Liên quân Mỹ ồ ạt tấn công Syria: Sự nhẫn nhịn của Nga đã vượt qua mọi giới hạn!

VietTimes -- Chiến dịch tấn công quân sự Syria của liên quân Mỹ-Anh-Pháp ngày 14/4/2018 mượn cớ dàn dựng quốc gia Trung Đông này “được Nga bao che và ủng hộ đã sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường” có tác động như giọt nước làm tràn li khiến sự nhẫn nhịn của Nga đã vượt qua mọi giới hạn. Giờ là lúc Nga sẽ hành động và là hành động kiên quyết với “trái tim nóng và cái đầu lạnh”.
Liên quân Mỹ-Anh-Pháp ồ ạt tấn công Syria rạng sáng ngày 14/4 vừa qua
Liên quân Mỹ-Anh-Pháp ồ ạt tấn công Syria rạng sáng ngày 14/4 vừa qua

Cách tạo dựng nguyên cớ kiểu “vũ khí hủy diệt Iraq”

Kể từ khi bùng phát cuộc xung đột Syria từ đầu năm 2011 tới nay, Mỹ đứng đầu các nước phương Tây ít nhất đã 4 lần cáo buộc vô căn cứ quân đội quốc gia này sử dụng vũ khí hóa học. Đáng chú ý là tất cả những lần cáo buộc đó đều được đưa dựng lên vào thời điểm quân đội Syria chiếm ưu thế trên chiến trường và đang dồn các tổ chức khủng bố vào thế đứng trước nguy cơ bị đánh bại. Rõ ràng là Syria không có bất cứ lý do gì để sử dụng vũ khí hóa học trong điều kiện đang thắng thế.

Đến năm 2013, theo sáng kiến của Nga, Syria cam kết hủy bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học. Trên cơ sở đó, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua Nghị quyết 2118 ngày 27/9/2013, trong đó xác định rõ, bất cứ hành động can thiệp quân sự nào vào Syria với lý do sử dụng vũ khí hóa học chỉ có thể được tiến hành sau khi đã được LHQ điều tra xác minh ai là thủ phạm. Thế nhưng từ năm 2013, “các lực lượng đối lập” được phương Tây chống lưng đã nhiều lần gây hấn, cáo buộc vô căn cứ rằng “quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường”.  

Từ cuối năm 2017 đầu năm 2018, quân đội Syria đã mở đợt tiến công chiến lược nhằm vào sào huyệt then chốt cuối cùng của các tổ chức khủng bố ở Đông Ghouta (ngoại ô thủ đô Damascus) và bắt làm tù binh nhiều cố vấn quân sự đến từ một số nước thành viên NATO. Hoảng hốt trước thất bại này, Mỹ đứng đầu các nước phương Tây tìm cách can thiệp quân sự trực tiếp để cứu nguy, nhưng lần này có gắn thêm yếu tố Nga: “Syria được Nga bao che và chống lưng sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân tường”.  

Để thu hút dư luận tin vào câu chuyện hoang đường này, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) phối hợp với Cục tình báo Anh (MI6) dàn dựng ra chuyện “Nga sử dụng vũ khí hóa học sát hại cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal” vào ngày 4/3/2018. Để tạo ấn tượng mạnh về yếu tố Nga, Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh “Nga sử dụng vũ khí hóa học tấn công nước Anh-một thành viên NATO” và là “lần đầu tiên vũ khí hóa học được sử dụng ở Châu Âu”.

Trong bài phát biểu tại Quốc hội Anh về sự kiện Sergei Skripal, bà Theresa May còn ngang nhiên tuyên bố, nếu Nga không “nhận tội” thì Anh kêu gọi các nước sẽ “bắt sống” tất cả các tàu ngầm của Nga đang hoạt động ở bất cứ đâu trên đại dương thế giới. Theo bà Theresa May, chỉ có thể bằng cách tước đoạt sức mạnh quân sự của Nga thì họ mới chịu công nhận mình “có tội” trong vụ Sergei Skripal.

Trong khi đó, đại diện của Mỹ ở LHQ Nikki Haley tuyên bố:“Nga cần phải nhận tội để nhận được sự hợp tác có lợi với phương Tây mà không nên yêu cầu bằng chứng”. Vì thế, đại diện của Nga tại LHQ gọi cáo buộc “Nga sử dụng vũ khí hóa học sát hại cựu điệp viên Sergei Skripal” là trơ trẽn và lố bịch”.

