Phim chụp X-quang của em H.
|
Bác sĩ Hoàng Mạnh Thắng - Phó Trưởng khoa Ngoại bụng 2 của Bệnh viện K cho biết, khối u lớn chèn ép nhiều bộ phận khác trong cơ thể H. gây đau tức, ảnh hưởng lớn đến hô hấp, hoạt động sinh hoạt thường ngày của em.
Sau thời gian hội chẩn, các bác sĩ xác định H. mắc u nguyên bào thận trái giai đoạn 2, phải điều trị bằng hóa chất bổ trợ, sau đó phẫu thuật. Tuy nhiên, H. không đáp ứng tốt việc điều trị hóa chất. Kết thúc giai đoạn điều trị bổ trợ, kích thước u chỉ giảm ít, một phần trung tâm hoại tử.
Do đó, các bác sĩ quyết định đẩy sớm thời gian phẫu thuật cho H. Tuy nhiên, H. còn nhỏ tuổi, có khối u lớn làm thay đổi vị trí của các tạng trong bụng, đẩy cơ hoành lên cao làm ảnh hưởng tới hô hấp tuần hoàn nên khó gây mê hồi sức. Các bác sĩ cũng đặt ra mục tiêu phẫu thuật loại bỏ khối u, đồng thời còn phải bảo toàn các cơ quan lân cận để đảm bảo sự phát triển thể chất của H.
Hoạt động chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện K
|
Vì tính chất phức tạp của bệnh, ca mổ căng thẳng diễn ra gần 3 giờ đồng hồ. Các bác sĩ đã cắt bỏ thành công toàn bộ khối u nặng khoảng 2 kg.
Hiện nay, H. đã bình phục, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Ngoại bụng 2 của Bệnh viện.
Theo bác sĩ Thắng, đã có nhiều bệnh nhi đến Bệnh viện K khám, điều trị khi khối u ở giai đoạn muộn. Có những bệnh nhi còn rất nhỏ tuổi nhưng bệnh đã di căn tới nhiều bộ phận trong cơ thể.
“Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo các gia đình, đặc biệt là phụ huynh có con nhỏ, cần thường xuyên quan tâm, theo dõi những biểu hiện bất thường của con. Tất cả những triệu chứng thường gặp nhưng dễ bị bỏ qua như biếng ăn, khó thở, đau tức ngực, hay nôn, trớ .... có thể cảnh báo những bệnh lý thông thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu một số bệnh lý nghiêm trọng ở trẻ. Lúc này các gia đình cần đưa con em thăm khám ngay để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh hệ quả đáng tiếc vì thăm khám muộn” - Bác sĩ Hoàng Mạnh Thắng nói.