Liệu công nghệ AI có thể giúp kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Từ lâu người ta đã cho rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng sự phục hồi yếu ớt của đất nước tỉ dân sau tác động của virus Corona đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ.

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Cuộc chạy đua AI

Khi OpenAI công bố ChatGPT vào tháng 11 năm ngoái, dịch vụ này đã được ca ngợi là "khoảnh khắc iPhone" của trí tuệ nhân tạo (AI), tạo ra sự ảnh hưởng lớn trên toàn cầu.

Khoảnh khắc iPhone là một thuật ngữ chỉ thời điểm khi một công nghệ mới được giới thiệu với sự tăng trưởng nhanh chóng và có sức ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp giống iPhone của Apple.

Những 'gã khổng lồ' internet của Trung Quốc đã nhanh chóng tham gia cuộc đua. Baidu đã ra mắt bot Ernie vào tháng 3, sau đó là Alibaba Cloud và Kunlun’s Tiangong vào tháng 4.

Các công ty nhỏ hơn cũng đang dần chuyển dịch áp dụng những công nghệ mới.

“Chúng tôi phải nhanh chóng, để bắt kịp thời đại,” Zhou Feng, Giám đốc điều hành bộ phận phần mềm dịch thuật Youdao của NetEase, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông trong nước DuoZhi hồi đầu tháng này.

“Những gì chúng ta đang phải đối mặt là một cuộc cách mạng ở cấp độ công nghệ”.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đấu tranh để giành ưu thế bằng cuộc chiến thương mại 'ăn miếng trả miếng', lệnh cấm tiếp cận công nghệ cao suốt 5 năm qua và các kế hoạch chia cắt chuỗi cung ứng.

Trong khi các học giả ước tính rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2030, thì sự phục hồi yếu ớt sau tác động của virus Corona đã làm dấy lên đồn đoán rằng điều đó có thể không bao giờ xảy ra, tương tự như Liên Xô cũ vào những năm 1970 và Nhật Bản những năm 1980.

Trung Quốc được cho là đang đặt cược vào Trí tuệ Nhân tạo (AI) và coi đó là công cụ chiến lược trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không chỉ để cứu vãn nền kinh tế quốc gia khỏi hậu quả của đại dịch Covid-19 và đối mặt với thách thức dân số, mà còn để tăng cường sức mạnh và đánh đổ sự ưu thế của Hoa Kỳ.

Ông Kai-Fu Lee, cựu giám đốc cấp cao của Google tại Trung Quốc cho biết: “Phát triển các mô hình AI lớn là một cơ hội lịch sử mà Trung Quốc không thể bỏ lỡ".

cuoc chien my tung.jpg

Trung Quốc được hưởng lợi từ AI?

Theo công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey của Mỹ, Trí tuệ nhân tạo có thể mang lại khoảng 13 nghìn tỉ USD trong sản lượng kinh tế toàn cầu bổ sung vào năm 2030, dẫn đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tăng 16%.

Công ty dịch vụ chuyên nghiệp PwC tin rằng Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ AI, với công nghệ góp phần tăng 26% GDP của nước này vào năm 2030.

Lee, người sáng lập Microsoft Research Asia, người đã mở công ty đầu tư mạo hiểm Sinovation Ventures vào năm 2009, cho biết thêm: Khả năng triển khai thị trường nội địa rộng lớn và kết nối kinh tế cũng như dòng chảy nhân tài của Bắc Kinh có thể tạo cơ sở ổn định cho sự phát triển sức mạnh điện toán.

“Với mức độ kết nối toàn diện của nền kinh tế Trung Quốc, Chính phủ của họ có thể vượt trội hơn so với các quốc gia phương Tây trong việc triển khai nguồn lực và tổ chức công việc”, nhà quan sát kỳ cựu Lee nói với Diễn đàn Zhongguancun ở Bắc Kinh vào cuối tháng trước.

AI từ lâu đã nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh và được coi là một trong những động lực cốt lõi để phát triển kinh tế chất lượng cao, theo hướng dẫn phát triển 2021-2025 của Trung Quốc.

Phát biểu tại một cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng 10 năm 2021, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết “nỗ lực vì các công nghệ cốt lõi quan trọng” và đạt được mức độ tự lực cao.

