Ló dạng cuộc “hôn nhân” Vietcombank - SaigonBank

Giữa năm 2014 các cổ đông ngân hàng hé mở ý định có thể về “chung nhà” với các tổ chức tín dụng khác. Những cuộc tiếp xúc SaigonBank - Vietcombank được lên lịch và được thực hiện.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

SaigonBank là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên ra đời sau giải phóng, với nguồn vốn chính được cấp từ Ngân hàng Nhà nước, sau chuyển cho Ban Tài chính quản trị Thành ủy TPHCM và một số ngân hàng quốc doanh, trong đó có Vietcombank.

Cuối những năm 1990, đầu những năm 2000 hoạt động ngân hàng như trong thời điểm “sương mù” với những vụ án lớn. Một chiều, tôi ghé hội sở của Sài Gòn Công thương ngân hàng (SaigonBank) lúc ấy còn nằm trên đường Châu Văn Liêm, quận 5, TPHCM (nay đã chuyển thành chi nhánh quận 5) - tòa nhà 4 tầng góc ngã tư với hai mặt tiền đường. Ông Dương Xuân Minh, Tổng giám đốc bấy giờ, ngồi đăm chiêu nhìn ra cửa sổ, phía ngoài những sợi nắng của một ngày oi ả hắt lên ô kính. Ông nói: “Trưởng phòng tín dụng đã xin nghỉ việc (bây giờ các tổ chức tín dụng ưa gọi chức danh này là giám đốc tín dụng), bổ nhiệm người mới, không ai dám nhận. Tôi phải kiêm luôn cả chức vụ đó”. Vậy nhưng ngay cả thời kỳ đầy khó khăn, SaigonBank cũng không lỗ.

Mới đấy mà đã mười mấy năm. Trong lịch sử 27 năm của mình, SaigonBank có lẽ ít khi là ngân hàng nổi trội. Nó như dòng sông, lặng lẽ trôi, lớn lên từng năm về tổng tài sản, về con người, mạng lưới và sự trải nghiệm - một sự trưởng thành cả nhìn thấy và không nhìn thấy được trên giá trị sổ sách. Từ năm 2005 đã có nhiều đối tác nội, ngoại “ngó nghiêng” ngân hàng, những đại gia tên tuổi đặt vấn đề mua cổ phần. Hàng chục cuộc gặp gỡ, thương thuyết diễn ra, sau chẳng đi đến đâu vì đối tác mạnh về tiềm lực tài chính cỡ nào cũng khó “chiều lòng” cổ đông lớn là Ban Tài chính quản trị Thành ủy TPHCM và một số doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn.

Các thế hệ lãnh đạo của SaigonBank phần lớn xuất thân từ Vietcombank. Ông Dương Xuân Minh đến từ Vietcombank. Bà Trần Thị Việt Ánh, Tổng giám đốc hiện tại, từng nhiều năm công tác tại Vietcombank. Một phần do chất quốc doanh ngấm sâu từ lãnh đạo đến thành phần cổ đông, SaigonBank luôn kinh doanh hết sức thận trọng. Cho đến giờ, ban tổng giám đốc ngân hàng chủ yếu là “phái đẹp”, nên sự chặt chẽ, đâu ra đấy dường như vẫn là nếp.

Khi giai đoạn 1 của công cuộc tái cấu trúc ngân hàng bắt đầu, SaigonBank không nằm trong diện phải hợp nhất, sáp nhập. Nợ xấu thấp, vốn điều lệ nhỏ, quy mô huy động và cho vay vừa phải, năm nào cũng lãi đủ chia cổ tức cho cổ đông theo kế hoạch, ngân hàng không dễ tìm cho mình một cuộc “hôn nhân” ưng ý với người bằng vai phải lứa. SaigonBank có thể vẫn cứ đứng độc lập như nó vốn thế từ trước đến nay.

Giữa năm 2014 các cổ đông ngân hàng hé mở ý định có thể về “chung nhà” với các tổ chức tín dụng khác. Những cuộc tiếp xúc SaigonBank - Vietcombank được lên lịch và được thực hiện. Có nhiều lý do để SaigonBank hướng tới Vietcombank, mà quan trọng nhất là “dòng máu quốc doanh chảy trong huyết quản” cả hai.

Về phía mình, cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường vừa rồi là lần thứ hai Vietcombank đề nghị cổ đông chấp thuận chủ trương sáp nhập với một ngân hàng khác. Cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 cũng đã đề cập đến chủ trương này. Danh sách các ngân hàng muốn được hợp nhất với Vietcombank thì nhiều, nhưng Vietcombank muốn tìm một đối tác phù hợp. Còn quy mô mức độ nào là thứ yếu. Trong số các ứng cử viên, SaigonBank nặng ký nhất.

Ngân hàng Nhà nước bật đèn xanh cho các cuộc sáp nhập tự nguyện. Với SaigonBank - Vietcombank, cơ quan quản lý khuyến khích cả hai tự tìm hiểu, tự lên phương án tái cơ cấu. Hai bên đã qua những bước ước lượng nhau một cách dập dạp và đang tiến đến điểm mấu chốt: tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu sáp nhập.

