'Bắt giữ' các tế bào khối u đang lưu thông trong máu

Các nhà khoa học Mỹ đã phát triển được thiết bị có khả năng bắt giữ các tế bào khối u đang lưu thông trong dòng máu bệnh nhân với hiệu quả tối đa, giúp các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, đồng thời tiên lượng được khả năng tái phát và tiến triển của bệnh.
Các tế bào khối u lưu thông (circulating tumor cells - CTC) là các tế bào được giải phóng từ tổn thương khối u nguyên phát vào hệ thống mạch máu hoặc hệ bạch huyết của người bệnh - Ảnh: indianexpress.com
Các tế bào khối u lưu thông (circulating tumor cells - CTC) là các tế bào được giải phóng từ tổn thương khối u nguyên phát vào hệ thống mạch máu hoặc hệ bạch huyết của người bệnh - Ảnh: indianexpress.com

Theo tạp chí Lab on a Chip, các nhà khoa học ở Đại học Georgia (Mỹ) đã phát triển được thiết bị có khả năng bắt giữ các tế bào khối u đang lưu thông trong dòng máu bệnh nhân với hiệu quả tối đa.

Các tế bào khối u lưu thông (circulating tumor cells - CTC) là các tế bào được giải phóng từ tổn thương khối u nguyên phát vào hệ thống mạch máu hoặc hệ bạch huyết của người bệnh. Chúng gây ra sự xuất hiện của di căn - các ổ bệnh lý thứ phát. Việc sớm phát hiện ra chúng góp phần điều trị kịp thời và kéo dài cuộc sống của bệnh nhân, nhưng các phương pháp phát hiện hiện đại chỉ tìm thấy một số lượng nhỏ tế bào đó, không cho phép chẩn đoán chính xác ở giai đoạn đầu khi bệnh chớm phát. Một thiết bị mới của các chuyên gia từ Đại học Georgia, giải quyết vấn đề này.

Phương pháp của họ dựa trên sự tương phản của các tế bào nhiễm từ hóa trong cái gọi là ferrofluid tương thích sinh học (biocompatible ferrofluid - một dạng huyền phù hạt nano từ tính - magnetic nanoparticle suspension). Một thiết bị có kích thước nhỏ gọn trích xuất các tế bào khối u lưu thông từ máu người bệnh bằng cách sử dụng từ trường. Nhà nghiên cứu Yang Liu, giải thích về nguyên tắc hoạt động của thiết bị như sau: ở giai đoạn đầu tiên, bộ lọc loại bỏ khỏi máu các mảnh vụn vượt quá 0,05mm. Ở giai đoạn thứ hai, các quả bóng từ tính gắn kết với bạch cầu được đánh dấu. Bước thứ ba là phân tách các tế bào khối u lưu thông và các tế bào bạch cầu được đánh dấu.

Máu được truyền qua các kênh mảnh hơn sợi tóc người. Các hạt từ tính được thêm vào đó để kết dính bạch cầu. Ở trạng thái này, máu đi vào vùng từ trường chứa các tế bào bạch cầu nhiễm từ ở trung tâm dòng máu, còn các tế bào khối u lưu thông tách ra ở các rìa và rơi vào các kênh dành riêng cho chúng. Nhờ vậy, các nhà sinh học có thể phân lập 99% các tế bào khối u chứa trong một mẫu máu.

Theo các tác giả của công trình, phương pháp này giải quyết vấn đề phân loại các tế bào khối u lưu thông khác nhau, điều mà các phương pháp trước đó đã bỏ qua. Khi xác định được các phân nhóm tế bào ung thư, các bác sĩ mới quyết định phác đồ điều trị. Hơn nữa, điều này cũng cung cấp thông tin về khả năng tái phát và tiến triển của bệnh. Hiện tại, các chuyên gia đang tập trung vào việc cải tiến để thiết bị thuận tiện hơn khi sử dụng trong phòng khám.

Theo Một thế giới

https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/bat-giu-cac-te-bao-khoi-u-dang-luu-thong-trong-mau-113446.html