Lợi nhuận doanh nghiệp dệt may phân hoá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các biện pháp giãn cách kéo dài khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dệt may đặt nhà xưởng tại khu vực phía Nam sụt giảm mạnh trong khi các doanh nghiệp đặt nhà máy tại miền Bắc vẫn 'sống khoẻ'.

Hiện có khoảng 50% nhà máy dệt may được đặt tại khu vực phía Nam (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Hiện có khoảng 50% nhà máy dệt may được đặt tại khu vực phía Nam (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

CTCP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (Mã CK: TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 8/2021 với doanh thu đạt 10,5 triệu USD (240 tỉ đồng), giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi chi phí, TCM báo lỗ sau thuế 282.425 USD (6,5 tỉ đồng), trong khi tháng 8/2020 lãi hơn 1 triệu USD.

TCM cho biết, công ty phải làm việc giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19 nên năng suất lao động không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ" cao, dẫn đến biên lợi nhuận gộp thấp và báo lỗ sau thuế trong tháng 8.

Với kết quả này, TCM mới chỉ hoàn thành được 44,4% kế hoạch lợi nhuận sau 8 tháng đầu năm 2021.

Trong khi đó, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã CK: TNG) vẫn ghi nhận lãi sau thuế trong tháng 8/2021, đạt 28,6 tỉ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của TNG đạt 3.543,7 tỉ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 141,7 tỉ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ, hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu và 81% mục tiêu lợi nhuận năm.

Khác với TCM, TNG có địa bàn hoạt động chính ở tỉnh Thái Nguyên, địa phương ít chịu tác động của làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4. Trong tháng 8, công ty này vẫn tuyển dụng thêm gần 600 lao động bổ sung cho các nhà máy mới thành lập, tăng năng lực sản xuất.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, với khoảng 50% nhà máy đặt tại miền Nam, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty dệt may. Hiện, tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35% do không đủ kinh phí để thực hiện “3 tại chỗ”.

Mặt khác, đại dịch cũng làm gián đoạn chuỗi cung ứng, do các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng.

Trước đó, các “ông lớn” trong ngành may mặc tại Việt Nam như CTCP Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - Mã CK: GIL), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) hay Tổng CTCP May Việt Tiến (Mã CK: VGG), đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 khá tích cực.

GIL ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 2.122,3 tỉ đồng và 186 tỉ đồng, tăng trưởng 29,5% và 81,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Vinatex cũng báo lãi tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên mức 585,6 tỉ đồng, chủ yếu do giá vốn hàng bán giảm mạnh.

Tương tự, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VGG sau nửa đầu năm 2021 lần lượt đạt 3.555,9 tỉ đồng và 69,8 tỉ đồng, tăng 9,9% và 119% so với cùng kỳ năm 2020./.