Liên minh báo chí APIG của Pháp ngày 20/11 đã gửi khiếu nại lên cơ quan cạnh tranh của nước này về việc "người khổng lồ" Internet Google của Mỹ là từ chối trả tiền cho việc hiển thị nội dung các bài báo của họ.
Động thái này được đưa ra sau khi điều luật mới của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các "đại gia" Internet phải trả tiền cho những nội dung báo chí hiển thị trong kết quả tìm kiếm.
Mục tiêu của điều luật này là đảm bảo các công ty truyền thông được trả phí cho những nội dung gốc được sử dụng và hiển thị trong kết quả tìm kiếm của Google, Facebook và các "gã khổng lồ" công nghệ khác đang thống trị thị trường quảng cáo trực tuyến.
Hồi đầu năm nay, Pháp đã chính thức trở thành quốc gia đầu tiên thông qua dự luật trên.
Liên minh báo chí APIG - tổ chức tập hợp hàng chục tờ báo quốc gia và khu vực cũng như liên minh các biên tập viên - mới đây đã đưa ra một khiếu nại riêng biệt với lập luận rằng Google đang lách luật.
Quy định mới của EU bao gồm những quyền liên quan để đảm bảo hình thức bảo vệ bản quyền và bồi thường cho các công ty truyền thông khi nội dung của họ được sử dụng trên các trang web, công cụ tìm kiếm và nền tảng mạng xã hội.
Nhưng Google - công ty gần như nắm giữ độc quyền về dịch vụ tìm kiếm trên Internet - cho biết các bài báo, hình ảnh và video sẽ chỉ được hiển thị trong kết quả tìm kiếm nếu các công ty truyền thông đồng ý cho phép họ sử dụng chúng miễn phí.
Nếu các công ty này từ chối, Google cho biết sẽ chỉ có một tiêu đề và một địa chỉ liên kết đến nội dung các bài báo. Theo Google, điều này gần như chắc chắn sẽ khiến độ lan tỏa và doanh thu quảng cáo tiềm năng của các nhà xuất bản bị giảm thiểu.
Trong đơn khiếu nại gửi lên Cơ quan Cạnh tranh của Pháp, nơi cũng đang tiến hành một cuộc điều tra đối với Google, các tổ chức truyền thông cho biết "đại gia" Internet đang lạm dụng vị trí thống lĩnh của họ trên thị trường. Google đã bác bỏ các lời cáo buộc của những tổ chức trên nhưng hứa sẽ hợp tác với chính quyền.
Trong một tuyên bố mới nhất về vấn đề này công bố hồi tháng trước, Google cho rằng họ đang giúp người dùng Internet có thể tìm nội dung tin tức từ nhiều nguồn khác nhau và kết quả tìm kiếm luôn luôn dựa trên sự liên quan, không phải những thỏa thuận về thương mại.
Google cũng nhấn mạnh rằng các nhà xuất bản tin tức chưa bao giờ có nhiều sự lựa chọn như vậy về cách thức nội dung của họ được hiển thị trên Google.
Công ty này cũng cho rằng các điều luật không hề áp đặt mức phí cho việc đăng những đường liên kết, đồng thời các nhà xuất bản tin tức châu Âu đã thu được những giá trị đáng kể từ 8 tỷ lượt truy cập họ nhận được mỗi tháng từ những người dùng Internet tìm kiếm trên Google.