Thiết bị có giá 249 USD được tung ra hồi tháng Hai vừa qua của Google được quảng cáo là sẽ giúp tự động hóa phần lớn công việc của một số nhiếp ảnh gia trong những loại hình nhiếp ảnh nhất định. Bạn chỉ cần đặt khối vuông cao 5cm này lên bất kỳ bề mặt nào, đặc biệt là những vị trí thường có trẻ em hay thú cưng chạy qua, và nó sẽ tự động chụp lại bất kỳ khoảnh khắc thú vị nào mà nó cho là đáng giá bằng ống kính góc rộng của mình.
Phóng viên Heather Kelly của trang tin CNN Tech đã sử dụng chiếc camera này trong một tuần, và dưới đây là những nhận định của anh về nó.
Kelly đã đặt Google Clips lên nhiều vị trí khác nhau, từ bàn nhà bếp, sàn nhà, và kệ sách. Đáng buồn là chú mèo và thỏ của anh đều qua đời vào năm ngoái, do đó anh chỉ có thể mang tụi nhỏ nhà mình ra để thử nghiệm chiếc camera của Google, mà theo anh thì "may là lũ trẻ nhà tôi trông cũng xinh xắn lắm".
Thế nhưng, những bức ảnh và video thu được từ Clips lại có cùng một điểm chung: không bắt được hồn của chủ thể. Góc quay khá rộng của Clips khiến chiếc camera này lúc nào cũng bận rộn, với quá nhiều chủ thể được lấy nét trong khung hình và chẳng có chủ thể nào có tư thế tạo dáng thu hút cả.
Về cơ bản, Clips là sự kết hợp giữa phong cách không can thiệp (tự quay không cần thiết lập của người dùng) với phong cách trực quan của một chiếc camera giám sát.
Và với vai trò là một chiếc camera âm thầm quan sát bạn, Clips không hề mang lại cảm giác ghê rợn. Google đã rất cẩn thận trong thiết kế chiếc camera này để tránh bất kỳ sự cố đáng tiếc nào liên quan quyền riêng tư. Camera sẽ lưu trữ mọi hình ảnh và video ngay bên trong bộ nhớ, và bạn có thể xem lại hình ảnh bằng ứng dụng Clips cho Android và iOS thông qua kết nối WiFi giữa camera và điện thoại, và có thể tự mình lựa chọn sẽ lưu hình ảnh nào xuống smartphone.
Một hình ảnh chưa chỉnh sửa từ Google Clips
Có thể Clips không thành công trên phương diện một chiếc camera, nhưng nó làm dấy lên những câu hỏi thú vị về việc "điều gì làm cho một bức ảnh 'đẹp'", và liệu bạn có thể lập trình một thuật toán để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật hay không.
"Nhiếp ảnh là diễn đạt" - nhiếp ảnh gia Ben Long, tác giả cuốn "The Complete Digital Photography" cho biết. "Thuật toán của Clips chỉ là sự diễn đạt của những ý tưởng nhiếp ảnh của bất kỳ người nào viết ra thuật toán, nhưng không hề có kiến thức làm sao để làm cho khung cảnh xung quanh trở nên thú vị".
Clips so với một quả dâu
Để hình thành được thuật toán (mà đang được sử dụng trên Clips), nhóm phát triển đã hỏi các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đang làm việc tại công ty về những thứ họ tin là có thể giúp tạo ra một bức ảnh đẹp.
Phần mềm của Clips sẽ tìm các chủ thể là trẻ em, động vật, và các gương mặt trong khoảng cách từ 0,9 đến 2,5 mét. Nó đặc biệt chú ý để chuyển động, nhưng sẽ cố để tránh những bức ảnh nhòe và có thể phát hiện ra một thứ gì đó đang chắn trước ống kính, như tay của một đứa trẻ tò mò chẳng hạn. Nó có thể học về khuôn mặt của những người bạn lưu ảnh xuống nhiều nhất và chụp hình họ nhiều hơn. Nó được lập trình để chụp ngay những gương mặt vui vẻ, đang cười.
Tuy nhiên, ngay cả khi Clips bám sát những quy tắc như vậy, những bức ảnh chụp được hầu như chẳng thể lập trình nổi. Theo xu thế hiện tại, người ta thích những bức ảnh được cường điệu hóa, sắp xếp bố cục cẩn thận để đăng lên mạng xã hội. Dù camera ngày một tốt hơn trong việc bắt những khoảnh khắc hiện thực, tính khí con người lại ngày một phức tạp và thích chụp những bức ảnh mang tính trừu tượng hơn.
Nhưng vấn đề với Clips không chỉ là phương thức hoạt động hay chất lượng hình ảnh. Vấn đề nằm ở chỗ người ta đã giả định rằng bạn có thể lập trình một thiết bị có khả năng "nhại" lại những quyết định mà con người đưa ra trong quá trình chụp để tạo nên một bức ảnh đẹp.
"Bạn có thể thử thiết lập mọi quy tắc mà bạn muốn trong nhiếp ảnh, và bạn có thể thử thực hiện chúng một cách hoàn hảo, để rồi rốt cuộc vấn cho một số bức ảnh không thể 'ngửi' được" - Long nói sau khi xem qua những bức ảnh mà chiếc Clips của Kelly chụp được.
Các quy tắc không thể tiên đoán được những quyết định nhỏ nhặt mà một nhiếp ảnh gia đưa ra trong khoảnh khắc, như nên đứng ở đâu, khi nào nên nhấn nút chụp, hay phần nào trong bức ảnh nên để sáng hoặc giữ trong tối. Sự hiện diện của một nhiếp ảnh gia cũng có ảnh hưởng đến bức ảnh. Chụp ảnh là một trải nghiệm xã hội, Long nói. Chủ thể luôn phản ứng với nhiếp ảnh gia theo một cách nào đó.
Clips có lẽ sẽ không thành công, nhưng nó là dấu hiệu cho thấy một tương lai có thể đến với ngành nhiếp ảnh. Các công ty hiện đang phát triển nhiều công nghệ nhằm tự động hóa và thay đổi lĩnh vực này. Nguyên nhân của việc này xuất phát từ mong muốn cải thiện nhiếp ảnh di động mà không cần phải tạo ra những chiếc điện thoại khổng lồ. Ví dụ, camera như chiếc Pixel 2 và iPhone X sử dụng phần mềm để tạo ra hiệu ứng DoF (độ sâu trường ảnh) "giả" như thật. Camera Light L16 thì sử dụng đến 16 camera riêng biệt để tạo nên một hình ảnh chi tiết cao có thể được chỉnh sửa sau đó.
Clips được tạo ra sau nhiều năm nỗ lực tự động hóa ngành nhiếp ảnh của chính Google. Google Photos có một tùy chọn "Assistant" để xử lý một khối lượng khổng lồ hình ảnh trong các thiết bị của người dùng, như chọn và chỉnh sửa những tấm ảnh đẹp nhất, và tạo ra các đoạn phim từ các video.
Google không xem Clips là kẻ thay thế cho các nhiếp ảnh gia, mà là một công cụ bổ trợ cho họ.
"Chúng tôi luôn nhìn nhận tầm quan trọng của con người trong việc này" - Juston Payne, chỉ đạo sản xuất của Clips cho biết - "Nó không thể tự mình di chuyển hay tạo bố cục hay chọn góc tốt. Con người vẫn nắm quyền sáng tạo, AI chỉ nhấn nút chụp mà thôi... Chúng tôi nghĩ nó là sự cộng tác giữa người với AI và cả hai đều hoàn toàn cần thiết".
Theo Báo Diễn đàn đầu tư