Phải làm trong sạch việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng nay, Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội – đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về vấn đề sai phạm kinh tế ở các bệnh viện, khiến 1 loạt giáo sư, bác sĩ rơi vào vòng lao lý.
Ông Hoàng Văn Cường cho hay: “Mặc dù Bộ trưởng Bộ Y tế đã nêu lên giải pháp nhưng tôi thấy chưa thoả đáng ở 2 điểm. Thứ nhất, có quy định phân công cho cấp phó chuyên phụ trách các vấn đề về kinh tế. Tuy nhiên, dù cấp phó được phân công thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm.
“Thứ hai, theo quy định, hàng năm, cơ quan chủ quản, kiểm toán, thanh tra đều phải duyệt quyết toán đối với nguồn vốn sử dụng ngân sách của nhà nước. Còn vốn của bệnh viện, đơn vị tự quyết định thì phải kiểm tra tài chính. Những cơ quan có chức năng, có chuyên môn quản lý kinh tế mà không phát hiện ra sai phạm thì làm sao các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chỉ biết đọc bệnh án phát hiện vi phạm được?” – ông Cường nêu ý kiến.
Trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Văn Cường, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Theo các quy định của Đảng, Nhà nước, người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện các hoạt động trong đơn vị của mình, kể cả những sai phạm. Khi người đứng đầu để xảy ra sai phạm trong đơn vị của mình thì rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu về việc thiết lập cơ chế làm việc, quy định về pháp luật để làm việc rất quan trọng. Trong văn bản của Đảng, Nhà nước đều nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Vì thế, khi để xảy ra sai phạm trong đơn vị dù trực tiếp hay gián tiếp thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân (Ảnh - Minh Thuý) |
Theo ông Long, Bộ Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo chuyên môn, kĩ thuật đối với các cơ sở y tế trên toàn quốc. Tuy nhiên, vấn đề nhân sự trong quản lý tài chính, thanh tra, kiểm tra, thì UBND các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm ở các đơn vị y tế do thành phố quản lý.
Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành về chuyên môn, những vấn đề bức xúc. Tuy nhiên, việc kiểm tra này chỉ mang tính chuyên môn. Còn việc kiểm tra, xử lý về mặt tài chính, kinh tế, quản lý đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế,… do các địa phương thực hiện.
"Mặc dù các quy định đã rất cụ thể nhưng vẫn có những vi phạm xảy ra về mặt đấu thầu, tham ô, tham nhũng. Chúng tôi đã lên án và các cơ chức năng cũng sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát lại tất cả những hướng dẫn, thể chế liên quan đến việc quản lý về mua sắm, đấu thầu và phân cấp phân quyền, tăng cường kiểm tra giám sát với các đơn vị để ngăn ngừa, đấu tranh và xử lý vi phạm theo đúng tinh thần của Trung ương" - ông Long nói.
Thời gian qua, sau khi phát hiện những vi phạm trong việc quản lý đấu thầu, mua sắm các trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã có văn bản nhắc nhở các địa phương, đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm quy định trong việc mua sắm, đấu thầu. Theo quy định của pháp luật, đã có Nghị quyết 30 của Quốc hội về cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt; Nghị quyết 79, 86 của Chính phủ đã cho phép 1 số cơ chế áp dụng tình trạng khẩn cấp để mua sắm trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, 1 số địa phương còn ngại mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch.
“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đảm bảo công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế. Vì thế, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát. Khi có vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Chúng ta rất đau đớn nhưng phải làm đúng theo pháp luật để làm trong sạch, lành mạnh vấn đề mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19” – ông Long nhấn mạnh.
Quản lý giá công khai, minh bạch khi xã hội hoá y tế
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chủ trương xã hội hoá y tế là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XII đã nêu rõ việc đảm bảo xã hội hoá y tế để người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng. Việc đẩy nhanh xã hội hoá y tế để chăm sóc sức khoẻ người dân là cần thiết.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã có văn bản về triển khai xã hội hoá y tế, đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh việc triển khai xã hội hoá y tế, không được tăng thu, lạm thu. Bộ Y tế cùng BHXH VN đã phối hợp để đánh giá, đồng thời, thanh quyết toán việc sử dụng máy móc đối ứng khi thực hiện xã hội hoá y tế.
Nhân viên y tế vận hành máy móc (Ảnh - Minh Thuý) |
"Thực tế, một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm về khâu tổ chức, chưa đúng về pháp luật. Nhiều khi nóng vội, mang tính cá nhân, chủ quan dẫn đến sai phạm. Bộ Y tế đã đánh giá lại việc xã hội hoá và sẽ tiếp tục chủ trương này với. việc tăng cường xã hội hoá y tế để chăm sóc sức khoẻ cho người dân, đồng thời, hình thành hành lang pháp lý cho các đơn vị y tế tiếp cận xã hội hoá" - ông Long nói.
Bộ Y tế đã trình Chính phủ các vấn đề liên quan đến liên doanh, liên kết xã hội hoá, đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng Nghị định về liên doanh, liên kết xã hội hoá ngành y tế.
Bộ Y tế hy vọng khi Nghị định được Chính phủ thông qua thì sẽ giải quyết được thấu đáo vấn đề này, tránh những sai phạm có thể xảy ra, Việc quản lý giá sẽ công khai, minh bạch hơn.