Lầu Năm Góc nghi ngờ về việc Nga “rút quân” khỏi phía Bắc Kiev

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lầu Năm Góc cho hay ​​"một số lượng nhỏ" quân đội Nga đang tái bố trí về phía Bắc Kiev nhưng không cho đây là một cuộc rút quân như Nga đã mô tả.
Binh sĩ Ukraine bên cạnh một xe quân sự của Nga bị thu giữ ở Kharkiv (Ảnh: AFP)
Binh sĩ Ukraine bên cạnh một xe quân sự của Nga bị thu giữ ở Kharkiv (Ảnh: AFP)

Thay vào đó, họ tin rằng lượng binh sĩ này có thể được triển khai để thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào những nơi khác trên lãnh thổ Ukraine, có thể là ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine.

Sau khi thảo luận với các nhà đàm phán Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ rút lực lượng khỏi khu vực xung quanh Kiev và Chernihiv như "một biện pháp thiện chí" sau đàm phán. Tuy nhiên, động thái này diễn ra trong lúc quân đội Nga không thành công trong các chiến dịch tấn công hai thành phố phía Bắc Ukraine.

John Kirby, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, cho biết: “Chúng tôi đang thấy một số lượng nhỏ binh sĩ dường như đang rời khỏi Kiev. Sự việc diễn ra cùng ngày mà người Nga nói rằng họ đang rút lui, nhưng chúng tôi không cho rằng đây thực sự là một cuộc rút lui. Họ có thể đang tính đến việc thay đổi vị trí để ưu tiên những nơi khác."

Ông Kirby cho rằng số lượng binh sĩ rời đi không chiếm một phần đáng kể trong số các nhóm tác chiến mà Nga đã triển khai để đánh chiếm Kiev, đồng thời lưu ý rằng những ngày gần đây người Nga đã nói rằng họ ưu tiên khu vực Donbass.

"Có nhiều khả năng lực lượng này được điều đi để chiến đấu ở những nơi khác ở Ukraine. Chính xác thì chúng tôi không biết ở đâu” – ông Kirby nói – “Tất cả chúng ta nên chuẩn bị đề phòng một cuộc tấn công lớn nhằm vào các khu vực khác của Ukraine. Điều đó không có nghĩa là mối đe dọa đối với Kyiv đã kết thúc.”

Mặc dù ông Kirby nói rằng quân đội Nga đã liên tục thất bại trong các mục tiêu quân sự của họ ở Ukraine, đặc biệt là trong việc chiếm Kiev, song ông từ chối coi hành động của Nga là một thất bại. "Tôi không nghĩ rằng đây là một thất bại. Ý tôi là, vẫn có người chết. Vẫn còn bom rơi. Vẫn có tên lửa đang bay. Vũ khí vẫn đang được cung cấp và tiếp nhận trên chiến trường.”

Trước đó, hôm 29/3, Tướng Tod Wolters, chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ ở châu Âu, nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng cuộc chiến của Nga đánh dấu "thời khắc quan trọng với tầm tác động kéo dài nhiều thế hệ" có thể giúp củng cố liên minh NATO.

Ông Wolters cho biết quân số của Mỹ ở châu Âu đã tăng từ 60.000 lên 100.000 do cuộc chiến và cho biết có thể sẽ tăng thêm. Ông nói: “Tôi cho rằng chúng ta sẽ còn cần nhiều hơn nữa. Chúng tôi sẽ phải tiếp tục xem xét những đóng góp của châu Âu để đưa ra quyết định thông minh về hướng đi trong tương lai."

Trong cuộc họp báo hôm 29/3, ông Kirby thông báo một số lực lượng Thủy quân lục chiến gần đây đã tham gia cuộc tập trận Phản ứng Lạnh của NATO ở Na Uy sẽ được chuyển hướng đến Lithuania và Đông Âu. Các đơn vị Thủy quân lục chiến bao gồm một đơn vị chỉ huy và kiểm soát được gửi đến Lithuania cùng với 10 máy bay chiến đấu FA-18 và một số máy bay vận tải C-130.

Ông Wolters ca ngợi quân đội Ukraine và khả năng ngăn chặn các hoạt động quân sự của Nga trên khắp đất nước, đặc biệt là nhờ các hệ thống vũ khí đang được quân đội Mỹ cung cấp. Ông cho biết Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự ủng hộ của mình đối với Lực lượng vũ trang Ukraine, trong đó bao gồm việc chuyển giao vũ khí chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất và tên lửa chống không Stinger đã giúp quân đội Ukraine ngăn chặn bước tiến của quân đội Nga trên toàn lãnh thổ Ukraine.

Ông Wolters cho biết đường dây cung cấp vũ khí cho người Ukraine đã thành công và không bị tấn công. “Họ đã giao hàng đến đúng vị trí vào đúng thời điểm”, ông nói.

Theo ABC News