Theo nghiên cứu thị trường của IQVIA, ngành dược phẩm của Việt Nam đạt giá trị 92.400 tỉ đồng trong năm 2018. Trong đó, thuốc nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường dược phẩm với 64% thị phần. Đặc biệt, các loại thuốc nhập khẩu chiếm hơn 71,5% sản lượng phân phối qua kênh bệnh viện, trong khi thuốc nội địa chỉ chiếm 28,5%.
Có thể thấy, các doanh nghiệp dược nghiên cứu, sáng chế và phát triển sản phẩm có thành phần từ thảo dược như CTCP Sao Thái Dương (Sao Thái Dương) hay Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dược phẩm Tâm Bình (Dược phẩm Tâm Bình) sẽ gặp nhiều thách thức khi cạnh tranh với thuốc ngoại hay các doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối thuốc ngoại.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Sao Thái Dương tiền thân là cơ sở Thái Dương, chính thức được thành lập vào tháng 5/2002 dưới sự dẫn dắt của DS. Nguyễn Hữu Thắng (SN 1971) và ThS.DS Nguyễn Thị Hương Liên.
Sau 18 năm ra mắt thị trường, đến nay, Sao Thái Dương đã và đang là thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam về sản xuất, kinh doanh dược mỹ phẩm và thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược với hơn 70 sản phẩm.
Còn Dược phẩm Tâm Bình tiền thân là Công ty TNHH Dược phẩm Phong Bà Giằng, được thành lập vào tháng 3/2007, do Tổng Giám đốc, DS. Lê Thị Bình (SN 1967) sáng lập.
Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, Dược phẩm Tâm Bình đã khẳng định được uy tín trên thị trường dược Việt Nam với các sản phẩm bào chế hoàn toàn từ thảo dược như: Viên Khớp Tâm Bình, Viên Gout Tâm Bình, Đại Tràng Tâm Bình, Thấp Diệu Nang Tâm Bình và Viên Tiêu Hóa Tâm Bình, …
Bên cạnh đó, Dược phẩm Tâm Bình cũng sở hữu nhà máy đạt chuẩn quốc tế GMP, có tổng diện tích hơn 8.200 m2 tại Khu công nghiệp Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội).
Là những doanh nghiệp dược có thâm niên và có độ phủ truyền thông lớn, cả Sao Thái Dương và Dược phẩm Tâm Bình đều từng nhận được nhiều giải thưởng tôn vinh những thành tích trong sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của 2 doanh nghiệp này vẫn ở mức khiêm tốn so với các “ông lớn” ngành dược đã niêm yết trên sàn chứng khoán như CTCP Traphaco (Mã CK: TRA), CTCP Dược Hậu Giang (Mã CK: DHG) hay CTCP Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco (Mã CK: PBC).
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, doanh thu và lợi nhuận của Sao Thái Dương vẫn tăng trưởng mạnh. Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Sao Thái Dương lần lượt đạt 69,3 tỉ đồng và 466,45 tỉ đồng; lãi thuần lần lượt ở mức 156,8 triệu đồng và 2,17 tỉ đồng.
Năm 2019, doanh thu thuần của Sao Thái Dương đạt 828,7 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 7,28 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 24% và 15% so với năm 2018.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Sao Thái Dương đạt 653 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 174 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 54% và 0,5% so với thời điểm đầu năm.
Còn Dược phẩm Tâm Bình, năm 2019, doanh thu thuần của doanh nghệp này đạt 41,75 tỉ đồng, tăng 75% so với năm trước; lỗ thuần ở mức 1,15 tỉ đồng, trong khi năm 2018 lãi 85 triệu đồng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Dược phẩm Tâm Bình đạt 80 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 76 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 33% và 58% so với thời điểm đầu năm.
Nên nhớ, Sao Thái Dương và Dược phẩm Tâm Bình là những doanh nghiệp tự sản xuất và phát triển các sản phẩm có thành phần từ thảo dược. Trong khi đó, TRA, DHG hay PBC lại cung cấp các sản phẩm thuốc tây.
Mặt khác, tâm lý người dùng hiện nay lại ưu tiên thuốc tây nên việc cạnh tranh thị phần của Sao Thái Dương và Dược phẩm Tâm Bình chịu nhiều thách thức, dẫn đến kết quả kinh doanh có phần khiêm tốn của cả 2 doanh nghiệp này./.