Bàn về vấn đề này, trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 29/8 đăng bài chỉ ra rằng, loại vũ khí được sử dụng, trước đây là tên lửa được coi là "toàn năng" Hùng Phong (Xiongfeng), nhưng kể từ khi tên lửa này vô tình bắn trúng tàu đánh cá trong một cuộc tập trận, có vẻ đã thất sủng. Tên lửa Vân Phong (Yunfeng), còn đang trong vòng bí mật, hiện đã trở thành “con cưng” mới.
Trên thực tế, Đài Loan lâu nay luôn có kế hoạch nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình để chống lại Trung Quốc đại lục. Trong những năm 1960, với sự thành công của việc nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân và sự tích hợp của nó với tên lửa của đại lục và việc quân đội Mỹ rút dần vũ khí hạt nhân khỏi Đài Loan. Xuất phát từ cân nhắc về an ninh, một mặt Đài Loan dốc sức nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân, mặt khác cũng nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo sau lưng Mỹ.
Tên lửa Thanh Phong của Đài Loan (Ảnh: Udn)
|
Năm 1988, ông Trương Hiến Nghĩa (Zhang Xianyi), Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Năng lượng Hạt nhân thuộc Viện nghiên cứu Khoa học Trung Sơn của Đài Loan, đã đào thoát sang Mỹ và thông báo cho Mỹ khiến Mỹ ra tay chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Đài Loan. Mặc dù dự án nghiên cứu tên lửa đạn đạo của Đài Loan cũng bị Mỹ ngăn cản, nhưng rốt cục nó vẫn tiếp tục tồn tại.
Năm 1964, Đài Loan thành lập Viện Nghiên cứu Năng lượng Hạt nhân, Viện Nghiên cứu Tên lửa và Viện Nghiên cứu Điện tử thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng trong Viện nghiên cứu Khoa học Trung Sơn, chuyên nghiên cứu vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và chiến tranh điện tử. Năm 1976, "Phòng quản lý dự án Thanh Phong (Qingfeng)" được thành lập tại Viện Trung Sơn để lên kế hoạch phát triển tên lửa đất đối đất Thanh Phong với tầm bắn 300 km. Đây là bước khởi đầu cho nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo của Đài Loan. Với sự giúp đỡ của Israel, Đài Loan cuối cùng đã phát triển được tên lửa Thanh Phong vào năm 1980 dựa trên nguyên mẫu tên lửa Pike MGM-52 đã được Mỹ xuất khẩu rộng rãi vào những năm 1970.
Tên lửa chống hạm Hùng Phong-2 của Đài Loan (Ảnh: Đa Chiều).
|
Tên lửa Pike là hệ thống tên lửa chiến thuật đất đối đất thế hệ thứ hai của Mỹ, bắt đầu được phát triển từ năm 1960 và đưa vào biên chế vũ khí trong quân đội Mỹ năm 1972. Từ khi sản xuất hàng loạt đến khi ngừng sản xuất năm 1980, tổng cộng 2.200 quả đã được xuất xưởng. Không chỉ phục vụ trong quân đội Mỹ, nó còn được xuất khẩu sang Tây Đức, Anh, Italia, Bỉ, Hy Lạp, Hà Lan, Israel và các nước khác. Mặc dù tên lửa Pike có đặc điểm là độ chính xác cao, giá thành rẻ, chống nhiễu tốt nhưng tầm bắn tối đa chỉ đạt 120 km, tên lửa Thanh Phong kế thừa khuyết điểm là tầm bắn không xa của tên lửa Pike, tầm bắn tối đa chỉ đạt 100 km, chỉ có thể mới bắn sang Đại lục được khi đặt ở các đảo Kim Môn và Mã Tổ.
Ngoài ra, không giống như tên lửa Pike, tên lửa Thanh Phong chỉ được trang bị duy nhất loại đầu đạn nổ trên cao, có thể tiêu diệt các mục tiêu và công sự không được bảo vệ trên mặt đất; quân đội Đài Loan cũng không có phương tiện vận tải bánh xích kiểu M113 để mang tên lửa Pike cơ động trong điều kiện đường sá phức tạp. Nó chỉ có thể được triển khai ở những trận địa cố định và khả năng sống sót của nó trong thời chiến là đáng lo ngại. Trong cuộc diễu binh ngày 10/10 năm 1981, quân đội Đài Loan lần đầu tiên công khai tên lửa Thanh Phong, đây là lần đầu tiên Đài Loan phô diễn tên lửa đất đối đất.