Vừa qua, phát biểu tại phiên họp của Hội đồng điều hành của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW), đại diện thường trực Nga đã công bố tài liệu của Cơ quan cấp bằng sáng chế và thương hiệu của Mỹ (United States Patent and Trademark Office), cấp ngày 1/12/2015, chứng tỏ chất độc sử dụng trong vụ đầu độc Sergei Skripal được cấp bằng sáng chế tại Mỹ.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức Willie Wimmer và là cựu Chủ tịch nghị viện Tổ chức hợp tác và an ninh châu Âu nhận định:“Trong việc cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ Sergei Skripal, nhà cầm quyền Anh hành động vi phạm trắng trợn các chuẩn mực pháp luật châu Âu hiện tại”.  

Tuy vụ Sergei Skripal tuy nghiêm trọng là thế nhưng cũng chỉ là “khúc dạo đầu” của một kịch bản lớn hơn là Mỹ và đồng minh cáo buộc “Syria được Nga bảo lãnh và ủng hộ đã sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường”. Những ai am hiểu luật pháp quốc tế đều có thể nhận thấy rất rõ, sự cáo buộc này của Mỹ và phương Tây vi phạm thô bạo Nghị quyết 2118 của HĐBA LHQ. Vì thế, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố chiến dịch quân sự tấn công Syria ngày 14/4/2018 là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.  

Nga tuyên bố, họ có trong tay bằng chứng khẳng định sự cáo buộc “Syria sử dụng vũ khí hóa học” là giả và cho biết Syria và Nga đã bắt giữ được những kẻ dàn dựng băng video về cảnh tượng được cho là “Syria sử dụng vũ khí hóa học” và họ đã khai nhận.

Chính Mỹ và đồng minh sử dụng hình ảnh trong video này như là “bằng chứng không thể chối cãi” về việc “Syria được Nga bao che đã sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường”. Còn cựu chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Anh khẳng định, không một ai  trong số các chuyên gia quân sự tin rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta.

Với tổng thống Putin, thời Mỹ-phương Tây "đè đầu cưỡi cổ" Nga đã kết thúc

Đứng trước yêu cầu của Nga đòi nhà cầm quyền London đưa ra bằng chứng về vụ Sergei Skripal, ông Paul Craig Roberts, nguyên Cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Mỹ Ronand Reagan, nhận định, Anh, Mỹ và các nước phương Tây không cần bằng chứng bởi họ luôn tự cho mình “đứng về phía đúng của lịch sử”, còn Nga “là kẻ đi ngược chiều lịch sử”. Vì thế, Matxcơva không nên nghĩ rằng phương Tây có thể đưa ra bằng chứng bởi họ sẽ chẳng có bằng chứng nào cả. Nếu người Nga tin rằng họ sẽ thắng trong cuộc chiến vì công lý với phương Tây mà không chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với những vụ gây hấn và cáo buộc tiếp theo còn khủng khiếp hơn, thì sẽ là ảo tưởng sai lầm lớn.

Thêm một cách giải thích trái ngược với thực tế về “chiến thắng của Mỹ”

Ngay sau khi ngừng chiến dịch không kích Syria, thế giới đã từng được biết Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng trong đòn tấn công quân sự Syria ngày 14/4/2018, Mỹ đã giành được “chiến thắng hoàn hảo, không thể tốt hơn”. Còn giới quân sự Mỹ thì giải thích rằng, chiến thắng của Mỹ là do lực lượng phòng không của Syria được Nga xây dựng là quá yếu kém, lạc hậu, không đánh chặn được một tên lửa nào của liên quân do Mỹ chỉ huy.

Đáng chú ý là Bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ Steven Mnuchin lại có một cách giải thích khác về “chiến thắng” của Mỹ trong chiến dịch không kích Syria ngày 14/4/2018. Theo ông Steven Mnuchin, Nga không dám hành động và đang thua ở Syria là do nền kinh tế của họ đã bị “vỡ vụn trước các biến pháp cấm vận gắt gao chưa từng có của Mỹ”.  

Cách giải thích này của ông Steven Mnuchin không có gì mới mà chỉ lặp lại y nguyên quan điểm của cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra vào năm 2015 về nền kinh tế Nga sau khi bị Mỹ cấm vận liên quan đến cuộc khủng hoảng Ucraina. Ông Obama cho rằng, dưới sức ép cấm vận của Mỹ, nền kinh tế Nga đã bị “vỡ vụn” và Matxcơva không sớm thì muộn sẽ phải trao trả lại Crimea cho Ukraine và ngừng ủng hộ lực lượng nổi dậy ở vùng Donbass.

