Liên tiếp nhiều trẻ nhỏ phải cấp cứu do ngộ độc thuốc và hoá chất tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chiều nay, 24/10, Bệnh viện Nhi Trung ương đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng gia tăng số trẻ em bị ngộ độc thuốc và hoá chất tại nhà, đồng thời, các bác sĩ hướng dẫn phụ huynh cách phòng ngừa, xử lý khi trẻ bị ngộ độc.

Bệnh nhân bị ngộ độc đang được điều trị tích cực
Bệnh nhân bị ngộ độc đang được điều trị tích cực

Cảnh báo ngộ độc thuốc và hoá chất với trẻ

Trong thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tiếp cấp cứu các bệnh nhi uống nhầm thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu, dầu hỏa, hóa chất tẩy rửa,… Có những trường hợp uống nhầm các chất gây nghiện, thuốc ngủ, thuốc an thần của người lớn,… dẫn đến các tổn thương rất nặng nề, thậm chí nguy kịch tính mạng.

Trước tình trạng này, BSCKI Phạm Văn Tuấn – Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây ngộ độc thuốc và hóa chất tại nhà đối với trẻ. Nhưng trước tiên phải nói đến việc người lớn bất cẩn không để thuốc và hóa chất ở nơi không an toàn, khiến trẻ ăn, uống nhầm.

“Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng ngộ độc ở trẻ. Việc cha mẹ bất cẩn, chủ quan đựng các dung dịch cọ rửa, thuốc chuột, cồn, xăng dầu,… vào các vỏ chai nước suối, nước ngọt, các chai lọ với màu sắc bắt mắt, hay để thuốc (giảm đau, an thần,…) ở những nơi dễ thấy, trong tầm tay với của trẻ (bàn ăn, bàn trang điểm, bàn làm việc,…) chính là mối nguy hiểm tiềm tàng về ngộ độc thuốc, hóa chất cho trẻ” – bác sĩ Phạm Văn Tuấn cho biết.

Cũng theo bác sĩ Tuấn, bệnh nhân ngộ độc gặp ở trẻ từ 1-5 tuổi. Đây là nhóm tuổi thích tò mò, khám phá nhưng lại chưa phân biệt được các loại hóa chất độc hại.

ngo doc 2.png
Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thuốc và hoá chất tại nhà đối với trẻ

Ngoài ra, việc trẻ ngộ độc còn do người lớn thiếu kiến thức trong việc dùng thuốc cho trẻ. Nhất là khi thấy con ốm, sốt, nhiều cha mẹ có thói quen tự mua thuốc điều trị theo kinh nghiệm của bản thân hoặc nghe theo lời mách bảo của người xung quanh, tự dùng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Nhiều trường hợp còn tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc, sử dụng lại đơn thuốc cũ, lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác dùng, thậm chí còn lấy thuốc của người lớn rồi tự phân liều cho trẻ uống,… Những điều này đều dẫn đến nguy cơ khiến trẻ ngộ độc thuốc.

Bên cạnh đó, còn có trường hợp ngộ độc có chủ đích do trẻ có ý định tự tử. Đây là tình trạng thường xảy ra ở tuổi tiền dậy thì (trên 10 tuổi), khi tâm sinh lý của trẻ bắt đầu có sự thay đổi, áp lực về học tập, xung đột với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, những người xung quanh có thể khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương nhưng không được giãi bày, chia sẻ để có định hướng đúng đắn, khiến trẻ có những suy nghĩ tiêu cực.

Về triệu chứng ngộ độc, thông thường trẻ bị ngộ độc qua 3 con đường gồm: ngộ độc qua da và niêm mạc do tiếp xúc trực tiếp với hóa chất; qua đường tiêu hóa do uống và qua đường hô hấp do hít phải chất độc. Với mỗi con đường nhiễm độc, trẻ sẽ có những biểu hiện như: trên da xuất hiện nhiều nốt sưng đỏ và nốt phỏng; trẻ nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, quấy khóc

Biểu hiện về hô hấp: ho, kích thích, khò khè, khó thở. Đặc biệt, khi bị nhiễm độc nặng, trẻ thường thở nhanh hoặc thở chậm hơn bình thường, tím tái, co giật, li bì, hôn mê

