Lệnh cấm của ông Trump có thể khiến Internet không còn như trước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Lệnh cấm của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các hãng công nghệ Trung Quốc có thể khiến toàn bộ Internet thay đổi.

Khi nói đến kiểm duyệt và quản lý nội dung trên Internet, Trung Quốc và Mỹ nằm ở 2 thái cực đối nghịch nhau.

Từ trước đến nay, Bắc Kinh luôn có những quy định kiểm soát Internet nghiêm ngặt, thậm chí chặn các website lớn của nước ngoài để tạo điều kiện cho dịch vụ trong nước phát triển. Trong khi đó, Mỹ được biết đến với chiến lược cởi mở, giúp các hãng công nghệ Mỹ thống trị thế giới.

Đến khi ông Trump ban hành lệnh cấm TikTok và WeChat, Nhà Trắng cho thấy họ sẵn sàng áp dụng chiến lược kiểm soát Internet mà Bắc Kinh đang làm. Ông Trump thậm chí đi xa hơn, buộc chủ sở hữu TikTok là ByteDance bán lại toàn bộ hoạt động của ứng dụng tại Mỹ cho một doanh nghiệp khác nếu muốn tiếp tục hoạt động tại quốc gia này.

Lệnh cấm của Mỹ sẽ khiến Internet bị chia cắt


Ngày 17/8, Mỹ tiếp tục giáng đòn đánh lên Huawei. Bộ Thương mại Mỹ sẽ bổ sung 38 chi nhánh của Huawei tại 21 quốc gia vào “danh sách thực thể”, nâng tổng số lên 152 từ lần đầu công bố danh sách vào tháng 5/2019.

Sau vài tiếng, Bộ Thương mại Mỹ công bố thêm chi tiết trong quy định mới, cấm Huawei mua chip từ các công ty sản xuất chip hoặc các nhà cung ứng linh kiện điện tử không thuộc Mỹ, nếu như họ sử dụng công nghệ hoặc phần mềm của Mỹ trong quá trình chế tạo.

Những động thái của Mỹ cho thấy cách tiếp cận mới trong việc kiểm soát các hãng công nghệ, cách tiếp cận gần gũi hơn Trung Quốc khi không có kiểm duyệt nội dung.

Tuy nhiên, nó có thể ảnh hưởng đến các hãng công nghệ Mỹ như Facebook hay Google vốn đang có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, cũng như các “gã khổng lồ Internet” của Trung Quốc như Tencent, Alibaba muốn vươn mình đến phương Tây.

Nếu có nhiều quốc gia áp dụng cách kiểm soát giống như Mỹ vì lo ngại an ninh quốc gia, Internet sẽ chẳng khác gì một “mảnh chắp vá” tương tự chính sách thị thực đối với du lịch.

“Một lệnh cấm kinh doanh sẽ dẫn đến sự trả đũa và góp phần chia cắt Internet”, Ron Deibert - Giáo sư Khoa học Chính trị, Giám đốc Phòng nghiên cứu Công dân Trường Munk về Vấn đề Toàn cầu và Chính sách Công tại Đại học Toronto (Mỹ), cho biết.

TikTok đang là mục tiêu mới của Nhà Trắng trong việc loại bỏ các ứng dụng, mạng xã hội Trung Quốc khỏi nước Mỹ.
TikTok đang là mục tiêu mới của Nhà Trắng trong việc loại bỏ các ứng dụng, mạng xã hội Trung Quốc khỏi nước Mỹ.

"Mỹ có thể trả giá đắt"


Trung Quốc và Mỹ có xuất phát điểm khác nhau trong cách kiểm soát ngành công nghiệp công nghệ cao. Chính quyền Trung Quốc sẵn sàng đưa ra biện pháp mạnh tay chống lại đối tượng chống chính quyền hoặc có hành động vượt tầm kiểm soát. Họ cũng không giấu tham vọng đưa cái tên Trung Quốc vào những công nghệ tiên tiến, điều khiến doanh nghiệp nước ngoài lo rằng họ sẽ không có lợi thế cạnh tranh với các công ty địa phương.

Lệnh cấm của Nhà Trắng dành cho TikTok và WeChat, dự kiến có hiệu lực từ 20/9, được xem là biện pháp bảo vệ công dân Mỹ trước mối đe dọa bị Bắc Kinh thu thập dữ liệu, xuất phát từ ý kiến cho rằng Trung Quốc nên bị trừng phạt do vi phạm các chuẩn mực dân chủ.

Nguyên tắc “có qua có lại” này đã khơi mào cuộc đối đầu giữa chính quyền ông Trump và Bắc Kinh về thương mại, chính sách công nghiệp và truyền thông.

Khi chính quyền ông Trump cấm TikTok và WeChat, các quốc gia có thể cảm nhận sự phụ thuộc của họ vào công nghệ Mỹ theo góc nhìn khác.