Tên lửa đạn đạo đất đối đất Hùng Phong-3 (Ảnh: CNS).
|
Sau khi phát triển thành công tên lửa Thanh Phong, Đài Loan đã khởi động "Dự án tên lửa Thiên Mã (Tianma)" trong nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn hơn 1.000 km. Do khi đó Mỹ và Liên Xô đã đàm phán để hạn chế tên lửa đạn đạo tầm trung và ký Hiệp ước tên lửa đạn đạo tầm trung (INF) vào năm 1987, trong đó hạn chế nghiêm ngặt việc phổ biến công nghệ tên lửa đạn đạo tầm trung, nên việc phát triển loại tên lửa này của Đài Loan gặp nhiều khó khăn do bị cắt nguồn công nghệ bên ngoài; cùng với sự can thiệp của Mỹ, "Dự án tên lửa Thiên Mã" cuối cùng đã bị dừng lại và Viện nghiên cứu Khoa học Trung Sơn chính thức cho biết "kế hoạch bị đình chỉ do điều chỉnh chính sách quốc phòng."
Sau đó, Đài Loan lại tìm cách phát triển tên lửa tấn công mặt đất trên cơ sở tên lửa phòng không Thiên Cung (Tiangong) và tên lửa chống hạm Hùng Phong (Xiongfeng). Tất nhiên, việc chuyển đổi tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm sang tên lửa hành trình tấn công mặt đất là chuyện bình thường ở các nước trên thế giới. Tên lửa phòng không Hồng Kỳ-2 (HQ-2) của Trung Quốc từng được cải tạo thành tên lửa đạn đạo chiến thuật M-7 để xuất khẩu. Trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, quân đội Đài Loan đã biến tên lửa phòng không Tiangong-2 thành tên lửa đạn đạo tầm ngắn, được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Mỹ gọi là "tên lửa Thiên Kích (Tianji)".
Theo dữ liệu do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ công bố, đầu đạn của tên lửa Tianji chỉ từ 100 kg đến 200 kg, tầm bắn 120 km, động cơ đẩy thuốc phóng rắn hai tầng. Số lượng triển khai là "các báo cáo chưa được xác nhận cho biết Đài Loan đã bố trí ở Kim Môn và Bành Hồ khoảng 15 đến 50 quả”. Tuy nhiên, tên lửa đất đối đất có tầm bắn 120 km sử dụng kết cấu hai tầng này chỉ giống như một bản sao chép toàn bộ tên lửa phòng không Tiangong.
Đài Loan khoe tên lửa Vân Phong của họ có thể bắn tới Bắc Kinh và đập Tam Hiệp (Ảnh: twitter).
|
Một loại tên lửa tấn công mặt đất khác của Đài Loan là tên lửa hành trình Hùng Phong-2E có liên quan đến tên lửa chống hạm Hùng Phong về tên gọi, nhưng thực tế nó lại có ý tưởng thiết kế hoàn toàn khác. Theo các nguồn tin được CSIS của Mỹ trích dẫn, việc sử dụng tên gọi Hùng Phong-2E là có chủ đích nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới bên ngoài và che giấu danh tính của loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất này. Hùng Phong-2E được cho là có tầm bắn 600 km, phiên bản cải tiến đạt 1.200 km, hiện đang được phục vụ trong quân đội Đài Loan. Xét về hiệu suất, nó hiện là phương pháp phản kích đáng tin cậy nhất của quân đội Đài Loan, nhưng là một tên lửa hành trình cận âm, Hùng Phong-2E khó có thể phá vỡ mạng lưới phòng không chặt chẽ của Trung Quốc đại lục để thực hiện một cuộc tấn công.
Tên lửa Vân Phong (Yunfeng) là nỗ lực mới nhất của Đài Loan nhằm theo đuổi khả năng phát triển tên lửa đạn đạo. Có tin nói, tầm bắn của nó từ 1.200 km đến 2.000 km, do đó có thể đưa Bắc Kinh và đập Tam Hiệp vào trong tầm bắn. Đồng thời, tên lửa Vân Phong cũng là tên lửa bí ẩn nhất của Đài Loan. Mặc dù quân đội Đài Loan năm 2012 đã thừa nhận dự án này tồn tại , nhưng bí mật về nó vẫn chưa được tiết lộ. Chính vì Đài Loan nỗ lực tìm kiếm khả năng phản kích đại lục, nên mới tồn tại cái mà giới hâm mộ đồ quân sự Đài Loan gọi là "Pháo kích Bắc Kinh và oanh tạc đập Tam Hiệp”.
Tuy nhiên, quân đội Đài Loan rất thực tế và hiện họ vẫn đang diễn tập chống đổ bộ. Năm nay cuộc tập trận Hán Quang có nhiệm vụ bảo vệ cửa ngõ Đài Bắc, Bộ chỉ huy khu vực Quan Độ cũng tập trận “chống chặt đầu”. Thực tế của quân đội Đài Loan khác hẳn với dư luận “giương Đông kích Tây” trên mạng, cũng giống như dư luận Đại lục lớn tiếng hò hét thống nhất bằng vũ lực trong khi giới lãnh đạo cấp cao lại tỏ bình tĩnh và kiềm chế hơn.