|
M.Gorbachev phát biểu tại Đại học Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ: “Mục đích của cả đời tôi là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản” (Ảnh fishki.net) |
Ngày 02/11/1987, tại một cuộc mít tinh trọng thể kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, M. Gorbachev nói: “Đảng Cộng sản Liên Xô không có chút hoài nghi nào về tương lai của phong trào cộng sản hướng tới một hình thái xã hội sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản. Chúng ta đang hướng tới một thế giới mới - thế giới của chủ nghĩa cộng sản và sẽ không bao giờ đi chệch khỏi con đường đó. Vào thời điểm đó, M. Gorbachev và các cộng sự của ông luôn tự cho mình là “những người trung thành” với chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga.
Chỉ 4 năm sau, công cuộc cải tổ dưới sự lãnh đạo của M. Gorbachev đã làm sụp đổ Liên Xô - Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới ra đời từ Cách mạng Tháng Mười Nga. Phát biểu tại một cuộc hội thảo tại Đại học Hoa Kỳ ở Thổ Nhĩ Kỳ, M. Gorbachev nói: “Mục tiêu của cả cuộc đời tôi là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản, một chế độ độc tài không thể dung thứ đối với con người. Tôi được vợ hoàn toàn ủng hộ. Bà là người hiểu sự cần thiết của việc này thậm chí còn sớm hơn tôi. Để đạt được mục tiêu này, tôi đã sử dụng vị thế lãnh đạo của mình trong Đảng và Nhà nước. Đó là lý do tại sao vợ tôi không ngừng khuyến khích và thúc giục tôi nỗ lực giành được vị trí ngày càng cao trong bộ máy lãnh đạo của đất nước. Khi tìm hiểu phương Tây, tôi nhận ra rằng mình không thể lùi bước trên con đường thực hiện được mục tiêu của đời mình là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản. Đạt được mục tiêu đó, tôi đã thay thế toàn bộ ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô cũng như ban lãnh đạo ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa. Lý tưởng của tôi lúc đó là đi theo con đường của chủ nghĩa xã hội - dân chủ. Tôi đã nỗ lực tìm được các cộng sự để thực hiện mục tiêu này. Trong số đó có E. Shevardnadze và A. Yakovlev - những người có công lao trong sự nghiệp chung của chúng tôi”.
Như vậy, M. Gorbachev là kẻ phản bội tệ hại nhất trong lịch sử chính trị thế giới. Câu hỏi đặt ra ở đây là, bằng cách nào M. Gorbachev có thể thực hiện được sự phản bội đó mà không bị lật tẩy? Các tài liệu được giải mật sau khi Liên Xô sụp đổ cũng như chính sự thừa nhận của A. Yakovlev - người được M. Gorbachev coi là chiến hữu trung thành nhất của ông, đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này. Đó là, sử dụng thủ đoạn mị dân, núp dưới các khẩu hiệu “kế thừa các giá trị của Cách mạng Tháng Mười” và “trung thành với V. Lenin” để tiến hành một “cuộc cách mạng mới” mang tên “cải tổ”, kết hợp với việc sử dụng cơ chế lãnh đạo toàn trị của Đảng Cộng sản Liên Xô để hủy diệt chế độ xã chủ nghĩa.
Trong bài phát biểu nhân chuyến công tác ở thành phố Khabarovsk vào mùa hè năm 1986, M. Gorbachev tuyên bố rằng “cải tổ” có ý nghĩa như cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. M. Gorbachev hết lời ca ngợi Cách mạng Tháng Mười và những nhân vật lịch sử làm nên cuộc cách mạng này. Từ đó, M. Gorbachev hô hào vận dụng các tư tưởng của V. Lênin và Cách mạng Tháng Mười để tiến hành công cuộc cải tổ. Năm 1987, tại lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười, M. Gorbachev đọc bản báo cáo với tiêu đề "Tháng Mười và Cải tổ - cuộc cách mạng đang tiếp diễn". Trong cuốn sách Cải tổ và tư duy mới đối với đất nước ta và toàn thế giới, M. Gorbachev viết về cải tổ như là một chiến lược giải phóng tiềm năng của chủ nghĩa xã hội, đem lại cho chủ nghĩa xã hội “những giá trị mới” và “sức sống mới”, và ông gọi đó “một cuộc cách mạng mới”. Trong đó, M. Gorbachev đặc biệt chú ý tới khẩu hiệu “Tất cả quyền lực về tay các Xôviết” mà những người cộng sản Nga sử dụng khi tiến hành Cách mạng Tháng Mười. Về sau, núp dưới khẩu hiệu này, M. Gorbachev thực hiện chủ trương xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với nhà nước và xã hội Xôviết.