Đối với lĩnh vực Internet, chính sách trên có thể khiến Mỹ trả giá đắt. Trong khi một số nước chấp nhận cách tiếp cận của Trung Quốc, nhiều quốc gia không thoải mái với sự thống trị của các công ty Mỹ như Facebook, Google và Amazon, thậm chí xem xét áp thuế và những hạn chế đối với hoạt động của họ.

Một số quốc gia đã thắt chặt kiểm soát với các mạng xã hội của Mỹ. Tại những nước đang phát triển, các công ty Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng đánh bại dịch vụ của phương Tây.

Theo Deibert, Trung Quốc đã mất nhiều năm để mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu Phi, Mỹ Latin và Trung Đông. Các công ty viễn thông, nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đã có chỗ đứng bằng việc tung ra những thiết bị giá rẻ.

Judd Deere, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết chính quyền Mỹ “cam kết bảo vệ người dân khỏi tất cả mối đe dọa an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng quan trọng, sức khỏe cộng đồng, kinh tế và an ninh quốc gia”.

Người Trung Quốc đã quá quen với các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội và app mua sắm do Trung Quốc phát triển. Ảnh: Shutterstock.
Người Trung Quốc đã quá quen với các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội và app mua sắm do Trung Quốc phát triển. Ảnh: Shutterstock.

Sự quyết liệt từ Tổng thống Trump


Tại Trung Quốc, người dân đã quen với các dịch vụ tìm kiếm, website mua sắm và mạng xã hội tiếng Trung. Nhiều thanh niên Trung Quốc thậm chí biết rất ít về Google, Twitter và Facebook.

Trong khi nhiều chính trị gia Mỹ lên án sự kiểm duyệt của Trung Quốc, những hành động trừng phạt Trung Quốc lại rất ít. Các đời tổng thống trước tin rằng nước Mỹ đủ lớn để gây ảnh hưởng về cách tiếp cận Internet trên thế giới.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những năm gần đây đã khiến niềm tin ấy mất đi. Dưới triều đại ông Trump, nước Mỹ đang quyết liệt để kìm hãm sự phát triển ấy.

Trong bài phát biểu ngày 29/5 tại Vườn hồng, ông Trump cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, vi phạm cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới. Tuy nhiên, ông cho rằng lỗi không chỉ thuộc về Trung Quốc.

“Họ có thể thoát những cáo buộc trước đây nhờ các chính trị gia, tổng thống trong quá khứ. Khác với họ, chính quyền của tôi luôn đấu tranh cho sự đúng đắn”, ông Trump còn hạn chế quyền tiếp cận của giới truyền thông, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ.

Matt Perault, Giáo sư Trung tâm Chính sách Khoa học Công nghệ, Đại học Duke bày tỏ lo ngại khi Mỹ tham gia chiến tranh thương mại theo cách tiếp cận giống Trung Quốc, trong khi trước đây, chiến lược của Mỹ trái ngược hoàn toàn.

Perault nói rằng các công ty Trung Quốc hoạt động tại Mỹ đang phải áp dụng chính sách tương tự các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc như thoái vốn tài sản, giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phiếu và điều chỉnh nơi đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu.

Dưới nhiệm kỳ ông Trump, Huawei và các công ty Trung Quốc chịu nhiều khó khăn hơn trước. Ảnh: Reuters.
Dưới nhiệm kỳ ông Trump, Huawei và các công ty Trung Quốc chịu nhiều khó khăn hơn trước. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, chính quyền ông Trump vẫn đang bảo vệ các gã khổng lồ công nghệ Mỹ trước những cáo buộc từ nước ngoài.

Nhà Trắng đã chỉ trích chính sách áp thuế dịch vụ dành cho các công ty Mỹ hoạt động tại Pháp, Anh, Italy và Ấn Độ nhắm vào Google và Amazon. Mỹ cũng phản đối việc châu Âu giải quyết các lo ngại về quyền riêng tư bằng cách chặn luồng dữ liệu của người dùng đến Mỹ.

Trong sắc lệnh cấm TikTok và WeChat, Nhà Trắng cũng nhắc đến lệnh cấm tương tự của chính phủ Ấn Độ, động thái kỳ lạ bởi Mỹ luôn chỉ trích Ấn Độ trong chính sách liên quan đến các lĩnh vực khác.

Clete Willems, đối tác của công ty luật Akin Gump, cựu quan chức thương mại trong chính quyền ông Trump, cho rằng các lệnh hành pháp được ban hành từ những lo ngại về an ninh quốc gia chứ không phải “có qua có lại”.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng lệnh cấm “có qua có lại” mà không kèm theo các quy định chặt chẽ là lệnh cấm thất bại. Samm Sacks, thành viên tổ chức New America đặt câu hỏi liệu quyền riêng tư của người dân có được đảm bảo hơn nếu Mỹ áp dụng "Great Firewall" tương tự Trung Quốc.

Theo Zing