Đó chính là câu chuyện của SaigonBank, là nam châm hút các tổ chức và nhóm nhà đầu tư cá nhân muốn trở thành cổ đông ngân hàng trước đây và cả bây giờ: giá trị tài sản thật!

Một doanh nhân chuyên kinh doanh bất động sản kể một lần khi đến Lào Cai, ông đã ngỡ ngàng trước tòa nhà chi nhánh SaigonBank tại đây. Nằm trên đường Thanh Niên, vị trí đẹp, bề thế, tòa nhà này được SaigonBank mua đứt với giá vài tỉ đồng trong một cơ hội hiếm có.

Tuy nhiên, cơ ngơi chi nhánh Lào Cai chẳng là gì so với chi nhánh Châu Văn Liêm quận 5 hay hội sở chính Phó Đức Chính, quận 1 và nhất là khách sạn Riverside trên đường Tôn Đức Thắng của ngân hàng. Không phải khách sạn Continental, tòa nhà cổ Riverside với mặt tiền hơn chục mét nhìn thẳng ra bến Bạch Đằng mới là khách sạn cổ nhất Sài Gòn! Vị trí này của Riverside chỉ thua duy nhất khách sạn Majestic. Một dạo, một tập đoàn lớn đã từng “ngắm nghía” Riverside làm đại bản doanh, nhưng thương lượng không hứa hẹn gì.

Đã thế Riverside, cũng như hầu hết tất cả các tài sản hữu hình khác của SaigonBank đều đã khấu hao gần như xong, giá trị sổ sách không đáng kể. Có tài sản giá trị sổ sách hiện còn 1 (một) đồng! Trụ sở các chi nhánh ở Hà Nội, TPHCM và các tỉnh của SaigonBank đều được mua đứt từ lâu. Với ngân hàng, không có chuyện thuê địa điểm để mở chi nhánh hay phòng giao dịch. Sự góp mặt của cổ đông lớn Thành ủy đã tạo cho SaigonBank ưu thế trong những giao dịch mua đứt như vậy.

Vốn điều lệ chỉ có 3.080 tỉ đồng, nhưng SaigonBank ngồi trên giá trị tài sản thực lớn hơn nhiều. Hàng chục năm nay, chưa bao giờ SaigonBank đánh giá lại giá trị thực tế tài sản. Nay nếu sáp nhập vào Vietcombank, việc xác định lại giá trị tài sản là điều đương nhiên.

Đại diện Vietcombank cho biết họ tán đồng việc định giá lại tài sản và nhấn mạnh việc này phải thực hiện minh bạch vì cổ đông Nhật Bản yêu cầu phải xem xét kỹ lưỡng đối tác. Vietcombank sẽ thuê tổ chức định giá và tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu sẽ dựa trên giá trị thật (đã định giá) của SaigonBank và giá cổ phiếu VCB niêm yết. Dự báo tỷ lệ chuyển đổi dao động trong khoảng 2:1 đến 1:1 (từ 2-1 cổ phiếu SaigonBank tương đương 1 cổ phiếu Vietcombank).

Khi Vietcombank đứng ra gánh vác nhiệm vụ hỗ trợ Ngân hàng TMCP Xây dựng trong giây phút hiểm nghèo của Xây dựng, đã có những ý kiến hợp nhất ngân hàng này vào Vietcombank. Vietcombank khẳng định không có nhu cầu nhận hợp nhất Ngân hàng Xây dựng trong bất kỳ trường hợp nào. Bao nhiêu năm trước BIDV hỗ trợ Ngân hàng TMCP Đại Nam và cuối cùng Đại Nam giải thể sau khi giải quyết hết nợ nần. BIDV đã không nhận sáp nhập Đại Nam.

Nếu thỏa thuận với SaigonBank thành công, cuộc “hôn nhân” này xem ra đáng đồng tiền bát gạo cho Vietcombank. Vietcombank sẽ có tiếng và có miếng, chính thức tham gia vào quá trình cải cách ngành ngân hàng. Sau này giả sử có những nhiệm vụ “giải cứu” hay hỗ trợ tổ chức tín dụng nào đó, cơ quan quản lý sẽ phải tìm những địa chỉ khác, không thể cứ mãi “nhờ cậy” Vietcombank.

Thông tin mới nhất mà chúng tôi có được là hai ngân hàng sẽ gặp nhau trong tuần tới để tiếp tục thương lượng. Cả hai đều không vội vàng với quỹ thời gian rộng mở trước mặt.

Nội dung
Với SaigonBank - Vietcombank, cơ quan quản lý khuyến khích cả hai tự tìm hiểu, tự lên phương án tái cơ cấu. Hai bên đã qua những bước ước lượng nhau một cách dập dạp và đang tiến đến điểm mấu chốt: tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu sáp nhập.

TBKTSG