Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Dược phẩm Pharmacity (Pharmacity) là doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà thuốc bán lẻ dược phẩm cùng tên, xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ năm 2011.
Tính đến hết tháng 4/2019, số lượng nhà thuốc của Pharmacity đã tăng lên mức 186 cửa hàng, phân bổ tại các thành phố: Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Vũng Tàu và Hà Nội. Doanh nghiệp cũng “tích lũy” được 1 triệu khách hàng đăng ký chương trình thẻ thành viên.
Tuy nhiên, tham vọng của Pharmacity là hướng tới mục tiêu mở được 1.000 cửa hàng bán lẻ thuốc tây và thực phẩm chức năng trên toàn quốc vào năm 2021. Tạm tính, doanh nghiệp này sẽ phải tăng trung bình 271 cửa hàng/năm để đạt mục tiêu đề ra.
Mục tiêu của Pharmacity sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Bởi lẽ, lĩnh vực bán lẻ dược phẩm đã và đang thu hút khá nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư, như: chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế giới di động (MWG) hay nhà thuốc Long Châu của FPT Retail (FRT).
Thêm nữa, một số chỉ tiêu tài chính phần nào cho thấy doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Pharmacity vừa báo lỗ 265 tỷ đồng trong năm 2019. Quy mô vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm ngoái cũng chỉ ở mức 163 tỷ đồng.
Dù Pharmacity vẫn đang trong quá trình đẩy mạnh mở rộng các cửa hàng, việc báo lỗ (hay chấp nhận lỗ) là điều có thể hiểu được.
Song, các con số nêu trên vẫn rất đáng lưu ý nếu biết rằng, cập nhật đến ngày 30/12/2019, quy mô vốn điều lệ của Pharmacity ở mức gần 386,4 tỷ đồng. Tạm tính, Pharmacity đã “đốt” của các cổ đông gần 60% số vốn góp dù còn cách khá xa mục tiêu 1.000 cửa hàng.
Việc huy động thêm từ nguồn vốn vay nhiều khả năng cũng gặp khó khăn, bởi lẽ, tính đến cuối năm 2019, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Pharmacity đã khá cao, ở mức 3 lần.
Được biết, trong năm 2019, Pharmacity đã huy động được 150 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 2 năm từ 3 đợt phát hành.
Cả 3 lô trái phiếu đều có mục đích sử dụng vốn là mở rộng mạng lưới bán lẻ. Trong đó, các lô phát hành vào tháng 10 và 11 được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán SSI, có mức lãi suất là 13%/năm. Trái chủ là các nhà đầu tư cá nhân trong nước và nước ngoài.
Ngoài ra, trong tháng 5/2019, Quỹ Mekong Enterprise Fund III đã có thông báo về việc cam kết hỗ trợ tài chính cho Pharmacity nhưng không cho biết cụ thể quỹ đầu tư sẽ “hỗ trợ” thông qua việc góp vốn hay tài trợ tín dụng. Tới đầu năm 2020, truyền thông trong nước cho biết Pharmacity đã gọi vốn thành công gần 31,8 triệu USD (tương đương 730 tỷ đồng) và đặt mục tiêu mở mới 350 cửa hàng trong năm nay.
Đây sẽ là nguồn vốn bổ sung quan trọng, bởi việc huy động vốn của Pharmacity thông qua kênh trái phiếu sẽ khó có thể “thoải mái” như trước.
Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ đưa ra những thay đổi lớn về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) theo hình thức riêng lẻ, mục đích để bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ, cũng như hạn chế nguy cơ từ tình trạng lạm dụng huy động vốn qua kênh này.
Ở một diễn biến khác, dữ liệu của VietTimes cho thấy, tại ngày 20/6/2014, Pharmacity có quy mô vốn 20,86 tỷ đồng, với 5 cổ đông cá nhân.
Trong đó, bà Phạm Thị Thanh Hoài sở hữu 87,52% vốn điều lệ, đồng thời đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật. Dù cơ cấu cổ đông của Pharmacity có nhiều biến động sau đó nhưng nữ doanh nhân sinh năm 1987 hiện vẫn đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT của Pharmacity.
Ngoài Pharmacity, bà Phạm Thị Thanh Hoài còn nắm giữ cổ phần tại CTCP TR Infinity Pharma và CTCP TR Pharma Focus. Đây là 2 pháp nhân mới được thành lập vào tháng 11/2019, do bà Trần Minh Ngọc Thu (SN 1984) nắm cổ phần chi phối, đồng thời đảm nhiệm chức vụ giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Tuy nhiên, ngày 6/3/2020, bà Thu đã thế chấp lượng lớn cổ phần TR Infinity Pharma cho TR Best Pharma Pte. Ltd - một pháp nhân có địa chỉ tại Singapore. Tương tự, bà Phạm Thị Thanh Hoài ngày 13/3 đã thế chấp một lượng cổ phần CTCP TR Infinity Pharma và CTCP TR Pharma Focus cho TR Best Pharma Pte. Ltd./.