Vào thời điểm đó, nhiều ý kiến đã tỏ vẻ hoài nghi về tuyên bố của M. Gorbachev khi cho rằng cải tổ là một cuộc cách mạng. Theo A. Gromyko - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô (27/7/1985 - 01/10/1988), việc M. Gorbachev coi cải tổ là một cuộc cách mạng là ý tưởng nông nổi, gây ra hiểu lầm rằng cải tổ là sự phá hủy hoàn toàn cái cũ để tạo ra cái mới mà lẽ ra cải tổ chỉ là quá trình cải tiến và phát huy các tiềm năng của chủ nghĩa xã hội. Theo A. Gromyko, rõ ràng là ở Liên Xô vào thời điểm đó có nhiều khiếm khuyết và hạn chế cần phải được khắc phục, cải tiến và thay đổi chứ không phải là phá hủy cả một hệ thống chính trị - xã hội. Tuy nhiên, không một ủy viên Bộ Chính trị nào của Đảng Cộng sản Liên Xô dám công khai bày tỏ quan điểm phản đối M. Gorbachev đồng nhất cải tổ với một cuộc cách mạng.
Trên thực tế, M. Gorbachev giương cao khẩu hiệu “Tất cả quyền lực về tay các Xôviết” trong Cách mạng Tháng Mười nhằm mục đích duy nhất là che đậy âm mưu thâm độc thay đổi nội dung của Điều 6 Hiến pháp Liên Xô nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng Cộng sản trong hệ thống chính trị của Liên Xô, rút cuộc làm thay đổi căn bản hệ thống tư tưởng Xôviết, chống lại V. Lênin, Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa xã hội.
Núp dưới luận điểm của V. Lenin về việc “cán bộ quyết định tất cả” để lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo có khả năng hoàn thành sự nghiệp cải tổ, M. Gorbachev tiến hành cuộc chiến nhân sự chưa từng có trong toàn bộ lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô. Theo M. Solomentsev, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô (27/12/1983 - 30/9/1988), một trong những người đầu tiên bị M. Gorbachev loại khỏi Bộ Chính trị là G. Romanov - Bí thư thứ nhất Thành ủy Leningrad (16/9/1970 - 24/6/1983), N. Tikhonov - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (23/10/1980 - 27/9/1985) và B. Grishin - Bí thư thứ nhất Thành ủy Moscow (27/6/1967 - 24/12/1985), là những người trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Tại Đại hội lần thứ XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô vào đầu năm 1986, M. Gorbachev và A. Yakovlev - người được coi là “kiến trúc sư trưởng” công cuộc cải tổ, đã thay đổi đáng kể thành phần của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư bằng những người của họ, trong đó phần lớn là những người chịu ảnh hưởng tư tưởng của Hoa Kỳ và phương Tây. Đồng thời, M. Gorbachev hoàn toàn vô hiệu hóa bộ máy an ninh KGB.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (năm 1986), M. Gorbachev tuyên bố: “Cần mở rộng công khai. Không có công khai thì không có dân chủ, không có sáng tạo chính trị”. Tuyên bố này mở đường cho các phương tiện thông tin đại chúng xuyên tạc lịch sử Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa, công kích Đảng Cộng sản Liên Xô và Quân đội Liên Xô. Theo chỉ thị của A. Yakovlev, nhiều tổng biên tập các báo chủ chốt của Liên Xô như Sự thật, Tin tức, các tạp chí Thế giới mới, Ngọn cờ,… được thay thế bằng các tổng biên tập ủng hộ đường lối cải tổ. Năm 1987, M. Gorbachov khởi xướng trào lưu tư tưởng mới mang tên “Suy ngẫm lại lịch sử” với chủ trương công kích J. Stalin, phủ nhận thắng lợi của Liên Xô trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Tháng 3/1988, báo Nước Nga Xôviết đăng bức thư của bà Nina Andreyeva - giảng viên Học viện Khoa học kỹ thuật Leningrad, lên án trào lưu “Suy ngẫm lại lịch sử” và khẳng định mục tiêu hướng tới của trào lưu đó là phủ nhận các giá trị của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô. Ngay lập tức, M. Gorbachov triệu tập Hội nghị bất thường của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô để phản công các “thế lực chống đối cải tổ”. Ngày 05/4/1988, báo Sự thật (Pravda) - cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Liên Xô vào thời điểm đó đã thuộc quyền kiểm soát của tập đoàn phản động trong Đảng Cộng sản Liên Xô, đăng bài phản kích Nina Andreyeva, mở đầu chiến dịch của các cơ quan báo chí xuyên tạc toàn bộ lịch sử Liên Xô.