Ông Tập đặc biệt nhấn mạnh việc áp dụng một cơ chế quốc gia mới, trong đó Bắc Kinh sẽ tập hợp mọi nguồn lực có thể để phát triển, tương tự như những gì họ đã thực hiện để phát triển vệ tinh, vũ khí hạt nhân và chương trình không gian trong những thập kỷ trước.

Trong khi đó, các nước phương Tây thường có xu hướng tạo niềm tin nhiều hơn vào các doanh nhân tư nhân và sự hỗ trợ từ Chính phủ để thúc đẩy đầu tư vào công nghệ.

Để chiếm thế thượng phong, Bắc Kinh đã nỗ lực hết mình để phát triển trí tuệ nhân tạo AI, với trọng tâm là cơ sở hạ tầng mới, nhằm thúc đẩy sức mạnh tính toán và thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tụt hậu về nhiều khía cạnh kỹ thuật, vì Mỹ có nguồn đầu tư tư nhân nhiều gấp 3,5 lần, theo một nghiên cứu của Đại học Stanford.

“Mỹ vẫn dẫn đầu nhưng vị trí đó đang dần lung lay. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình đa phương thức và ngôn ngữ lớn trên thế giới (54% vào năm 2022) được sản xuất bởi các tổ chức của Mỹ”, báo cáo cho biết.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp bằng cách thúc đẩy sự phát triển của tạp chí, hội nghị và ấn phẩm về AI, đồng thời trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực lắp đặt robot công nghiệp, vượt qua tổng số của tất cả các quốc gia khác.

Sức mạnh tính toán

Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt công nghệ đang diễn ra của Washington, Bắc Kinh được cho là có cả nguồn lực và quyết tâm mở rộng khả năng điện toán của mình với các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ khổng lồ giúp thu hẹp khoảng cách.

Sức mạnh điện toán ngày càng trở nên quan trọng, công nghệ này giúp AI xử lý nhanh chóng lượng thông tin khổng lồ, cách mạng hóa tốc độ và khả năng chính xác khi phân tích hệ thống.

Nhà sử học Chris Miller, tác giả cuốn sách "Cuộc chiến chip: Cuộc chiến giành công nghệ quan trọng nhất thế giới" nói rằng sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể được quyết định bởi sức mạnh tính toán.

Theo Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT), một chi nhánh của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Trung Quốc chiếm 33% sức mạnh tính toán của thế giới, chỉ thấp hơn 1 điểm phần trăm so với Mỹ.

Ông Nestor Maslej, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm của Đại học Stanford, cho biết: “Việc Trung Quốc tập trung vào các hoạt động tăng sức mạnh tính toán chắc chắn tạo cơ hội cho Trung Quốc bắt kịp Mỹ về AI".

Mặc dù khoảng cách có thể thu hẹp, nhưng Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ về công nghệ AI. Năm ngoái, Mỹ đã vượt Trung Quốc hơn 5 lần về sản xuất hệ thống máy học AI, tạo ra 255 hệ thống quan trọng so với 44 của Trung Quốc, theo ông Maslej.

Ông Maslej nói thêm: “Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh điện toán của đất nước có thể sẽ mang lại một nhóm lớn hơn các bên tham gia, như các trường đại học và thậm chí cả những người trong ngành, cơ hội để đào tạo các mô hình nền tảng ngày càng quan trọng”.

Theo CAICT, cứ 1 nhân dân tệ (14 cent Mỹ) đầu tư vào sức mạnh điện toán ở Trung Quốc, nó sẽ mang lại 3 đến 4 nhân dân tệ cho sản lượng kinh tế.

Theo dữ liệu của CAICT, chip đang đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng sức mạnh điện toán ở Trung Quốc, với tỷ lệ sức mạnh tính toán của chip đơn vị xử lý đồ họa trong lĩnh vực điện toán tăng từ 3% năm 2016 lên 41% vào năm 2020.

Li Yangwei, một nhà tư vấn kỹ thuật làm việc trong ngành công nghiệp điện toán thông minh cho biết: “Ngành công nghiệp AI trong nước của Trung Quốc hiện đang thiếu chip điện toán và nếu Mỹ tiếp tục trừng phạt công nghệ chip của Trung Quốc, điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực điện toán trong thời gian tiếp theo”.