Thậm chí, giới cầm quyền ở Washington còn cho rằng do nền kinh tế bị “vỡ vụn” dưới tác động của cấm vận, chiến dịch quân sự của Nga ở Syria sẽ thất bại và Matxcơva sẽ gặp phải “Afghanistan thứ hai” như Liên Xô trong những năm 1980. Còn ở trong nước, do bị Mỹ cấm vận, đời sống người dân Nga sẽ lâm vào khốn quẫn và họ sẽ xuống đường biểu tình để lật đổ Tổng thống V.Putin. Từ đó, “vấn đề Nga” sẽ kết thúc vĩnh viễn trong chương trình nghị sự chính trị của Mỹ! Quả là một kịch bản hoàn hảo.

Trên thực tế thì sao? Nền kinh tế Nga tiếp tục phát triển, tỷ lệ người dân Nga ủng hộ Tổng thống V.Putin ngày càng cao như đã được chứng tỏ trong cuộc bầu cử ngày 18/3/2018, trong đó V.Putin giành được trên 76% số phiếu ủng hộ. Do tiềm lực kinh tế vững mạnh, Nga đã nghiên cứu phát triển và đưa vào trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại thuộc loại độc nhất vô nhị, đủ sức đập tan mọi hành động chiến tranh xâm lược ở bất cứ quy mô nào như đã được giới thiệu trong thông điệp của V.Putin ngày 1/3/2018.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ và các nước châu Âu bị thiệt hại không nhỏ từ các biện pháp cấm vận của họ áp đặt chống phá Nga. Vì thế, ngày 19/4/2018, Bộ trưởng tài chính Đức Olaf Scholz gửi kiến nghị tới Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị cho phép thương mại Đức được tách ra khỏi các chế tài trừng phạt áp đặt với Nga bởi nền kinh tế Đức bị thiệt hại quá lớn từ các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây.  

Trên thực tế, trong cuộc đối đầu quân sự ngày 14/4/2018, vũ khí của Nga trang bị cho quân đội Syria đã tiêu diệt và vô hiệu hóa 71 trong số 105 tên lửa Tomahawk và các loại bom điều khiển từ xa của liên quân Mỹ-Anh-Pháp trong. Trong số đó có 2 tên lửa Tomahawk của Mỹ đã bị quân đội Syria “bắt sống” và chuyển giao cho phía Nga. Nếu Mỹ và liên quân Anh-Pháp không bị thất bại trong đợt không kích này, họ sẽ không ngừng chiến ở đó mà sẽ dấn tới, tạo điều kiện cho các lực lượng khủng bố tổ chức lại đội hình và mở các đòn phản công để lập lại thế cờ trên chiến trường Syria.

Thời kỳ Nga nhẫn nhịn Mỹ và phương Tây đã kết thúc

Trả lời câu hỏi của người dân rằng nước Nga có thể chịu đựng được cách hành xử vô lối của các “đối tác” phương Tây tới khi nào, Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, vấn đề này đã được Tổng thống Nga V.Putin giải thích rõ trong Thông điệp liên bang ngày 1/3/2018. Trong đó, ông V.Putin cho biết: “Nước Nga có truyền thống nhẫn nhịn, nhưng đến khi người ta quá lạm dụng sự nhẫn nhịn đó thì chính họ phải gánh chịu hậu quả tồi tệ. Từ năm 1991, đã nhiều lần chúng ta bày tỏ thiện chí nhưng đều không nhận được sự hồi âm. Vậy thì bây giờ họ không thể không nghe bởi thời kỳ nhẫn nhịn của Nga đã kết thúc”.  

Trả lời câu hỏi của nhà báo Mỹ Mergin Kelli  tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Sat-Peterburg năm 2017, Tổng thống V.Putin nhận định rằng, việc Matxcơva bị đối thủ cũ trong Chiến tranh lạnh coi Nga là “kẻ chiến bại”, bị yếu thế và ra sức lợi dụng lòng tốt của người Nga, dồn ép Matxcơva đến tận cùng. Đến nay, thời kỳ đó đã kết thúc”. Đã đến lúc người Mỹ nên chấm dứt lối hành xử theo kiểu “vừa ngồi đầu cưỡi cổ người Nga vừa rung đùi và nhai kẹo cao su”!