Đằng sau Đại Dũng Corp: Nhà thầu Việt làm công trình World Cup 2022

VietTimes – Việc Đại Dũng Corp thi công gói thầu tại các dự án phục vụ World Cup 2022 là minh chứng cho thấy sự lớn mạnh của các thương hiệu trong nước. Tuy nhiên, đối với những người ngoại đạo, cái tên Đại Dũng Corp vẫn còn nhiều xa lạ.
Hình ảnh thi công sân Lusail Iconic (Nguồn: Đại Dũng)
Hình ảnh thi công sân Lusail Iconic (Nguồn: Đại Dũng)

CTCP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (Đại Dũng Corp) mới đây đã công bố những hình ảnh thi công, lắp dựng kết cấu thép tại dự án sân vận động Lusail Iconic phục vụ cho World Cup 2022 ở Qatar.

Sân vận động này có sức chứa hơn 80.000 khán giả, sẽ là nơi diễn ra các trận khai mạc và chung kết World Cup 2022. Đáng chú ý, sân vận động được xây dựng trên mặt nước và làm mát bằng các tấm pin năng lượng mặt trời.

Trước đó, vào năm 2019, Đại Dũng Corp từng gây xôn xao khi trúng các gói thầu thiết bị kết cấu thép cho 2 sân vận động Lusail Iconic và Ras Abu có trị giá hơn 80 triệu USD.

Chia sẻ với truyền thông, ông Trịnh Tiến Dũng (SN 1969, Tổng Giám đốc Đại Dũng Corp) cho biết đây là cơ hội để trao đổi, học hỏi thêm với chủ đầu tư, các đối tác thi công và các nhà thầu dự án nhằm nâng tầm thương hiệu Đại Dũng lên một tầm cao mới.

Tuy nhiên, Đại Dũng Corp và giới chủ đứng sau doanh nghiệp này vẫn còn nhiều xa lạ và có phần bí ẩn đối với phần đông thị trường.

Tập đoàn Đại Dũng

Theo tìm hiểu của VietTimes, tính đến ngày 18/12/2019, Đại Dũng Corp có quy mô vốn điều lệ đạt 1.086,9 tỷ đồng, là thành viên trong “hệ sinh thái” Tập đoàn Đại Dũng (Đại Dũng) của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thị Hồng Liên – Trịnh Tiến Dũng.

Khởi đầu từ một xưởng sản xuất cơ khí (tại TP. HCM), sự phát triển của Đại Dũng có thể chia làm 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn từ năm 1995 – 2010 đánh dấu sự ra đời của một loạt pháp nhân trong nhóm, là tiền đề cho sự phát triển sau này, như: CTCP Cơ khí Công nghệ Cao Đại Dũng II (DDC II – Long An), CTCP Kết cấu thép Đại Dũng Miền Trung (DDC Miền Trung), CTCP Cơ Điện Đại Dũng, Đại Dũng Corp.

Trong đó, DDC Miền Trung chuyên phục vụ các ngành công nghiệp nặng tại miền Trung. Còn CTCP Cơ Điện Đại Dũng chuyên sản xuất cột điện, trạm truyền tải điện, cột thu phát sóng viễn thông, cột anten.

Giai đoạn từ năm 2012 tới nay chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Đại Dũng với sự ra đời của loạt pháp nhân mới như: CTCP Cơ khí Đại Dũng III, CTCP Cơ khí Đại Dũng 6, CTCP Vật liệu Xanh Đại Dũng (DDG), CTCP Cơ khí Kỹ thuật cao Đại Dũng I.

Song song với đó, các cơ sở sản xuất tại Long An và TP. HCM của tập đoàn cũng được đẩy mạnh đầu tư mở rộng, áp dụng các công nghệ hiện đại.
Cụ thể, Đại Dũng đã mở rộng thêm các phân xưởng thứ 6, thứ 7; khánh thành nhà máy sản xuất kết cấu thép và vật liệu xây dựng rộng 45 ha, có quy mô hàng đầu Đông Nam Á, tại Bến Lức, Long An.

Không chỉ đầu tư về mặt công nghệ, giới chủ của Đại Dũng còn quan tâm tới việc phát triển năng lượng tái tạo, thông qua lắp đặt điện mặt trời áp mái, cho các nhà máy.

Ngày 15/2/2019, CTCP Cơ khí Kỹ thuật cao Đại Dũng I đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Power Thăng Long nhằm đầu tư, phát triển dự án điện mặt trời áp mái tại Nhà máy sản xuất sản phẩm cơ khí công nghệ cao có địa chỉ tại Lô số 38, Khu C, Đường D1, Khu công nghiệp An Hạ, Xã Phạm Văn Hai, Huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Công ty TNHH Power Thăng Long, được thành lập từ tháng 7/2018, là pháp nhân trong hệ sinh thái của đại gia kín tiếng đất Bắc, là ông Nguyễn Duy Dũng.

Ông Trịnh Tiến Dũng (bên trái) chụp ảnh cùng đối tác tại Qatar (Nguồn: Đại Dũng)
Ông Trịnh Tiến Dũng (bên trái) chụp ảnh cùng đối tác tại Qatar (Nguồn: Đại Dũng)

Tham vọng địa ốc

Trở lại với Đại Dũng Corp, dữ liệu của VietTimes cho thấy, tại ngày 25/12/2017, công ty này có quy mô vốn điều lệ 669,689 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty TNHH Nam Phát Long góp hơn 460,45 tỷ đồng, tương đưởng tỷ lệ sở hữu 68,757% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại do 3 cá nhân nắm giữ là: ông Trịnh Mạnh Hùng (7,863%), bà Nguyễn Thị Hồng Liên (4,546%) và ông Trịnh Tiến Dũng (12,618%).

Công ty TNHH Nam Phát Long (Nam Phát Long), về bản chất, vẫn thuộc sở hữu của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thị Hồng Liên – Trịnh Tiến Dũng.

Cập nhật đến ngày 16/7/2020, Nam Phát Long có quy mô vốn 741,6 tỷ đồng. Trong đó, ông Trịnh Tiến Dũng góp 402,99 tỷ đồng, chiếm 54,34% vốn điều lệ. Còn bà Nguyễn Thị Hồng Liên góp 338,6 tỷ đồng, chiếm 45,66% vốn điều lệ.

Bà Liên (SN 1975) hiện đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc kiêm người đại diện của Nam Phát Long.

Đáng chú ý, khác với nhiều doanh nghiệp cùng nhóm, Nam Phát Long lại đăng ký ngành nghề kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản.

Năm 2013, UBND TP. HCM đã có văn bản số 3831/UBND-ĐTMT chấp thuận địa điểm cho Nam Phát Long đầu tư xây dựng showroom ô tô và kho bãi trên khu đất rộng 53.399 m2 tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.

Gần đây, ngày 1/4/2020, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Long An đã có thông báo về việc nộp phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Nam Phát Long liên quan đến Dự án Khu dân cư Nam Phát Long.

Được biết, dự án này có diện tích 142.543 m2, tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng, tọa lạc tại xã Lương Hòa huyện Bến Lức, tỉnh Long An./.