Khi công nghệ chip của Trung Quốc dần tự chủ hơn, trở ngại đối với sự phát triển của sức mạnh điện toán trong nước do thiếu chip có thể được giảm bớt, Li nói.

“Tôi ước tính tác động của sự thiếu hụt chip đối với sự phát triển sức mạnh máy tính sẽ được giảm thiểu trong hai đến ba năm sớm nhất và chậm nhất là 5 năm,” Li nói.

Việc xây dựng các trung tâm dữ liệu đòi hỏi một số lượng lớn chip máy tính, lưu trữ và máy chủ hiệu suất cao, đây chắc chắn là thách thức mà Trung Quốc gặp phải khi xử lý lượng thông tin khổng lồ.

“Việc cải thiện sức mạnh điện toán của Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức đa chiều và vẫn còn một khoảng cách lớn trong quá trình chuyển đổi từ chip sang sức mạnh điện toán”, CAICT cho biết trong sách trắng về phát triển sức mạnh điện toán phát hành vào tháng 11.

Sự tách rời công nghệ của Hoa Kỳ, cùng với hậu quả từ đại dịch Corona virus và dân số già hóa, được coi là một trong những yếu tố mới kìm hãm tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc.

Theo Zhang Xiaojing, người đứng đầu Viện Tài chính và Ngân hàng thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, việc tách rời công nghệ của Hoa Kỳ sẽ làm giảm mức tăng trưởng tiềm năng 0,3% mỗi năm trong ba năm tới và 0,5% trong giai đoạn 2026-40.

“Ba yếu tố mới đó sẽ trì hoãn việc Trung Quốc vượt Mỹ cho đến năm 2033”, Zhang viết trong một bài báo xuất bản vào tháng Tư.

Bất chấp sự cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, nhiều chính trị gia đã cảnh báo về những thách thức do AI mang lại.

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Economist vào tháng 4 rằng số phận của nhân loại phụ thuộc vào việc Mỹ và Trung Quốc có thể hòa thuận với nhau hay không, trong khi những hiểm họa của AI đang ngày một lan rộng.

“AI không phải là cuộc đua của hai quốc gia”, ông Kissinger nói trong một cuộc họp kín do JPMorgan tổ chức tại Thượng Hải vào cuối tháng 5, đồng thời nói thêm rằng AI là một kỷ nguyên mới của ý thức con người, đòi hỏi sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc để hiểu được tiềm năng cũng những rủi ro của công nghệ này.

AI được đầu tư mạnh mẽ tại Trung Quốc

Mặc dù vậy, cơn sốt đầu tư vào AI hiện đã lan rộng khắp Trung Quốc.

Chính quyền Thâm Quyến đã công bố vào đầu tháng 6 rằng họ sẽ thành lập quỹ đầu tư AI trị giá 100 tỉ nhân dân tệ (14 tỉ USD) để phát triển sức mạnh tính toán của thành phố và biến nó thành một khu AI tiên phong ở Trung Quốc.

Trung tâm công nghệ này cũng có kế hoạch đẩy nhanh việc sử dụng AI trong các công trình ngầm, sân bay và bệnh viện, nhằm phục vụ như một nền tảng điện toán cho Khu vực Vịnh Lớn.

Khu vực Vịnh Lớn đề cập đến kế hoạch của chính phủ Trung Quốc nhằm liên kết các thành phố Hồng Kông, Ma Cao, Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Phật Sơn, Trung Sơn, Đông Quản, Huệ Châu, Giang Môn và Triệu Khánh thành một trung tâm kinh tế và kinh doanh tổng hợp.

Thượng Hải cũng đã chi hơn 250 tỉ nhân dân tệ cho cơ sở hạ tầng mới trong ba năm qua, với vốn tư nhân chiếm hơn 30%.

Sự gia tăng chi tiêu đã khiến nhiều nhà dự báo Trung Quốc lạc quan về con đường phát triển của đất nước.

Liang Haoguang, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Hiện đại hóa Trung Quốc thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, tin chắc rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ ngày càng được thúc đẩy bởi công nghệ.

“Đánh giá từ góc độ đổi mới công nghệ, nền kinh tế Trung Quốc có khả năng bắt kịp quy mô của Hoa Kỳ vào năm 2028,” ông phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Bắc Kinh vào tháng trước./.

Theo SCMP