Nhà sáng lập Xiaomi đối mặt làn sóng chỉ trích sau vụ tai nạn xe hơi tự lái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

CEO Xiaomi chia sẻ: “Tôi cảm thấy chán nản, đã hủy bỏ một số cuộc họp và chuyến công tác, thậm chí ngừng tương tác trên mạng xã hội một thời gian”.

Nhà sáng lập và CEO của Xiaomi Lei Jun phát biểu trong một cuộc họp tại Bắc Kinh vào tháng 3. Ảnh: SCMP.
Nhà sáng lập và CEO của Xiaomi Lei Jun phát biểu trong một cuộc họp tại Bắc Kinh vào tháng 3. Ảnh: SCMP.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Xiaomi - Lei Jun - mới đây đã thừa nhận ông đang trải qua "thời gian khó khăn nhất" kể từ khi thành lập công ty vào năm 2010. Tuyên bố này được đưa ra sau một vụ tai nạn chết người xảy ra vào cuối tháng 3, liên quan đến mẫu xe điện đầu tiên của hãng – Xiaomi SU7 – khiến 3 người thiệt mạng tại tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội vào cuối tuần qua, ông Lei chia sẻ cảm xúc cá nhân: “Tôi cảm thấy chán nản, đã hủy bỏ một số cuộc họp và chuyến công tác, thậm chí ngừng tương tác trên mạng xã hội một thời gian”. Kèm theo bài viết là hai bức ảnh – một bức chụp trong phòng tập thể dục và một bức là hình ảnh chiếc SU7 Ultra – như một cách thể hiện nỗ lực vượt qua khủng hoảng cá nhân.

Gây tranh cãi về công nghệ tự lái

Mặc dù ông Lei không đề cập trực tiếp đến vụ tai nạn, thời điểm đăng tải bài viết cho thấy đây là phản hồi gián tiếp trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ công chúng và truyền thông liên quan đến tính an toàn của hệ thống hỗ trợ lái xe do Xiaomi phát triển.

Theo thông tin từ công ty, chiếc SU7 gặp nạn đang chạy ở tốc độ 116 km/h trên đường cao tốc với hệ thống hỗ trợ người lái được kích hoạt. Tuy nhiên, hệ thống chỉ đưa ra cảnh báo cho tài xế kiểm soát xe 2 giây trước khi va chạm xảy ra, khiến xe lao vào rào chắn bê tông và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Sự cố này đã làm dấy lên lo ngại về mức độ hiểu biết của người tiêu dùng Trung Quốc đối với công nghệ lái tự động, đặc biệt là khi các hệ thống như vậy ngày càng phổ biến trong các dòng xe mới.

Không được phóng đại về công nghệ mới

Hiện nay, hầu hết các hệ thống hỗ trợ lái xe tại Trung Quốc đều được phân loại là Cấp độ 2 hoặc Cấp độ 2+, tức là vẫn yêu cầu tài xế giữ tay trên vô lăng và sẵn sàng can thiệp bất cứ lúc nào. Trong khi đó, các hệ thống Cấp độ 3 – cho phép vận hành rảnh tay trong một số tình huống – vẫn chưa được hợp pháp hóa tại Trung Quốc.

Các nhà chức trách Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát sau tai nạn. Vào tháng 4, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã triệu tập đại diện của hơn 60 công ty để bàn về việc tuân thủ các quy định liên quan đến công nghệ tự lái. Các doanh nghiệp được cảnh báo không được phóng đại khả năng của hệ thống hỗ trợ người lái nhằm tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Cùng thời điểm, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng kêu gọi các thành viên trong ngành nâng cao tiêu chuẩn an toàn và minh bạch hơn trong cách tiếp thị các công nghệ liên quan đến tự động hóa lái xe.

Hành trình khó khăn phía trước

Lei Jun, người có hơn 26 triệu người theo dõi trên Weibo, đã im lặng hơn trong tháng 4. Ông chỉ đăng tải 21 bài viết, chủ yếu là các nội dung quảng bá sản phẩm, trái ngược hoàn toàn với hoạt động dày đặc trong tuần cuối cùng của tháng 3 với 33 bài đăng cá nhân.

Tuy nhiên, trong bài đăng mới nhất, ông bày tỏ sự trân trọng đối với những lời động viênđã nhận được trong thời gian qua. “Tôi đã dần tìm lại được lòng can đảm và sự tự tin để tiến về phía trước”, Lei chia sẻ.

Bài đăng nhanh chóng trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi trên Weibo, cho thấy sự quan tâm lớn của dư luận dành cho Xiaomi và cá nhân người lãnh đạo hãng

Xiaomi chính thức gia nhập thị trường xe điện vào năm 2021, đánh dấu bước ngoặt chiến lược trong hành trình phát triển của hãng. Mẫu xe điện đầu tiên – SU7 – được ra mắt và bắt đầu bán ra tại Trung Quốc đại lục vào tháng 3/2024. Lei Jun từng gọi lĩnh vực xe điện là “công việc kinh doanh cuối cùng của cuộc đời tôi”, thể hiện quyết tâm đưa Xiaomi trở thành một trong những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp ô tô thông minh.

Tuy nhiên, vụ tai nạn nghiêm trọng lần này là một phép thử lớn đối với cả công ty lẫn cá nhân Lei Jun. Không chỉ đe dọa hình ảnh thương hiệu, sự cố còn buộc Xiaomi phải nghiêm túc rà soát lại công nghệ, quy trình phát triển và chiến lược truyền thông để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng – yếu tố sống còn trong một ngành công nghiệp cạnh tranh khốc liệt như xe điện.

Theo SCMP