Libra thách thức chính sách tiền tệ các nước

Khi một đồng tiền mật mã xuyên quốc gia như Libra, hay JPM Coin, Finality được sử dụng rộng rãi thì ảnh hưởng của nó vào hệ thống thanh toán và chính sách tiền tệ của một quốc gia sẽ như thế nào?

Thời gian qua giới công nghệ và tài chính xôn xao vụ Facebook cùng 27 đối tác khác công bố kế hoạch triển khai một đồng tiền mật mã (cryptocurrency) gọi là Libra. Đồng tiền này có thể xếp vào loại “stablecoin”, nghĩa là nó có một cơ chế neo giữ giá trị tương đối ổn định với các đồng tiền thật của các quốc gia chứ không trồi sụt quá mạnh như Bitcoin.

Sở dĩ dự án này gây tiếng vang và gặp nhiều phản ứng từ cả cộng đồng lẫn chính quyền một số nước là do độ lớn và tham vọng của Facebook. Những tai tiếng gần đây của công ty này cũng làm nhiều người lo ngại dữ liệu cá nhân của mình sẽ bị lạm dụng nếu họ sử dụng Libra. Tạm bỏ qua những vấn đề đó, khi một đồng tiền mật mã xuyên quốc gia như Libra, hay JPM Coin, Finality được sử dụng rộng rãi thì ảnh hưởng của nó vào hệ thống thanh toán và chính sách tiền tệ của một quốc gia sẽ như thế nào?

Đắt, rẻ trước cái giá - chính sách tiền tệ quốc gia

Sách trắng của liên minh phát hành Libra (Libra Associate) cho rằng đồng tiền này sẽ không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của các quốc gia vì mỗi đồng Libra được tạo ra phải được đảm bảo bằng một lượng tiền thực cố định.

GS. Tyler Cowen (Đại học George Mason) chỉ ra lập luận này là một cách xào xáo lại “real bill doctrine”, một lý thuyết tiền tệ đã được giới kinh tế tranh luận và phản bác hàng thế kỷ nay. Cho dù mỗi đồng Libra được bảo đảm bằng một đồng tiền thật, khi hệ sinh thái của nó đủ lớn và phức tạp, trở thành một “shadow banking system”, thì hoạt động nội tại của nó sẽ làm thay đổi tổng phương tiện thanh toán trong một nền kinh tế.

Nghĩa là không sớm thì muộn Libra cũng sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của các quốc gia nơi nó được lưu hành, ít nhất là làm cho chính sách tiền tệ ở những nơi đó ít hiệu quả hơn. Đặc biệt ở những nước đang phát triển có lạm phát cao, Libra, với tính ổn định của nó, sẽ dễ dàng trở thành một đồng tiền thứ hai tương tự như vàng hay ngoại hối mà các nhà kinh tế vẫn gọi là quá trình đô la hóa.

Sự xuất hiện của Libra, dù mới chỉ là dự án, cho thấy khái niệm tiền tệ và cấu trúc thanh toán quốc gia lẫn quốc tế đã không còn như trước.

Ngay cả nếu dự án Libra thất bại, không sớm thì muộn một đồng tiền mật mã khác do một liên minh khác hậu thuẫn sẽ lại xuất hiện.

Tuy nhiên, đô la hóa không phải lúc nào cũng xấu. Một số quốc gia không kiểm soát được cung tiền dẫn đến siêu lạm phát như Argentina, Zimbabwe đã phải chủ động sử dụng một đồng tiền nước ngoài (đô la Mỹ), nói nôm na là từ bỏ hoàn toàn quyền định đoạt chính sách tiền tệ của mình, để khôi phục lại ổn định kinh tế.

Libra, nếu trở thành một đồng tiền quốc tế phi chính trị thực sự, sẽ là một lựa chọn an toàn hơn đồng đô la Mỹ cho những quốc gia như vậy trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng sử dụng thị trường tài chính làm một loại vũ khí chống lại các quốc gia thù nghịch.

Nhưng ngay cả khi lạm phát không phải là vấn đề, nếu Libra trở thành một giải pháp thanh toán đơn giản và hiệu quả cho những nước nghèo, nơi mà hệ thống ngân hàng truyền thống chưa phát triển, thì sự trả giá bằng tính độc lập của chính sách tiền tệ có lẽ không phải quá đắt, nhất là khi năng lực của ngân hàng trung ương chưa tốt.

Trên thực tế, việc Facebook sử dụng công nghệ blockchain làm nền tảng cho Libra không chỉ vì muốn nó trở thành một đồng tiền quốc tế (không phụ thuộc vào các chính phủ) mà còn để hệ thống thanh toán đi cùng với nó có thể lan tỏa dễ dàng ở bất kỳ đâu có kết nối Internet.

Facebook rút ra bài học từ thất bại của chính mình khi đã từng đưa ra giải pháp Facebook Credit vẫn phải gắn với cơ sở hạ tầng ngân hàng truyền thống. Chính sách trắng của Libra cũng nhấn mạnh vào lợi ích của kênh thanh toán mới này chứ không hẳn vì đồng Libra ổn định hơn các đồng tiền yếu. Cấu trúc phi tập trung của hệ thống Libra (nhờ vào công nghệ blockchain) giúp cho nó có khả năng chống chọi các cuộc tấn công mạng và duy trì hoạt động ngay cả khi một số đầu mối dịch vụ bị tấn công hoặc bị trục trặc.

Ngay cả ở các nước phát triển, nếu hệ thống thanh toán Libra thành công như được thiết kế, người dân và doanh nghiệp sẽ có một lựa chọn an toàn, tiện lợi và nhiều khả năng rẻ hơn các kênh thanh toán truyền thống như Visa, Master hay các kênh công nghệ mới như Apple Pay, Samsung Pay.

