỉ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ dao động từ 60 - 70 triệu đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,2 - 0,3%.

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Điện Sài Gòn đạt 22,6 tỉ đồng, giảm 27% so với đầu năm; vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ mức 25 tỉ đồng xuống còn 140 triệu đồng.

Về phần mình, Chủ tịch HĐQT Bông Sen Vàng, ông Đỗ Thành Duy còn từng giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Liên hợp Thực phẩm (Mã CK: FCC), song đã miễn nhiệm vào đầu tháng 8/2016./.