Lộ diện ô tô Lada của Nga sắp bán tại Việt Nam: Thiết kế và trang bị nghèo nàn

Bốn mẫu xe Lada do Nga sản xuất gồm Niva, Niva Travel, Vesta và Granta chuẩn bị có mặt tại thị trường Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, thiết kế lỗi thời và trang bị nghèo nàn là điểm khiến giới chuyên gia lo ngại về khả năng cạnh tranh.

Sau thời gian vắng bóng, thương hiệu ô tô Nga – Lada – bất ngờ xuất hiện thông qua những bức ảnh chụp tại cảng, báo hiệu quay trở lại thị trường Việt Nam với 4 mẫu xe chủ lực: Lada Niva, Niva Travel, Vesta và Granta.

Tuy nhiên, những hình ảnh và thông số kỹ thuật ban đầu cho thấy các mẫu xe này khó có thể làm nên chuyện trước các đối thủ Hàn, Nhật cùng phân khúc. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường ô tô Việt đang có nhiều thay đổi bởi sự góp mặt của xe năng lượng mới (xe điện, hybrid).

Ngoại hình “cũ kỹ”, nội thất đơn sơ

Trong 4 mẫu xe thì Lada Niva là hình ảnh quen thuộc với người Việt thuộc thế hệ 6X, 7X. Mẫu SUV ra đời từ những năm 1970, đến nay gần như vẫn giữ nguyên kiểu dáng hộp vuông đặc trưng của quá khứ.

Lada Niva Legend

Dù được giới thiệu là xe “đa dụng, bền bỉ”, thiết kế ngoại thất của Niva bị đánh giá là cổ điển đến mức lỗi thời. Nội thất cũng không khá hơn, khi bảng đồng hồ cơ học, hệ thống giải trí đơn sơ và ghế nỉ khiến xe giống như một phiên bản “xe tập lái” hơn là phương tiện đại trà cho người dùng hiện đại.

Nội thất Lada Niva Legend

Lada Niva Legend sử dụng động cơ xăng 4 xi lanh, dung tích 1.7L cho sức mạnh 83 mã lực, mô men xoắn cực đại 129 Nm. Xe tăng tốc từ 0-100km/h trong 19 giây, tốc độ tối đa là 137 km/h. Mức tiêu thụ nhiên liệu khá cao là 9,9L/100km.

So với “người anh em” Niva Legend, Lada Niva Travel có thiết kế mềm mại hơn với phần đầu xe bo tròn, lưới tản nhiệt giả phong cách crossover. Tuy vậy, nội thất của xe vẫn giản đơn với ghế vải, không có màn hình giải trí trung tâm cảm ứng, điều hòa chỉnh tay và không có các tính năng an toàn cơ bản như cân bằng điện tử hay hỗ trợ phanh khẩn cấp.

Niva Travel vẫn sử dụng động cơ 1.7L, công suất thấp sức mạnh 80 mã lực và mô men xoắn cực đại 127 Nm kết hợp hộp số sàn 5 cấp. Khả năng tăng tốc của xe từ 0-100 km/h sau 19 giây, tốc độ tối đa chỉ là 140 km/h. Mức tiêu thụ nhiên liệu 10,2L/100km.

Lada Vesta

Lada Vesta có kiểu dáng sedan hiện đại nhất trong dàn xe Nga sắp bán ở Việt Nam, với thiết kế chịu ảnh hưởng từ một số xu hướng châu Âu. Tuy nhiên, điểm yếu vẫn nằm ở trang bị khi mẫu xe này thiếu nhiều tính năng cơ bản so với các đối thủ trong cùng phân khúc như Mazda3, Hyundai Elantra.

Bên trong Vesta có màn hình trung tâm nhỏ, chất liệu nhựa cứng chủ đạo, và vô-lăng không tích hợp nhiều nút bấm khiến xe không tạo được cảm giác cao cấp. Vesta sử dụng động cơ 1.6L hoặc 1.8L, công suất tối đa khoảng 122 mã lực, đi kèm hộp số sàn hoặc bán tự động kiểu AMT – loại hộp số vốn bị phàn nàn vì giật và phản hồi chậm.