Phụ huynh cần làm gì khi trẻ bị ngộ độc và cách phòng ngừa

Để xử lý đúng cách khi trẻ bị ngộ độc thuốc và hóa chất, các bậc phụ huynh cần nhanh chóng tách trẻ ra khỏi các chất có nguy cơ gây ngộ độc; gọi cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất. Khi đưa trẻ đến cơ sở y tế, phụ huynh nên cầm theo thuốc hoặc hóa chất nghi ngờ gây ngộ độc cho trẻ, điều này sẽ giúp cho bác sĩ gợi ý được nguyên nhân và có phương án giải độc phù hợp.

Trong khi chờ đợi đưa trẻ đến cơ sở y tế, cha mẹ nên sơ cứu ban đầu cho trẻ bằng cách tháo bỏ ngay quần áo bị dính hóa chất, đồng thời rửa vùng cơ thể tiếp xúc với hóa chất của trẻ liên tục dưới vòi nước sạch (nếu bị nhiễm độc qua da); trường hợp hóa chất vào mắt, cần rửa mắt bằng cách ngụp mặt vào chậu nước và chớp mắt liên tục, nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ.

Nếu bị nhiễm độc qua đường tiêu hóa, phụ huynh cần kê cao đầu hoặc giữ trẻ ở tư thế ngồi nếu trẻ còn tỉnh táo, trường hợp trẻ bị bất tỉnh thì cho nằm nghiêng bên trái. Điều này sẽ giúp trẻ đỡ bị sặc, đồng thời khi trẻ nôn ói nhiều, các chất trong dạ dày sẽ không trào lên thực quản, rồi vào khí phế quản, vào phổi gây nguy hiểm cho trẻ.

ngo doc 1.png
Hướng dẫn xử trí của bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương khi trẻ bị ngộ độc

Nếu thấy trẻ tỉnh táo, chưa bị nôn trớ, còn phản ứng tốt, cha mẹ dùng ngón tay của mình (tốt nhất nên quấn thêm miếng gạc mềm, sạch) kích thích vào vùng sàn họng trẻ (chỗ lưỡi gà), giúp trẻ có thể nôn để loại bớt chất độc hại ra ngoài cơ thể. Chú ý động tác kích thích gây nôn cần nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương vùng họng của trẻ. Tuy nhiên, tuyệt đối không gây nôn cho trẻ trong trường hợp trẻ hôn mê, li bì, co giật hoặc nghi ngờ uống phải các hóa chất có tính chất ăn mòn như axit, bazơ, xăng dầu,… Bên cạnh đó, cha mẹ nên cho trẻ uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải.

Nếu bị nhiễm độc qua đường hô hấp, các bậc phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi khu vực có hóa chất gây độc, xịt mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý, sau đó cho trẻ súc miệng nhiều lần.

Để giúp trẻ tránh nguy cơ ngộ độc thuốc, hóa chất, bác sĩ Phạm Văn Tuấn – khuyến cáo các bậc phụ huynh nên để thuốc, hóa chất độc hại tránh xa tầm tay của trẻ. Không đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống, các chai lọ có màu sắc bắt mắt thu hút sự chú ý của trẻ, tránh nhầm lẫn. Không để chung thuốc uống với thuốc khử khuẩn hay các loại chai lọ hóa chất khác. Không tự ý mua thuốc hay cho con uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Phải dùng thuốc theo đúng đơn và đúng liều lượng của bác sĩ cho mỗi lần khám.

Bên cạnh đó, thuốc nên được bảo quản trong lọ kín, có nhãn ghi tên thuốc, hạn sử dụng rõ ràng. Định kỳ làm vệ sinh tủ thuốc gia đình, vứt bỏ thuốc quá hạn dùng, thuốc bị hỏng.

Riêng đối với các bé ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo cần có người lớn hoặc các anh chị lớn theo dõi và chăm sóc khi vui chơi. Với những trẻ lớn hơn, cha mẹ cần dạy trẻ về những loại hóa chất độc hại và cách nhận diện, phân biệt với các loại đồ ăn có hình dáng tương tự.