Lo ngại chiến binh IS người Duy Ngô Nhĩ xâm nhập, Trung Quốc xây dựng căn cứ cho Tajikistan?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo AFP, do lo ngại về khả năng của chính quyền Taliban ở Afghanistan trong việc kiểm soát các tổ chức cực đoan, Trung Quốc sẽ xây dựng căn cứ cho cảnh sát Tajikistan ở gần biên giới với Afghanistan.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp Phó Thủ tướng lâm thời Taliban Afghanistan tại Qatar (Ảnh: Dwnews).
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp Phó Thủ tướng lâm thời Taliban Afghanistan tại Qatar (Ảnh: Dwnews).

Hãng tin Pháp AFP ngày 29/10 dẫn lời một người phát ngôn Quốc hội Tajikistan cho biết, Hạ nghị viện Tajikistan đã thông qua kế hoạch cho phép Trung Quốc xây dựng một căn cứ tại huyện Ishkashim, tỉnh Gono-Badakshan. Người phát ngôn đề nghị giấu tên này nói với AFP qua điện thoại: "Tất cả việc xây dựng đều do Trung Quốc tài trợ. Sau khi hoàn thành, căn cứ sẽ được bàn giao cho cảnh sát Tajikistan". Ông nói rằng Trung Quốc sẽ cung cấp 8,5 triệu USD viện trợ để xây dựng căn cứ.

Theo VOA, căn cứ quân sự này có hơn 10 tòa nhà, bao gồm doanh trại, ký túc xá, tòa nhà văn phòng, nhà ăn, tháp quan sát, trạm cấp nước và các công trình phụ trợ khác với tổng diện tích 3.550 mét vuông. Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm thiết kế, cung cấp vật liệu và thi công xây dựng, đồng thời cung cấp các thiết bị văn phòng và sinh hoạt khác nhau như máy tính và đồ nội thất trong tòa nhà văn phòng và các tòa nhà khác.

Tổng thống Emomali Rakhmon (giữa) chủ trì cuộc duyệt binh ở gần biên giới Tajikistan - Afghanistan hôm 30/9 (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Emomali Rakhmon (giữa) chủ trì cuộc duyệt binh ở gần biên giới Tajikistan - Afghanistan hôm 30/9 (Ảnh: Reuters).

Đã có một doanh trại dã chiến chung Trung Quốc - Tajikistan

Với dân số 9,5 triệu người, Tajikistan từng nhận được hỗ trợ tài chính từ cả Trung Quốc và Mỹ để xây dựng và củng cố các đồn biên phòng của mình. Ngoài ra trên đất Tajikistan cũng có một căn cứ quân sự của Nga. Căn cứ này là căn cứ quân sự nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Tajikistan.

Không giống như các quốc gia Trung Á khác đã thiết lập quan hệ hợp tác với chế độ Afghanistan mới, Tajikistan luôn chỉ trích Taliban Afghanistan và tránh đàm phán trực tiếp với chế độ này. Ở Afghanistan, nhóm dân tộc Tajik là nhóm sắc tộc lớn thứ hai. Nhà lãnh đạo của Tajikistan, Tổng thống Emomali Rakhmon, đã kêu gọi Taliban cho phép các nhóm dân tộc khác nhau có quyền đại diện nhiều hơn. Ông cũng tuyên bố rằng "các tổ chức khủng bố" nằm rải rác trên đường biên giới dài hơn 1.300 km giữa Tajikistan và Afghanistan. Phía Taliban cảnh báo Tajikistan không được can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Truyền thông Nga đưa tin, chính quyền Taliban đã đạt được thỏa thuận với nhóm dân quân người Tajik có trụ sở ở miền bắc Afghanistan tìm cách lật đổ Tổng thống Rakhmon.

Trước đó, có thông tin nói rằng Trung Quốc có một doanh trại dã chiến chung Trung Quốc - Tajikistan ở vùng biên giới phía đông Tajikistan giáp với Tân Cương của Trung Quốc. Tờ Washington Post vào năm 2019 từng đưa tin, một phóng viên của tờ báo đã nhìn thấy căn cứ quân sự và thấy logo Trung Quốc trên tòa nhà. Ông ta cũng bắt gặp một nhóm lính Trung Quốc hoặc nhân viên bán quân sự đeo biển hiệu của một đơn vị ở Tân Cương. Họ xác nhận họ đã đóng quân trong khu vực này từ ba đến bốn năm. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Tajikistan đều phủ nhận sự tồn tại của khu doanh trại này.

Nga chủ trì cuộc tập trận chung của Tổ chức an ninh tập thể CSTO tại Tajikistan ngày 23/10 (Ảnh: ITAR-TASS).

Nga chủ trì cuộc tập trận chung của Tổ chức an ninh tập thể CSTO tại Tajikistan ngày 23/10 (Ảnh: ITAR-TASS).

