Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội ngày 10/11. |
Câu chuyện về loạn giá kit test COVID-19 trở thành một trong những đề tài nóng tại phiên trả lời chất vấn đầu tiên mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đăng đàn (sáng nay 10/11). Trong số 22 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) trở thành một trong những người đặt câu hỏi “xóc óc” nhất khi không ngại đặt vấn đề và đeo đuổi tranh luận với "Tư lệnh" ngành Y về chuyện loạn giá kit xét nghiệm COVID-19 và nghi vấn lợi ích nhóm liên quan đến việc này.
Có hay không chuyện lợi ích nhóm?
Tại Hội trường Quốc hội, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thẳng thắn nêu tình trạng về loạn giá xét nghiệm, mỗi nơi một giá, có nơi thu đến 450.000 đồng/lần xét nghiệm.
“Liệu có lợi ích nhóm trong nhập bộ kit test COVID-19 hay không, gây bức xúc trong nhân sân. Tại sao có chuyện này xảy ra, trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào?” – ĐB Hòa đặt vấn đề.
Vấn đề kit test và trang thiết bị y tế còn được ĐB Đặng Công Sỹ và nhiều ĐBQH khác thay mặt cử tri cả nước truyền tải tới Quốc hội.
Cùng với đó, ĐB Hòa cũng đặt câu hỏi về vấn đề tiêu cực trong ngành y thời gian qua, chuyện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế có nguyên nhân từ thiếu ý thức trong công tác quản lý, quản trị của người đứng đầu bệnh viện. Bác sỹ làm chuyên môn giỏi chưa chắc làm quản lý tốt. ĐB đoàn Đồng Tháp cho rằng đã đến lúc tách bạch giữa quản lý, quản trị với chuyên môn như nhiều ĐBQH cho ý kiến.
Trước những chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long xin phép dành thời gian trả lời nhiều hơn. Theo người đứng đầu ngành Y, về trang thiết bị y tế và thiết bị chẩn đoán, trước đây không thuộc về mặt hàng quản lý về giá; giá cả của mặt hàng này khác nhau và giữa các hãng, các nước sản xuất cũng khác nhau; qua các thời điểm cũng có giá khác nhau.
“Hồi đầu dịch năm 2020, giá khẩu trang cũng tương tự như vậy, găng tay, máy thở nhiều khi cũng khan hiếm trên thị trường cho nên đẩy giá lên cao. Tất cả các quốc gia đều có tình trạng tranh mua những mặt hàng này trong thời điểm đầu dịch.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tham gia nên các mặt hàng đã hạ giá. Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt khi từng bước minh bạch hóa trong cung ứng trang thiết bị vật tư, sinh phẩm y tế. Hiện tại, trên cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế, đã có 69.235 sản phẩm đã niêm yết giá, kết quả đấu thầu 93.253 kết quả được niêm yết giá.
Bộ đã liên tục yêu cầu doanh nghiệp tăng nguồn cung, đề nghị hạ giá thành sản phẩm...” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn chứng việc Việt Nam đã tăng cường vận động, tài trợ hỗ trợ từ các nước. Trong đó, vận động tài trợ được trên 50 triệu kit test, riêng TP.HCM được các doanh nghiệp tài trợ trên 14 triệu kit test. Bộ trưởng cho biết, chính điều này là được cho phép về mặt chuyên môn và giúp giảm giá thành.
Ông khẳng định: “Bộ Y tế liên tục có điều chỉnh về việc xét nghiệm tùy từng thời điểm, mức độ dịch trên quan điểm hiệu quả, tiết kiệm”.
Bộ trưởng Long khẳng định Bộ Y tế đã có công điện nhắc các cơ sở y tế không được thu tiền xét nghiệm của người dân có BHYT. Cùng với đó, Thủ tướng liên tục có văn bản nhắc nhở các địa phương đảm bảo không có lợi ích nhóm, không có tiêu cực, lãng phí.
Yêu cầu ngành y tế kiểm tra giám sát chặt chẽ
ĐB Phạm Văn Hòa đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Long chưa thoả đáng, đã giơ biển tranh luận: “Theo ý chủ quan của tôi thời gian qua, Bộ Y tế buông lỏng giá xét nghiệm, Bộ trưởng trả lời tôi rất thống nhất, nhưng tôi nghe một số tờ báo là Bộ không quản lý giá, mỗi nơi mỗi địa phương một giá khác nhau. Bộ Y tế không quản lý giá tôi cho đây là thiết sót”.
Quốc hội bắt đầu chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV - vào sáng 10/11. |
Theo ĐB Hòa, đã có tình trạng mỗi quận một giá xét nghiệm khác nhau. Giá này có tham khảo Bộ Tài chính hay không, Mức giá tại các điểm của y tế tư nhân thì như thế nào, Bộ trưởng có quản lý giá này được không.
ĐB Hòa cũng dẫn chứng xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất, giá 440.000 đồng, ở ngoài vỉa hè Tân Sơn Nhất, giá gấp biết bao nhiêu lần khiến người dân chịu thiệt thòi. ĐB đề nghị Bộ trưởng kiểm tra giám sát chặt chẽ nơi nào không thực hiện đúng quy định.
Trả lời tranh luận của ĐB Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, giá của sinh phẩm xét nghiệm không thuộc mặt hàng quản lý giá theo quy định Luật Giá. Đây chính là điểm khiến cho giá xét nghiệm khác nhau.
Theo quy định của Bộ, giá xét nghiệm là tự thanh toán, tự chi. Các đơn vị kinh tế tư nhân không áp dụng quản lý giá mà tự chịu trách nhiệm và phải niêm yết công khai.
“Đây là một trong những điều chúng tôi xin tiếp thu ý kiến ĐBQH để đưa ra hình thức kiểm tra, giám sát giá xét nghiệm các đơn vị tư nhân” – Bộ trưởng Long bày tỏ và đề nghị địa phương tăng cường kiểm tra giám sát theo đúng tinh thần văn bản Bộ Y tế đã gửi tới các địa phương.
Bộ nhận thấy trách nhiệm này và đã đưa mặt hàng sinh phẩm xét nghiệm vào quản lý giá. Tới đây, giá xét nghiệm từng bước được điều chỉnh, hạ giá xét nghiệm bảo đảm thực thi, hiệu quả trong phòng chống dịch.
Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã báo cáo với về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề về giá xét nghiệm. Theo Bộ trưởng, cùng với sự gia tăng của các loại sinh phẩm xét nghiệm trên thị trường Việt Nam, giá xét nghiệm trung bình do các công ty công bố cũng đã giảm nhiều. Tuy nhiên, giá xét nghiệm vẫn còn nhiều mức.
Trên cơ sở quy định của pháp luật về giá, Bộ Y tế đề nghị bổ sung biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế, gồm: Đưa trang thiết bị y tế vào mặt hàng phải kê khai giá; quy định cụ thể nội dung kê khai giá và cho phép cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền (không chỉ Bộ Y tế) được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về yếu tố cấu thành giá khi cần thiết.