|
Trong sáu tháng đầu năm 2019, ngân sách nhà nước (NSNN) thặng dư tới gần 80.000 tỉ đồng. Ảnh: THÀNH HOA |
Nhờ nhập nhiều ô tô
Trong sáu tháng đầu năm 2019, ngân sách nhà nước (NSNN) thặng dư tới gần 80.000 tỉ đồng. Đây được xem là một diễn biến khá bất ngờ khi mà lâu nay Chính phủ vẫn luôn vật lộn với vấn đề thâm hụt ngân sách.
Tốc độ tăng thu lớn hơn chi trong những tháng qua giúp mang lại thặng dư cho ngân sách. Trong khi thu ngân sách tăng 13,2% thì chi ngân sách chỉ tăng 2,6% so với cùng kỳ của năm 2018.
Mặc dù đây mới chỉ là kết quả trong sáu tháng đầu năm 2019, nhưng nó có ý nghĩa rất lớn đối với chính sách tài khóa của Việt Nam. Theo đó, áp lực vay nợ sẽ giảm xuống và Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ chủ động trong việc phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) với mức chi phí thấp nhất. Chính vì vậy mà tổng khối lượng TPCP phát hành mới chỉ đạt khoảng 45%, trong khi lợi tức giảm được gần 1 điểm phần trăm và kỳ hạn phát hành tiếp tục được kéo dài hơn.
Thu ngân sách tăng cao xuất phát từ hai nguyên nhân chính: (i) Thu nội địa tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định và tích cực. Trong khi số thu từ các doanh nghiệp tăng lên thì thu từ đất ngày càng giảm; (ii) Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu bất ngờ tăng mạnh, tới 13,7% so với cùng kỳ của năm 2018.
Diễn biến này đi ngược với xu hướng khi mà Việt Nam đang phải giảm thuế rất mạnh theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, thu thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu lần lượt tăng trưởng 15,7% và 135% so với kết quả của cùng kỳ năm 2018. Thuế tiêu thụ đặc biệt tăng mạnh là kết quả của việc tiêu thụ ô tô nhập khẩu tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, Việt Nam đã nhập khẩu tới tới 75.000 ô tô, trị giá gần 1,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 515,8% về lượng và 417,3% về giá so với cùng kỳ.
Thặng dư mới đáng lo
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, số thuế thu được từ hoạt động nhập khẩu ô tô đạt 21.515 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm 2019, tăng 17.415 tỉ đồng, tương đương với mức tăng 424,7% so với cùng kỳ năm trước. Việc thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN đã giảm về mức 0%, cộng với những vướng mắc về các thủ tục hải quan đã được tháo gỡ, đã làm lượng ô tô nhập khẩu từ khu vực tăng vọt so với cùng kỳ, trong đó Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia xuất khẩu ô tô sang Việt Nam lớn nhất hiện nay.
Mặc dù ngân sách thặng dư, nhưng kết quả đó chưa hẳn là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế. Bởi lẽ, để thu ngân sách tăng trưởng bền vững thì nguồn thu chính phải đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thay vì tiêu dùng ô tô như trong sáu tháng vừa qua - một yếu tố không bền vững. Sự gia tăng đột biến của ô tô nhập khẩu trong năm nay chủ yếu là do cùng kỳ năm ngoái hoạt động này hầu như bị tắc nghẽn, do vấn đề thủ tục, nên chắc chắn rằng sự đột biến này trong các năm tới sẽ không còn.
Đáng lo nhất là thặng dư ngân sách không phải đến từ kết quả của một nền kinh tế phát triển lành mạnh, mà từ sự yếu kém trong khả năng hấp thụ vốn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chi ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản chỉ đạt 44,9% kế hoạch năm, tăng 3,9% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay. Nên biết rằng, cùng kỳ năm ngoái mức chi ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản cũng rất thấp, chỉ đạt 43,3% kế hoạch.
Tốc độ chi ngân sách cho đầu tư sụt giảm không phải do thiếu nhu cầu, mà do thiếu khả năng hấp thụ vốn, vì vướng mắc về thủ tục cùng nhiều nguyên nhân chủ quan khác. Hàng loạt dự án lớn, như các công trình nguồn điện, các dự án đường cao tốc, đường sắt đô thị, bệnh viện, trường học, các dự án nông nghiệp và nông thôn... tiến độ thi công ỳ ạch, có dự án đã kéo dài tới 10 năm và chưa biết đến bao giờ mới xong vì đói vốn, trong khi “túi” của Nhà nước lại đang thừa tiền. Đây đều là những công trình hạ tầng rất quan trọng, nên sự trì trệ ở các dự án này chắc chắn sẽ kéo theo sự trì trệ về tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Lo cho cả ngành ô tô trong nước
Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng số xe tiêu thụ sáu tháng qua đạt 154.273 chiếc, tăng 27.073 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức tăng trưởng 21,2%. Trong khi xe nhập khẩu tăng mạnh thì xe được sản xuất và lắp ráp trong nước lại đang có dấu hiệu suy giảm. Tổng số xe lắp ráp trong nước được tiêu thụ trong sáu tháng chỉ đạt 91.731 chiếc, giảm 14% so với cùng kỳ của năm 2018.
Kết quả này cho thấy ô tô nhập khẩu có tính cạnh tranh cao hơn nhiều so với ô tô được sản xuất và lắp ráp trong nước. Cứ giả định chất lượng là như nhau giữa ô tô nhập khẩu và ô tô lắp ráp thì rõ ràng giá cả đang là yếu tố chi phối đến thực tế ở trên. Chuỗi giá trị (value train) của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đang bị thiếu những mắt xích quan trọng để có thể giúp các doanh nghiệp giảm được giá thành sản xuất.
Hiện nay ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam có cả các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp và lắp ráp. Tuy nhiên, gần như toàn bộ nguyên vật liệu, phụ tùng máy móc đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, mắt xích quan trọng nhất còn thiếu chính là các doanh nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp này. Thật đáng lo khi đây lại là điểm mạnh của ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan và Indonesia.
Thực trạng này đòi hỏi Chính phủ và các doanh nghiệp trong nước cần phải tiếp tục ngồi lại với nhau để có các giải pháp quyết liệt hơn nhằm thu hút cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp phụ trợ trong nước phát triển. Bên cạnh những ưu đãi về thuế, điều kiện tín dụng thì yếu tố quan trọng nhất là cần hình thành một vùng công nghiệp ô tô. Tức là nhiều doanh nghiệp hoạt động trên cùng một địa bàn nhằm tối ưu hóa chi phí hoạt động và nguồn lực.
Theo TBKTSG
Link: https://www.thesaigontimes.vn/292182/lo-chuyen-ngan-sach-du-tien-.html