Theo The Verge, các sản phẩm mới sẽ được làm từ nhựa thực vật polyethylene, một loại nhựa khá dẻo và bền. Lego cho biết "về mặt kỹ thuật, chúng giống hệt với các sản phẩm được sản xuất bằng nhựa thông thường". Ngoài ra, việc chuyển từ nguyên liệu thô độc hại với môi trường sang các nguyên liệu thân thiện, bền vững với môi trường là mục tiêu cốt lõi của công ty trong giai đoạn từ giờ đến năm 2030. Các mảnh ghép của Lego hiện được sản xuất từ nhựa dầu.
Để hiện thực điều đó thì công ty có trụ sở tại Đan Mạch trước đây đã đầu tư hơn 165 triệu USD cho Trung tâm Vật liệu Bền Vững (Sustainable Material Centre) nhằm nghiên cứu và phát triển các giải pháp thay thế nguyên liệu hiện tại bằng các nguyên liệu khác bền vững hơn. Theo thống kê của tổ chức World Watch Institute vào năm 2015, khoảng 4% dầu mỏ trên thế giới được dùng để chế tạo các sản phẩm nhựa, và 4% tiếp theo được sử dụng để cung cấp điện cho các quá trình sản xuất ra nhựa.
Ngoài ra, Lego cũng hợp tác với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) để giúp giảm lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng của mình. Alix Grabowski, một cán bộ cấp cao của WWF cho biết: "Điều quan trọng là các công ty phải tìm cách thay đổi, tìm kiếm và sử dụng các nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm một cách có trách nhiệm. Điều đó giúp đảm bảo tương lai của con người, thiên nhiên và cả một nền kinh tế phát triển bền vững".
Mặc dù khái niệm "vật liệu bền vững" có thể là một thuật ngữ chưa rõ ràng cho lắm, nhưng Lego tin rằng nó là những vật liệu có thể tác động một cách tích cực đến việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, sức khỏe con người cũng như môi trường. Lego bên cạnh đó cũng đã đầu tư vào điện gió và giới thiệu các khay giấy cho các sản phẩm quảng cáo của mình với mục đích giảm chất thải nhựa ra ngoài.
Nếu bạn có nhiều món Lego đã cũ hoặc hư hỏng, Lego khuyên bạn hãy tặng cho những người cần chúng, hoặc bạn có thể gởi cho các đơn vị xử lý chất thải để họ tái chế thành các sản phẩm mới.
Theo Báo Diễn đàn đầu tư