Lada Granta là mẫu sedan nhỏ nhất, giá dự kiến từ 360 triệu đồng

Cuối cùng, mẫu sedan hạng B – Lada Granta – được coi là quân bài “giá rẻ” của hãng xe Nga tại Việt Nam. Tuy nhiên, điểm cộng duy nhất của Granta có lẽ chỉ nằm ở mức giá dự kiến khoảng dưới 400 triệu đồng. Xe có thiết kế thô, phần đuôi đơn điệu, và nội thất gần như trống trải.

Nội thất Granta không có màn hình trung tâm, điều hòa chỉnh cơ, không cảm biến lùi, không camera, và thậm chí nhiều phiên bản không có túi khí. Granta rõ ràng khó có thể cạnh tranh với những mẫu xe giá rẻ như Hyundai Grand i10 hay Mitsubishi Attrage vốn đã có nhiều trang bị hơn.

Khó cạnh tranh bởi thị hiếu người Việt đã thay đổi

Dù có thể mang mức giá dự báo rẻ, ô tô Lada của Nga vẫn khó có cửa tại Việt Nam trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng xe công nghệ cao, thiết kế hiện đại, đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và cả Trung Quốc.

Nếu như đây hơn 10 năm, khi thị trường ô tô Việt Nam còn ở ngưỡng chờ phát triển, và xe giá rẻ, bền bỉ và dễ sửa chữa là yếu tố hàng đầu người mua quan tâm. Những cái tên như Kia Morning, Toyota Vios, Chevrolet Spark từng là “ông vua doanh số” nhờ đánh đúng vào tâm lý “mua để đi”.

Nội thất Lada Vesta đã mang dáng dấp hiện đại, nhưng phong cách vẫn chưa theo kịp thời đại.

Hiện nay, chỉ với khoảng 400 – 600 triệu đồng, người dùng Việt có thể tiếp cận hàng loạt mẫu xe được trang bị tràn ngập công nghệ: Màn hình cảm ứng lớn, kết nối Apple CarPlay/Android Auto, camera 360, cảnh báo điểm mù, cruise control, giữ làn đường...

Ví dụ, trong phân khúc xe hạng A – nơi Lada Granta định vị – Hyundai Grand i10, Kia Morning đã có phiên bản đầy đủ tiện nghi và kiểu dáng bắt mắt. Trong khi đó, VinFast VF 5 hay các mẫu xe điện Trung Quốc còn mang tới trải nghiệm hiện đại, thân thiện môi trường và kết nối thông minh.

Ở phân khúc SUV cỡ nhỏ, Lada Niva với thiết kế vuông vức và động cơ yếu khó có cửa cạnh tranh với những cái tên như Kia Seltos, Hyundai Creta, Mitsubishi Xforce,...

Bên cạnh đó, thế hệ mua xe chính hiện nay là người trẻ từ 25-40 tuổi, có hiểu biết công nghệ, quan tâm đến thiết kế và trải nghiệm người dùng. Họ sẵn sàng chi trả cho một chiếc xe không chỉ “đi tốt” mà còn phải "trông phải đẹp", "ngồi phải sướng", "kết nối phải mượt".

Lada Niva Travel

Trong khi đó, xe Lada hướng đến công năng thuần túy, giống như "người đồng hương" UAZ từng vào Việt Nam đầu năm 2017 nhưng sớm "âm thầm" ra đi sau hơn 1 năm bởi sự nghèo nàn trang bị.

Chính điều này tạo nên khoảng cách về triết lý sản phẩm giữa Lada, UAZ nói riêng và xe Nga nói chung với người tiêu dùng Việt. Và nếu chỉ trông chờ vào "giá rẻ", có thể xe Lada càng phải đối mặt với khó khăn trước các đối thủ hiện hữu đến từ VinFast, Wuling hay sắp tới là Bestune của Trung Quốc.