Vì vậy, đã có ý kiến trong dư luận cho rằng những động thái đó cho thấy Chính phủ ngày càng thể hiện rõ sự thiếu năng lực trong trả nợ.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định thực tế vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của giá dầu thô thế giới giảm mạnh, nhưng tình hình thu, chi ngân sách nhà nước đến nay đạt khá. Bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi theo đúng dự toán, chế độ quy định và tiến độ thực hiện.
Chủ động cân đối thu chi
“Để chủ động ứng phó với việc giảm thu ngân sách do giá dầu giảm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2015; đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, hoạt động thu chi ngân sách nhà nước, tình hình thị trường tiền tệ để chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước”, ông Nên cho biết.
Theo người phát ngôn Chính phủ, khi trình Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, các phương án bảo đảm cân đối ngân sách, bù đắp bội chi, trả nợ đều đã được Chính phủ thảo luận kỹ, có phương án dự phòng khả thi, chủ động trong điều hành.
Về việc vay để trả nợ, thì đó là các biện pháp nghiệp vụ thông thường, phù hợp với thông lệ quốc tế để cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng bền vững, hiệu quả hơn, không làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, không vượt trần nợ công quy định và thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, trong đó tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay hiện nay bằng các khoản vay mới với lãi suất thấp hơn, kỳ hạn vay dài hơn.
Về vay từ nguồn dự trữ ngoại hối nhà nước, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa được ban hành, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn tài chính tiền tệ quốc gia.
Thực tế, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã được cải thiện rõ trong vòng 2 năm trở lại đây.
Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 9 năm ngoái, dự trữ ngoại hối đã đạt kỷ lục 35 tỷ USD và được dự báo tiếp tục tăng cao trong năm nay.
Bản báo cáo vĩ mô của Ngân hàng HSBC mới được công bố, cũng nhận định với mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam khoảng 36 tỷ USD thì đây sẽ là “bệ đỡ” cho việc khó khăn về thu ngân sách năm nay.
Việc tính toán vay nợ từ nguồn dự trữ ngoại hối cũng không có gì là “vượt rào”, bởi trong Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi năm 2013 có bổ sung sửa đổi một số điều có quy định Thủ tướng có thẩm quyền sử dụng dự trữ ngoại hối cho vay và Bộ Tài chính sẽ đứng ra vay theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Nghị định số 50/2014 về quản lý dự trữ ngoại hối cũng thiết kế quy định có thể dùng dự trữ ngoại hối cho ngân sách vay. Cơ quan dự trữ ngoại hối phải cân đối cho ngân sách vay bao nhiêu mà không ảnh hưởng đến khả năng cung ứng ngoại hối quốc gia.
Từng bước điều chỉnh
Tuy nhiên, nhiều người trong giới chuyên gia cho rằng cần phải tính đến những giải pháp căn cơ và bền vững hơn.
Chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định “sáng kiến” này của Chính phủ cũng không có gì là khác thường vì tất cả các quốc gia đều có thể làm như vậy khi ngân sách thiếu tiền.
Nhưng vấn đề cần quan tâm trong bối cảnh hiện nay là “chúng ta có một lượng ngoại hối đáng kể, có thể bảo đảm được 3 tháng nhập khẩu thế nhưng vẫn còn trong giới hạn rất mỏng manh. Tức là nó chỉ đủ thôi chứ chưa phải là dồi dào. Nếu cho Chính phủ vay thì dĩ nhiên lượng ngoại hối đó sẽ giảm đi. Khi đó Ngân hàng Nhà nước cần can thiệp vào thị trường ngoại hối hoặc thiếu hụt ngoại tệ do mức nhập khẩu tăng lên cao thì có thể gặp khó khăn”, ông Hiếu nói.
Nhấn mạnh đến tính bền vững của ngân sách nhà nước, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, TS. Trần Văn cho rằng vấn đề nợ công đã dành được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội. Hiện nay Chính phủ đang tích cực cơ cấu lại nợ công với các khoản vay mới có kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, góp phần giảm áp lực nợ quốc gia trong ngắn hạn.
“Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, điều đáng chú ý đầu tiên trong chính sách tài khóa có lẽ là vấn đề nợ công, hiện đang có xu hướng tăng nhanh cả về quy mô và tốc độ, từ 54,9% GDP năm 2011 đến cuối năm 2015 dự kiến là 64% GDP. Tốc độ tăng nợ công nhanh hơn tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trong khi tốc độ tăng GDP thấp ảnh hưởng tới tính bền vững của ngân sách nhất là khi nghĩa vụ trả nợ hàng năm tăng nhanh dẫn đến phải vay đảo nợ với khối lượng lớn, tạo áp lực cho cân đối, bố trí nguồn trả nợ hàng năm”, TS. Văn nhận định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết trước Quốc hội tại kỳ họp cuối năm ngoái là Chính phủ sẽ tăng cường quản lý, nghiêm túc khắc phục hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công; tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thực hiện đúng các quy định và kế hoạch đề ra; trả nợ đầy đủ và đúng hạn.
Đồng thời quản lý chặt chẽ các khoản nợ khác. Chủ động từng bước điều chỉnh cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước lành mạnh. Bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Vneconomy