“Lắp cánh” cho Masan MEATLife lên sàn

VietTimes -- Có lẽ ít tập đoàn nào muốn sở hữu một chuỗi bán lẻ được đầu tư bài bản hơn Masan lúc này. Thỏa thuận đạt được với Vingroup diễn ra vào lúc công ty Masan MEATLife của tập đoàn này chỉ còn ít ngày nữa sẽ lên sàn UPCOM.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Giới tài chính, chứng khoán trong nước, ngày 3/12, xôn xao trước cái “bắt tay” giữa hai tập đoàn có quy mô hàng đầu Việt Nam là Vingroup (Mã CK: VIC) và Masan (Mã CK: MSN).

Theo đó, CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp) và CTCP Hàng Tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ thực hiện sáp nhập để thành lập “Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam”.  

Trong thương vụ này, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ tại VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Tập đoàn Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, còn Vingroup đóng vai trò là cổ đông.

Điều này đồng nghĩa với việc, hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart+, được đầu tư bài bản và có độ phủ khắp cả nước, sẽ nằm dưới quyền điều hành của Masan.

Thông tin về việc Masan đạt được thỏa thuận với Vingroup được công bố ít ngày trước khi CTCP Masan MEATLife (Mã CK: MML) lên sàn UPCOM vào ngày 9/12.

MML lên sàn cũng mang theo những mục tiêu đầy tham vọng của công ty mẹ - Tập đoàn Masan - nhằm thống lĩnh thị trường thịt lợn trong nước (giống như điều mà Vinamilk đã làm được trong ngành sữa) với các sản phẩm thịt mát, thịt có thương hiệu.

Dấu mốc cho mục tiêu chiến lược này có thể lấy tại thời điểm tháng 7/2019, khi công ty Masan Nutri-science đổi tên thành Masan MEATLife. Qua đó, MML thể hiện rõ mục tiêu chuyển đổi từ một công ty chuyên về thức ăn chăn nuôi thành công ty theo mô hình hàng tiêu dùng (FMCGs) nhằm cung cấp các sản phẩm thịt có thương hiệu.

Được biết, MML đã hoàn chỉnh chuỗi giá trị thịt theo mô hình 3F (từ nông trại đến bàn ăn) với 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 3 triệu tấn/năm, trang trại chăn nuôi heo tại Nghệ An với sản lượng 230.000 con heo mỗi năm và một tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam có công suất 1,4 triệu con heo mỗi năm (tương đương 140.000 tấn theo tiêu chuẩn Châu Âu).

“Mảnh ghép” sau cùng để MML đưa các sản phẩm thịt mát tới người tiêu dùng là kênh phân phối, các chuỗi cửa hàng bán lẻ nhưng đây cũng là “công đoạn” Masan đã có nhiều trải nghiệm.

Trở về năm 2001, Masan cũng từng bước chân vào lĩnh vực bán lẻ với việc khai trương 25 cửa hàng tiện ích có tên gọi “Masan Mart” tại Tp. HCM với tổng vốn đầu tư 75 tỷ đồng. Các cửa hàng mở cửa từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm, đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, mô hình chuỗi bán lẻ là các cửa hàng tiện lợi vẫn còn quá mới mẻ với người tiêu dùng trong nước. Sau đó, Masan lặng lẽ đóng cửa chuỗi cửa hàng này với sự thừa nhận “đây chưa phải thời điểm thích hợp để tham gia thị trường bán lẻ” của một lãnh đạo tập đoàn.

Thử nhìn vào một ví dụ khác để thấy việc thiếu hụt kênh phân phối hiệu quả đã ảnh hưởng tới chiến lược phát triển hàng tiêu dùng của Masan ra sao. Đó là trường hợp của bia Sư Tử Trắng.

Ra mắt thị trường đầy ấn tượng, thương hiệu bia của Masan Consumer Holdings (công ty con của Masan) cũng mang tham vọng “chia lại” thị trường bia ở phân khúc bình dân, soán ngôi của những ông lớn trong ngành.

Nhưng sau khoảng thời gian đầu “bùng nổ”, hệ thống phân phối bia của Masan đã bắt đầu để lộ những lỗ hổng, khiến cho thương hiệu bia của tập đoàn bị “hụt hơi” trong cuộc đua cạnh tranh với các hãng khác.

Để rồi, theo truyền thông trong nước, Masan cũng tính chuyện rút lui khỏi lĩnh vực này nếu không có sản phẩm mới đủ khả năng cạnh tranh trong vòng 18 tháng tới.

Tiến vào ngành thịt, Masan cũng thể hiện rõ sự quan tâm phát triển hệ thống phân phối thông qua các cửa hàng MEATDeli, mô hình “Cửa hàng trong cửa hàng” và Đại lý (nhượng quyền thương hiệu).

Tính đến tháng 11/2019, theo bản công bố thông tin của MML, doanh nghiệp này đã mở được 423 cửa hàng phân phối - một con số khá khiêm tốn so với quy mô cửa hàng VinMart và VinMart+.

Sau khi việc sáp nhập VinCommerce vào Masan hoàn tất, theo chia sẻ của Tổng Giám đốc MML Phạm Trung Lâm tại buổi hội thảo diễn ra vào chiều 3/12, hệ thống phân phối thịt của công ty này sẽ lớn lên rất nhiều "chỉ sau một đêm".

Được biết, mức giá chào sàn của cổ phiếu MML trong phiên giao dịch đầu tiên là 80.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với quy mô vốn hóa gần 26.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD)./.