27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đồng ủng hộ đề xuất của Ủy ban châu Âu về kế hoạch thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn nội địa trong bối cảnh thiếu hụt chip toàn cầu. Cộng hòa Séc, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên EU, trả lời phỏng vấn của Reuters cho biết, các đặc phái viên EU nhất trí ủng hộ một phiên bản sửa đổi của đề xuất của Ủy ban châu Âu, cho phép nhà nước trợ cấp cho một loạt các chip hơn chứ không chỉ những chip tiên tiến nhất.
Đây là động thái mới nhất trong khuôn khổ thuộc Đạo luật chip châu Âu, được công bố vào đầu năm 2022 nhằm mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh và khả năng ổn định của châu Âu trong lĩnh vực bán dẫn, đặt mục tiêu tăng gấp đôi thị phần hiện tại của EU lên khoảng 20% sản lượng linh kiện bán dẫn toàn cầu vào năm 2030. Hiện tại, châu Âu chỉ sản xuất 8% thị phần bán dẫn trên toàn cầu.
Thỏa thuận sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của các nhà máy sản xuất chip, được coi là "đầu tiên" và đủ điều kiện nhận viện trợ của nhà nước, nhưng không cho phép tất cả các nhà máy sản xuất chip ô tô nhận tiền hỗ trợ, điều mà một số quốc gia đã yêu cầu vào đầu năm 2022.
Phiên bản mới nhất đề xuất của Ủy ban Châu Âu cũng bổ sung thêm những biện pháp bảo vệ, khi nào cơ quan hành pháp của EU có thể kích hoạt tình trạng khẩn cấp và can thiệp vào chuỗi cung ứng của các công ty. Đề xuất sửa đổi cũng sẽ cho phép nhà nước trợ cấp cho một loạt các thiết kế chip có sự đổi mới đột phá về sức mạnh tính toán, hiệu quả năng lượng, bền vững cho môi trường và trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, một số điểm của đề xuất vẫn có thể đối mặt với một số chỉ trích, đặc biệt là khi vấn đề liên quan đến phân bổ các quỹ của EU.
Trong sự đồng thuận mới nhất, các quốc gia trong khối đã đồng ý không phân bổ lại 400 triệu euro quỹ nghiên cứu từ chương trình nghiên cứu Horizon Europe cho chất bán dẫn, sau khi có những lo ngại cho rằng, khoản ngân sách này sẽ chỉ mang lại lợi ích cho những quốc gia có cơ sở hạ tầng sản xuất lớn.
Đề xuất này sẽ cần được Nghị viện châu Âu thảo luận và thông qua trước khi chính thức có hiệu lực. Một số công ty đã bày tỏ sự quan tâm đến các dự án xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn mới ở châu Âu như Intel Corp., GlobalFoundries Inc., STMicroelectronics NV và Infineon Technologies AG.
Các công ty châu Âu mong muốn tăng cường khả năng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chất bán dẫn mà sự thiếu hụt đã gây ra hỗn loạn trong nhiều ngành công nghiệp trên cơ sở công nghệ này như các nhà sản xuất ô tô, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khai thác viễn thông. Các tập đoàn công nghệ lớn Apple và Ford buộc phải tạm dừng sản xuất, đối mặt với khoản lỗ hàng tỷ USD từ doanh thu dự kiến.
Đầu năm 2022, Raimondo cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng chip toàn cầu dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2023và có lẽ lâu hơn khi ngành sản xuất vẫn phải tăng cường công suất để theo kịp nhu cầu.
Theo E&T