Hụt nguyên liệu từ tâm dịch bệnh
Công ty TNHH May mặc Thành Đạt tại TPHCM là đơn vị chuyên gia công quần áo thời trang xuất đi thị trường Mỹ và châu Âu. Ông Lê Nhung, Giám đốc công ty, cho biết lượng đơn hàng sản xuất của công ty hiện khá dồi dào, đủ việc làm cho cả năm 2020. Tuy nhiên, điều lo lắng của ông là nguyên phụ liệu chỉ đủ cho sản xuất đến hết tháng 2. “Nguồn nguyên liệu của chúng tôi phần lớn nhập từ Trung Quốc. Dịch corona đã khiến đình trệ hoạt động của nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu Trung Quốc. Đặc biệt, có khá nhiều nhà máy lớn đóng ở tâm dịch Vũ Hán nên nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trong thời gian tới là rất cao”, ông Nhung nêu khó khăn.
Tương tự, ông Phan Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean), cũng là Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (AGTEK), lo ngại nếu dịch bệnh kéo dài thì việc thiếu nguyên phụ liệu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp gia công và sản xuất hàng may mặc của Việt Nam.
Ông Việt tạm chia khối doanh nghiệp dệt may thành ba nhóm.
(1) Nhóm doanh nghiệp lớn (chủ yếu sản xuất để xuất khẩu) với khoảng 80% nguyên liệu nhập từ Trung Quốc (trừ một số có thị trường xuất khẩu ở châu Âu được chỉ định sử dụng một lượng ít nguồn nguyên liệu ngoài thị trường Trung Quốc). Hiện nhóm này mới chuẩn bị đủ nguyên phụ liệu cho sản xuất trong tháng 2 và tháng 3. Nếu dịch bệnh nCoV không dừng lại trong tháng 2, nhiều khả năng họ sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất cho tháng 4 và tháng 5. Còn trong trường hợp dịch bệnh kéo dài hơn nữa, cấu trúc chuỗi cung ứng có nguy cơ bị phá vỡ.
(2) Ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa với tỷ lệ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa 50:50, nguồn nguyên liệu sản xuất lại phụ thuộc khá nhiều vào nhóm doanh nghiệp lớn.
(3) Nhóm còn lại (chủ yếu sản xuất phục vụ thị trường nội địa) được dự báo không chỉ thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu tức thì mà đầu ra sản phẩm cũng bị ảnh hưởng. Đơn cử thương hiệu V-SixtyFour (thuộc Vitajean), trong những ngày diễn ra dịch bệnh nCoV, doanh thu ở các kênh bán lẻ hiện đại đã sụt giảm đến 80% so với cùng kỳ năm ngoái. “Từ khi có thông tin dịch bệnh thì tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm rất thưa vắng khách”, ông Việt nói.
Gần đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã đề nghị các doanh nghiệp hội viên gửi báo cáo về tác động của dịch bệnh tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để hiệp hội tổng hợp báo cáo Chính phủ. Với quan hệ thương mại hai chiều rất lớn trong lĩnh vực dệt may giữa Việt Nam và Trung Quốc, lãnh đạo Vitas cho biết lượng vải Việt Nam nhập từ Trung Quốc chiếm tới gần 60% trong tổng số 13,5 tỉ đô la Mỹ của năm 2019; xơ sợi chiếm 55%, với 2,42 tỉ đô la.
Để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến sản xuất kinh doanh của ngành, Vitas đã yêu cầu các doanh nghiệp hội viên một mặt cần tập trung khai thác nguồn nguyên phụ liệu ở trong nước hoặc từ các nước khác, mặt khác cần theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, thời gian đóng/mở các cửa khẩu của Trung Quốc và các nước có liên quan dịch bệnh để có những ứng phó kịp thời.
Thách thức mục tiêu tăng trưởng
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt xấp xỉ 39 tỉ đô la Mỹ tăng 7,5% thấp hơn mức 16% của năm 2018 và 10,8% của 2017. Nhưng nếu so với mức tăng trưởng chung 3,3% của ngành này trên thế giới thì mức 7,5% của Việt Nam được xem là khá ấn tượng. Đáng chú ý, trong tốp 5 quốc gia có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất, Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất so với năm trước. Còn Trung Quốc giảm 2,3%, Pakistan giảm 4,6%, Ấn Độ tăng 1,4% và Bangladesh tăng 2,4%.
Ngành dệt may Việt Nam đã xác định mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức 6% trong năm năm tới (giai đoạn 2020-2025). Riêng năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu 41,5-42 tỉ đô la.
Tuy vậy, giới phân tích cho rằng năm 2020 sẽ là một năm nối tiếp khó khăn của năm ngoái cho ngành dệt may trong nước, vì chịu tác động lớn từ kinh tế thế giới suy giảm do những biến động chính trị và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Bên cạnh dự báo tổng cầu tiếp tục giảm còn là xu thế kinh doanh ngắn hạn, sự phòng thủ trước các diễn biến khó lường về chính sách thương mại quốc tế. Dự báo các nhà mua hàng lớn sẽ đặt ra nhiều yêu cầu mới như là những rào cản để sàng lọc và tái cấu trúc hệ thống cung ứng toàn cầu. Chẳng hạn như các yêu cầu về chính sách cho người lao động, các tiêu chí môi trường, sản xuất xanh, tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo, sử dụng nguyên vật liệu tái chế... sẽ khắt khe hơn.
Doanh nghiệp trong nước còn phải gia tăng cạnh tranh trong bối cảnh của sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia có ưu đãi về thuế suất như Bangladesh, Campuchia..., bên cạnh việc tiếp tục cạnh tranh với các “cường quốc dệt may” Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... Nhiều nước đang tập trung sự hỗ trợ phát triển ngành này bao gồm cả các quốc gia mới nổi ở châu Phi. Điều này có nghĩa số lượng nhà sản xuất sẽ tăng mạnh, đơn hàng sẽ bị san sẻ cho nhiều nơi.
Cùng với đó là các yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ từ sợi và vải để có thể có được lợi ích thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, áp lực về lao động và tiền lương do Việt Nam có tốc độ kinh tế tăng trưởng cao và không còn lợi thế nhân công rẻ.
Ngoài ra, ngành thiết kế thời trang trong nước vẫn ở trình độ thấp, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng, chưa gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Nhưng trước mắt vẫn là mối lo thiếu hụt nguyên liệu sản xuất trong tình hình dịch bệnh như đã nêu. Một số doanh nghiệp đã tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ… Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không dễ dàng, đặc biệt khi so sánh về giá, bởi trước nay nguồn cung từ Trung Quốc luôn có giá thấp hơn nhiều so với các thị trường khác. Hơn nữa, nó không dễ được thực hiện một sớm một chiều.
Những khó khăn này một lần nữa khơi lại một vấn đề đã nhiều lần được nhắc đến, đó là cần phải đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để có thể tự chủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Tuy vậy, cho đến nay, quy hoạch phát triển ngành cũng như vùng nguyên liệu vẫn còn bỏ ngỏ. Bài toán khó này đòi hỏi phải có bàn tay của Chính phủ và sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành.
Với khó khăn nhiều mặt của thị trường, ông Phan Văn Việt cho rằng mục tiêu năm 2020 sẽ khó đạt được. Kết quả có thể sẽ chỉ dừng lại bằng với mức thực hiện của năm 2019.
Theo TBKTSG