Báo cáo mới của Fortinet vừa được công bố trong khuôn khổ hội nghị thường niên Accelerate Asia 2022 tổ chức chiều 9/6. |
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều tổ chức áp dụng công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, blockchain... vào quy trình hoạt động, sản xuất, thì việc thiếu đi các chuyên gia an ninh mạng có đủ năng lực đang trở nên vô cùng trầm trọng.
Kết quả khảo sát tại khu vực Đông Nam Á và Hồng Kông của Fortinet cho thấy, 71% các doanh nghiệp tham gia khảo sát đang phải đối mặt với khó khăn trong việc tuyển dụng nhân tài đủ tiêu chuẩn về an ninh mạng. Trong đó, tới 63% doanh nghiệp đã cho rằng thực trạng thiếu kỹ năng có nguy cơ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về an ninh mạng.
Một báo cáo khác về lực lượng lao động an ninh mạng năm 2021 của ISC (Cyber Workforce Report) cho rằng Châu Á - Thái Bình Dương có sự thiếu hụt về lực lượng lao động theo khu vực lớn nhất, lên tới là 1,42 triệu người. Mặc dù con số đã giảm so với năm trước, nhưng rõ ràng là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn cần nhiều giải pháp hơn.
Trên phạm vi toàn châu Á, 89% các tổ chức có hội đồng quản trị cho hay, họ đang tìm kiếm giải pháp đặc biệt về an ninh mạng. Trong đó, tới 79% các tổ chức có ban giám đốc đã khuyến nghị tăng số lượng nhân viên chính thức làm việc trong mảng CNTT và an ninh mạng.
Ông Nguyễn Gia Đức, Giám đốc quốc gia, Fortinet Việt Nam nhấn mạnh thực trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực an ninh mạng tại Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Nguyễn). |
Phát biểu về tình hình tại Việt Nam, ông Nguyễn Gia Đức, Giám đốc quốc gia, Fortinet Việt Nam cho biết một trong những thách thức về tuyển dụng đó là việc tiếp nhận các nhân sự nữ, sinh viên mới tốt nghiệp đại học và người dân tộc thiểu số.
Cụ thể, 76% các tổ chức đánh giá việc tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp là trở ngại hàng đầu trong tuyển dụng. Trong khi đó, 75% các nhà lãnh đạo cho rằng vấn đề sau đó là việc tuyển dụng lao động nữ cho ngành này. Còn lại 62% cho rằng việc tuyển dụng người dân tộc thiểu số cũng rất khó khăn.
"Trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng đang biến đổi nhanh chóng, các kỹ năng cũng cần phải thay đổi để kịp thời thích ứng", ông Đức cho biết. "Cần hướng tới mục tiêu xây dựng một lực lượng chuyên gia an ninh mạng có kiến thức và kỹ năng toàn diện cho Việt Nam", ông khẳng định.
Để giải quyết vấn đề này, ông Đức cho biết Học viện đào tạo của Fortinet hiện đang cung cấp dịch vụ Đào tạo và Nâng cao nhận thức về Bảo mật dành cho các tổ chức đang tìm hiểu chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về bảo mật cho cán bộ nhân viên. Dịch vụ này giúp bảo vệ hiệu quả các "tài sản số" quan trọng của tổ chức khỏi các mối đe dọa trên mạng nhờ tăng cường, nâng cao kiến thức về an ninh mạng cho đội ngũ nhân viên, từ đó ngăn chặn hiệu quả và kịp thời các vi phạm bảo mật và rủi ro về an ninh mạng.
Theo Dân trí