Một nguồn tin khác ngày 27/10 cho biết, theo thông cáo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Dushanbe gửi Bộ Ngoại giao Tajikistan, để đổi lấy viện trợ quân sự của Trung Quốc, chính phủ Tajikistan đã chuyển giao toàn bộ quyền kiểm soát một căn cứ quân sự hiện có ở nước này cho Bắc Kinh.

Trung Quốc lo ngại các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ của IS xâm nhập

AFP cho rằng việc tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và Tajikistan thể hiện mối quan tâm lớn của Trung Quốc về tình hình an ninh ở Afghanistan.

Sau khi Taliban chiếm được Afghanistan, Trung Quốc bày tỏ hy vọng thiết lập quan hệ hữu nghị với nước này, nhưng đồng thời hy vọng Taliban sẽ tấn công các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) vì lo ngại họ có thể từ Syria đến Afghanistan và xâm nhập Tajikistan, rồi từ đó thâm nhập sâu hơn vào Tân Cương.

Ngày 25/10, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp với Ghani Baradar, quyền Phó Thủ tướng Chính phủ lâm thời Taliban của Afghanistan tại Qatar. Phía Trung Quốc đưa tin, ông Vương Nghị nói rõ Trung Quốc sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan. Ông cũng bày tỏ mong muốn và tin rằng Taliban sẽ triệt để tránh xa các tổ chức khủng bố như Phong trào Đông Turkistan và Trung Quốc sẽ có biện pháp kiên quyết tấn công.

Báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung chỉ ra rằng Nga theo truyền thống vẫn coi Tajikistan, nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, là "sân trước" ở Trung Á, và coi Trung Quốc là đối thủ ở đó. Việc Trung Quốc tài trợ để xây dựng căn cứ ở Tajikistan cho thấy Bắc Kinh lo ngại rằng các chiến binh người Uyghur của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) sẽ tấn công các cơ sở của Trung Quốc ở Trung Á. Cả IS và nhóm Taliban Pakistan trong khi tuyên truyền đều bày tỏ sự đồng tình ủng hộ với nhóm dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc và đe dọa Bắc Kinh. Ước tính có tới mấy trăm chiến binh người Uyghur hiện cầm súng trong lực lượng Taliban Afghanistan. Trung Quốc cũng lo ngại việc buôn bán ma túy từ Afghanistan sẽ gây mất ổn định biên giới phía tây của Trung Quốc.

Sau khi Taliban giành được chính quyền ở Afghanistan hồi giữa tháng 8 năm nay, Trung Quốc và Tajikistan đã tổ chức một cuộc tập trận chống khủng bố chung kéo dài hai ngày mang tên "Hợp tác chống khủng bố-2021" tại Dushanbe từ ngày 18 đến 19/8. Tân Hoa xã đưa tin, Bộ Công an Trung Quốc và Bộ Nội vụ Tajikistan đã quyết định thông qua việc tiến hành các cuộc tập trận chung để nâng cao hơn nữa mức độ sẵn sàng chiến đấu và sự hiệp đồng phối hợp giữa các lực lượng chống khủng bố, nâng cao kỹ năng chiến đấu chống khủng bố, thể hiện quyết tâm chống khủng bố và sự răn đe có hiệu quả của Trung Quốc và Tajikistan đối với thế lực khủng bố đe dọa an ninh của hai nước và khu vực.

Đại sứ Trung Quốc tại Kabul trao hàng viện trợ cho Taliban hôm 29/9/2021 (Ảnh: CGTN).

Đại sứ Trung Quốc tại Kabul trao hàng viện trợ cho Taliban hôm 29/9/2021 (Ảnh: CGTN).

Về phản ứng của Trung Quốc trước thông tin Trung Quốc giúp xây dựng căn cứ cho Tajikistan, theo tin tức trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 29/10, một phóng viên hãng Bloomberg đã hỏi ông Uông Văn Bân,Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại cuộc họp báo: “Có thông tin nói rằng Tajikistan đã chấp nhận đề nghị của Trung Quốc về việc xây dựng một đồn cảnh sát ở khu vực biên giới giữa quốc gia này và Afghanistan, nói đây là biểu hiện mới nhất cho thấy mối quan ngại của Trung Quốc về tình hình an ninh khu vực sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. Bình luận của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về tin này như thế nào? "

Uông Văn Bân đã trả lời: “Tôi đã trả lời các câu hỏi liên quan vào ngày hôm qua (28/10) ông có thể tìm đọc lại. Tôi cũng có thể nói với bạn một cách chắc chắn rằng Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ quân sự nào ở Trung Á”.

Theo AFP, trước đó khi được hỏi về thông tin về căn cứ này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Chúng tôi có thể đảm bảo rằng Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ quân sự nào ở Trung Á”. Theo trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 28/10 khi được hỏi về tin Trung Quốc có căn cứ trong lãnh thổ và đang xây dựng một căn cứ an ninh mới ở Tajikistan trên biên giới với Afghanistan, đã nói rằng “tôi không nắm được thông tin mà ông đề cập”.