Khác với Bitcoin và các đồng tiền mật mã khác phải phát triển hệ thống thanh toán từ con số không, Libra được dự định phát hành ngay trên hạ tầng hai mạng lưới thông tin hiện hữu của Facebook (Messenger và WhatsApp) đã có gần 2 tỉ người sử dụng. Bên cạnh đó, 27 thành viên sáng lập Libra khác bên cạnh Facebook (dự kiến sẽ tăng lên 100) trải rộng trong nhiều lĩnh vực sẽ tạo ra hiệu ứng kết nối (networking effect) ngay từ ngày đầu của đồng Libra.

Người tiêu dùng chuyển một phần ví tiền của mình từ tiền thật sang Libra có thể thanh toán ngay cho một số loại hàng hóa và dịch vụ phổ thông chứ không cần đợi mạng thanh toán này lan tỏa. Với sức mạnh tài chính và kinh nghiệm phát triển thị trường của 28 thành viên sáng lập đó, khó có thể nghi ngờ sức cạnh tranh của đồng Libra khi nó chính thức ra đời.

Dù chưa có ngân hàng nào tham gia vào liên minh sáng lập, sự góp mặt của những “ông kẹ” về giải pháp thanh toán hiện hữu như Visa, Master hay Paypal khẳng định “đẳng cấp” của kênh thanh toán này dù nó vẫn còn trên giấy.

Mặt trái của kênh thanh toán Libra

Nhưng kênh thanh toán Libra không phải không có mặt trái. Những hoài nghi đầu tiên từ phía các nhà quản lý của các nước là hệ thống này sẽ bị lợi dụng cho các hoạt động rửa tiền, chuyển tiền trái phép. Hầu hết các nước phát triển đang gia tăng quy định KYC/AML(*) trong hệ thống ngân hàng. Dù sách trắng của Libra khẳng định sẽ tuân thủ những quy định này, không khó có thể thấy tiền mật mã với yếu tố bảo mật cao là một công cụ đắc lực cho giới tội phạm luân chuyển dòng tiền bẩn.

GS. Joseph Stiglitz (Đại học Columbia) cho rằng đây là khiếm khuyết khó có thể khắc phục nên các nước nên cấm tất cả các đồng tiền mật mã. Quan trọng hơn, với vai trò nổi bật của Facebook trong liên minh phát triển Libra trong khi công ty này đã dính vào nhiều vụ lạm dụng/tiết lộ thông tin khách hàng, các chính trị gia ở cả Mỹ lẫn châu Âu đang nghi ngại Libra sẽ làm vấn nạn vi phạm quyền riêng tư tồi tệ hơn.

Bà Maxine Waters, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ, đã lên tiếng yêu cầu Facebook tạm ngừng phát triển Libra cho đến khi các cơ quan chức năng điều tra để hiểu rõ cơ chế hoạt động và đặc thù hệ thống thanh toán của nó.

Đối với Việt Nam thì sao? Cho đến thời điểm này, cơn ác mộng siêu lạm phát đã qua, hệ thống ngân hàng đã tương đối phát triển, nhiều giải pháp thanh toán song song với hệ thống ngân hàng truyền thống cũng đang được các doanh nghiệp công nghệ tài chính (FinTech) triển khai.

Nếu các dịch vụ xung quanh Libra ở Việt Nam không phát triển thành một dạng “shadow banking” thì cũng không có gì đáng ngại về việc nó sẽ làm giảm hiệu quả chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ngay cả khi lượng Libra do người dân và doanh nghiệp nắm giữ tương đối lớn, điều đó chỉ tương đương một phần dự trữ ngoại hối quốc gia chuyển từ quản lý của NHNN sang các tài khoản cá nhân và doanh nghiệp. Điều này thậm chí còn có lợi trong bối cảnh Việt Nam đang bị Mỹ cho vào tầm ngắm những quốc gia thao túng tỷ giá.

Thời điểm này vẫn còn quá sớm để lo ngại hay hoan hỉ với sự ra đời của đồng Libra. Các nhà quản lý trên thế giới và ở Việt Nam cần tìm hiểu kỹ hơn về đồng tiền này, nhất là khi nó vẫn đang được phát triển và hoàn thiện. Nhưng sự xuất hiện của Libra, dù mới chỉ là dự án, cho thấy khái niệm tiền tệ và cấu trúc thanh toán quốc gia lẫn quốc tế đã không còn như trước. Ngay cả nếu dự án Libra thất bại, không sớm thì muộn một đồng tiền mật mã khác do một liên minh khác hậu thuẫn sẽ lại xuất hiện.

Hiện tại, song song với Libra, hệ thống thanh toán dựa trên JPM Coin của Ngân hàng JP Morgan và Finality của một liên minh 14 ngân hàng cũng đang được khẩn trương xây dựng và sẽ ra mắt trong thời gian tới. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội cho giới FinTech Việt Nam, cho các ngân hàng, doanh nghiệp tài chính Việt Nam, và cho cả nền kinh tế. Chỉ cần các nhà hoạch định chính sách dám đối đầu chứ không rút vào cố thủ trong những thành trì quản lý cổ hủ!

(*) KYC = Know Your Client là quy định yêu cầu các định chế tài chính phải biết danh tính thật mọi khách hàng của mình. AML = Anti-Money Laundering là các quy định chống rửa tiền, nghĩa là các nguồn tiền chảy vào hệ thống tài chính phải có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch.

Theo TBKTSG

Link gốc: https://www.thesaigontimes.vn/290593/libra-thach-thuc-chinh-sach-tien-te-cac-nuoc-.html