LGL kiếm bộn nhờ thanh lý một loạt khoản đầu tư cho TBM Sài Gòn – Hà Nội

VietTimes – Trong nửa đầu năm 2021, LGL đã thực hiện thanh lý một loạt khoản đầu tư kém hiệu quả, với giá bán cao hơn nhiều so với giá trị sổ sách, cho cùng một đối tác: Công ty TNHH TBM Sài Gòn – Hà Nội.
Một dự án do Long Giang Land phát triển

Cụ thể, ngày 4/6/2021, CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (Mã CK: LGL) đã bán cho Công ty TNHH TBM Sài Gòn – Hà Nội (TBM Sài Gòn – Hà Nội) 525.060 cổ phần CTCP Xây dựng Công nghiệp Descon (Descon) với giá trị chuyển nhượng là 5,3 tỉ đồng (tương đương 10.147 đồng/cp). Đây cũng là khoản lãi mà LGL ghi nhận từ thương vụ này. Nguyên nhân là do LGL đã trích lập dự phòng toàn bộ khoản đầu tư vào Descon từ các kỳ trước.

Đến ngày 14/6/2021, LGL tiếp tục bán 800.000 cổ phần CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Vạn Xuân (Vạn Xuân) cho TBM Sài Gòn – Hà Nội với mức giá 13.686 đồng/cp, tương ứng với giá trị chuyển nhượng 10,9 tỉ đồng. Thương vụ giúp LGL ghi nhận khoản lãi 3,4 tỉ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, trong nửa đầu năm 2021, LGL còn chuyển nhượng 1,52 triệu cổ phần CTCP Rivera Hà Nội cho các bà Nguyễn Thị Minh Ngọc (Giám đốc TBM Sài Gòn – Hà Nội) và bà Trần Thị Cẩm Nhung với mức giá 23.946 đồng/cp. Thương vụ ước tính sẽ mang về cho LGL khoản lãi 21,1 tỉ đồng. Thời gian thanh toán trước Quý 4/2021.

Theo tìm hiểu của VietTimes, TBM Sài Gòn – Hà Nội được thành lập vào ngày 28/12/2020 với quy mô vốn điều lệ vỏn vẹn 10 tỉ đồng. Công ty này được sáng lập bởi 3 nữ cổ đông cá nhân, là các bà Trần Thị Cẩm Nhung (30% VĐL), Ngô Thị Thu Hương (40% VĐL) và Trần Thị Hà (30% VĐL). Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Minh Ngọc (SN 1980).

Một ngày sau khi thành lập, TBM Sài Gòn – Hà Nội còn được LGL chuyển nhượng một phần vốn góp tại hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án khu đô thị mới Việt Hưng – Hà Nội (giữa LGL và CTCP Tập đoàn Đầu tư Long Giang). Giá trị chuyển nhượng lên tới 129,5 tỉ đồng, cao gấp 6 lần giá gốc, giúp LGL ghi nhận khoản lãi 108 tỉ đồng.

Sẽ không có gì đáng nói nếu biết rằng, các bà Trần Thị Cẩm Nhung và Ngô Thị Thu Hương (những cổ đông sáng lập TBM Sài Gòn – Hà Nội) từng được ghi nhận nắm giữ tới cả triệu cổ phiếu LGL.

Tính đến ngày 30/6/2021, LGL chỉ ghi nhận có 2 cổ đông lớn là ông Lê Hà Giang và CTCP Tập đoàn Đầu tư Long Giang – nơi ông Lê Hà Giang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Hai cổ đông lớn này nắm giữ tổng cộng 23,09 triệu cổ phiếu LGL.

Tương tự như kỳ soát xét báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, trong đợt soát xét báo cáo bán niên năm 2021, đơn vị kiểm toán tiếp tục đưa ra ý kiến loại trừ đối với khoản đầu tư của LGL tại CTCP Xây dựng Hạ Long (Hạ Long Land).

Theo đó, đơn vị kiểm toán không được tiếp cận hồ sơ, chứng từ kế toán của Hạ Long Land để thực hiện thủ tục kiểm toán hoặc soát xét phục vụ mục đích đánh giá số liệu được hợp nhất trong báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của LGL.

Nên biết, trong năm 2020, LGL đã dùng 20,8 triệu cổ phiếu Hạ Long Land để đảm bảo cho 150.000 trái phiếu phát hành thêm của CTCP Đầu tư Rivera.

Đến ngày 4/8/2021, khoảng 31,2 triệu cổ phần Hạ Long Land (tương đương 60% vốn điều lệ) đã được dùng làm tài sản bảo đảm cho thương vụ phát hành 250 tỉ đồng trái phiếu của CTCP Neo Floor./.