Được chủ trương “công khai hóa” cho phép, báo chí Liên Xô dưới sự chỉ đạo của A. Yakovlev và thực thi của các tổng biên tập ủng hộ đường lối cải tổ, từ ngấm ngầm đến công khai bắt đầu phê phán Cách mạng Tháng Mười, xuyên tạc lịch sử Liên Xô và Nga, khuếch trương các mặt trái về kinh tế - xã hội như điều kiện nhà ở xuống cấp, tệ nghiện rượu, nạn ma túy, tình trạng tham nhũng trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Trong khi đó, báo chí Liên Xô lại tán dương phương Tây. Trước sự tấn công dữ dội của báo chí, nhận thức của cán bộ, Đảng viên và người dân Liên Xô trở nên bi quan về chủ nghĩa xã hội nhưng lại nuôi ảo tưởng về "thiên đường Phương Tây”.
Trong những năm cải tổ, M. Gorbachev chủ trương đẩy mạnh sự tiếp xúc giữa công dân Liên Xô với công dân các nước phương Tây, trước hết là Hoa Kỳ, nới lỏng hạn chế du lịch, kinh doanh và giao lưu văn hóa với nước ngoài nhằm tạo ra làn sóng du nhập văn hóa và lối sống chạy theo chủ nghĩa cá nhân và tiêu thụ kiểu phương Tây vào Liên Xô. Trong khi đó, ở trong nước, tập đoàn lãnh đạo do M. Gorbachev đứng đầu chủ trương tạo ra tình trạng khan hiếm giả tạo về hàng tiêu dùng thiết yếu, khiến nhiều người dân Xôviết bị dao động về tư tưởng và ngày càng mất niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, vào Đảng và chính phủ Liên Xô. Trong khi đó, văn hóa Phương Tây được du nhập ồ ạt thông qua phim ảnh, sách, báo,... đã ảnh hưởng ngày càng sâu sắc về tư tưởng, đặc biệt là đối với giới trẻ, dẫn tới tâm lý sùng bái phương Tây ngày càng gia tăng và làm suy giảm niềm tin vào các giá trị của chủ nghĩa xã hội như “mình vì mọi người, mọi người vì mình” của người dân, từ đó hình thành tư tưởng chống Đảng và nhà nước Xôviết.
Trong lĩnh vực giáo dục, M.Gorbachev chỉ đạo bãi bỏ môn học về chủ nghĩa Mác - Lênin trong chương trình đào tạo của các trường đại học. Trong thời kỳ cải tổ, báo chí Liên Xô đã thực hiện được mục tiêu mà đội quân của Đức Quốc xã với hàng triệu binh sĩ tinh nhuệ nhất đã không thể thực hiện được khi xâm lược Liên Xô là đánh đổ Nhà nước Xôviết. Quân đội Đức có thiết bị kỹ thuật hàng đầu nhưng thiếu một thứ. Đó là hàng triệu ấn phẩm mang virus hủy diệt nhận thức tư tưởng của người nhân dân Xôviết”.
|
Chuyên khảo “Giải phẫu sự phản bội của M.Gorbachev” của V. Pavlov-cựu Thủ tướng Liên Xô, N. Ryzhkov-cựu Thủ tướng chính phủ Liên Xô và B. Oleinik– cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc của Xôviết tối cao Liên Xô (Ảnh NXB Janzen) |
Trong khi đó, núp dưới chiêu bài “thực hiện nghiêm túc nguyên tắc ký luật của Đảng”, M. Gorbachev đã ngăn cấm những tư duy lành mạnh và dân chủ trong Đảng và trong toàn xã hội, ngăn chặn mọi động thái chống cải tổ. A. Yakovlev chia sẻ trong hồi ký của mình: “Nhìn lại, tôi có thể tự hào mà nói rằng đó là chiến thuật thông minh nhưng đơn giản để hủy diệt hệ thống toàn trị của chủ nghĩa cộng sản”.
Rốt cuộc, ngoài nguyên nhân chủ quan là những khiếm khuyết của mô hình kinh tế và thể chế chính trị của Liên Xô chậm được khắc phục và đổi mới, thì một trong những nguyên nguyên khách quan chủ yếu dẫn sự tan rã Liên Xô là hậu quả của chiến lược “diễn biến hòa bình” của Mỹ kết hợp với quá trình “tự diễn biến” bên trong nội bộ Đảng và sự phản bội của tập đoàn lãnh đạo do M. Gorbachev và A. Yakovlev đứng đầu.
Trong cuốn sách được ấn hành năm 2010 với tựa đề “Juda. Giải phẫu sự phản bội của M.Gorbachev”, các tác giả gồm V. Pavlov-cựu Thủ tướng Liên Xô, N. Ryzhkov-cựu Thủ tướng chính phủ Liên Xô, B. Oleinik – cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc của Xôviết tối cao Liên Xô, thành viên chính thức của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Ucraina và là Chủ tịch Quỹ Văn hóa Ucraina đã lột tả toàn bộ con đường phản bội Liên Xô của M. Gorbachev. Theo họ, chính M. Gorbachev là tác giả kịch bản cuộc bạo loạn ngày 19/8/1991 do Ủy ban Tình trạng khẩn cấp tiến hành nhằm đẩy nhanh và kết thúc quá trình tan rã Liên bang Xôviết./.