Cụ thể, xếp hạng dài hạn của LienVietPostBank ở mức B2 và triển vọng tích cực đối với tiền gửi bằng nội tệ và nhà phát hành bằng nội tệ và ngoại tệ, triển vọng ổn định đối với tiền gửi bằng ngoại tệ.
Mức xếp hạng trên phản ánh đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) của LienVietPostBank ở mức B2 và mức độ hỗ trợ của Chính phủ đối với Ngân hàng ở mức tích cực B1. BCA ở mức B2 cũng cho thấy sự cải thiện về chất lượng tài sản và các chỉ số sinh lời của LienVietPostBank. Bên cạnh đó, Moody’s xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi ngắn hạn bằng nội tệ và ngoại tệ của Ngân hàng ở mức Not Prime và đánh giá rủi ro đối tác ở mức B1(cr)/NP(cr).
Xếp hạng tín nhiệm của Moody’s đưa ra đối với LienVietPostBank trên cơ sở các khoản cho vay của LienVietPostBank tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp và bán lẻ, lần lượt chiếm 54% và 32% trên tổng dư nợ cho vay tại thời điểm 30/06/2017. LienVietPostBank đang dần chuyển dịch cơ cấu cho vay sang hướng bán lẻ trong những năm tới. Đồng thời Moody’s cũng đánh giá tình hình thanh khoản chung của LienVietPostBank tương đối dồi dào với tỷ lệ tài sản có tính thanh khoản chiếm 39% tài sản hữu hình vào cuối năm 2016.
Về khả năng huy động vốn, tại thời điểm 30/06/2017, tiền gửi của khách hàng chiếm 76% tổng tài sản của Ngân hàng, tuy nhiên hầu hết trong số đó là tiền gửi của các tổ chức kinh tế. Moody’s kỳ vọng rằng nguồn vốn của LienVietPostBank sẽ được cải thiện nhờ nguồn huy động ổn định từ tiền gửi của cá nhân với chi phí thấp thông qua việc khai thác của Ngân hàng đối với mạng lưới bưu cục và phòng giao dịch bưu điện rộng lớn khắp Việt Nam.
Theo xếp hạng của Moody’s, LienVietPostBank đang có cùng mức xếp hạng với 05 ngân hàng TMCP: Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Quân Đội (MB), Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng An Bình (ABB); và chỉ thấp hơn 03 ngân hàng TMQD: Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).