Trong cuộc họp công bố thông tin, Bộ Tài chính Mỹ cho hay họ cũng nhắm vào “các công ty đang hoạt động trong ngành công nghiệp khai thác tiền ảo của Nga, được cho là lớn thứ ba thế giới”, nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên mà họ nhắm vào “một công ty khai thác tiền ảo”. Thêm vào đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng sẽ áp đặt một loạt hạn chế về thị thực nhằm đáp trả cuộc chiến của Nga ở Ukraine và vì “làm suy yếu nền dân chủ ở Belarus”.
Đây là động thái mới nhất mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra nhằm trừng phạt Điện Kremlin. Cuộc chiến ở Ukraine đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, và giới chức Mỹ và EU nói rằng nó còn có thể kéo dài thêm nhiều tháng. Một số chuyên gia phân tích nói với CNN rằng các đòn trừng phạt khó có thể lập tức ngăn chặn Nga tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine.
Các lệnh trừng phạt được đưa ra ngày 20/4: Đòn trừng phạt mới nhất được Mỹ nói là nhằm vào “một mạng lưới gồm hơn 40 cá nhân và tổ chức thuộc về nhà tài phiệt Konstantin Malofeyev”. Trước đó, Mỹ đã trừng phạt ông Malofeyev vào tháng 12/2014 vì rót vốn cho “các hoạt động ly khai ở miền Đông Ukraine” và vì mối liên hệ gần gũi của ông với “Aleksandr Borodai, Igor Girkin (Igot Strelkov) và cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk, mà tất cả trước đây đã bị trừng phạt”, theo Bộ Tài chính Mỹ.
Đầu tháng này, Bộ Tư pháp Mỹ cũng công bố những cáo buộc đầu tiên kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng phát nhằm vào ông Malofeyev, cho rằng ông cố gắng né các lệnh trừng phạt.
Malofeyev một lần nữa hứng lệnh trừng phạt của Mỹ trong hôm 20/4 “vì có hành động hoặc có ý định hành động trực tiếp hoặc gián tiếp cho, hoặc đại diện cho” chính phủ Nga.
Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt các thành viên trong “mạng lưới rộng khắp toàn cầu đang cố gắng né lệnh trừng phạt và thực hiện các hoạt động ngầm gây tầm ảnh hưởng” của ông Malofeyev, bao gồm những người tham gia vào chương trình tuyên truyền ủng hộ Nga. Những bên bị trừng phạt bao gồm các thực thể ở Nga, Moldova, Singapore và một số công dân Nga, bao gồm cả con trai của ông Malofeyev.
Bộ Tài chính Mỹ còn trừng phạt cả “Công ty Cổ phần Transkapitalbank (TKB)” vì “nằm trong tâm điểm lách lệnh trừng phạt” và chi nhánh của nó, cùng với nhiều công ty trong ngành công nghiệp khai thác tiền ảo của Nga.
Cũng trong hôm 20/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Bộ Ngoại giao sẽ áp đặt các hạn chế thị thực đối với 635 cá nhân Nga, bao gồm các thành viên của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga và “10 cơ quan chính quyền thuộc cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk.”
Họ cũng sẽ áp đặt hạn chế thị thực đối với các quan chức Nga gồm Khusein Merlovich Khutaev, Nuris Denilbekovich Salamov và Dzhabrail alkhazurovich Akhmatov “vì sự dính líu tới hành vi vi phạm nhân quyền”.
Theo CNN