CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group - Mã CK: MSN) vừa công bố Báo cáo thường niên năm 2018, trong đó, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang đã có nhiều chia sẻ trong “tâm thư” gửi cổ đông về những bước phát triển tiếp theo của tập đoàn này, đặc biệt là ngành hàng tiêu dùng trong 5 năm tới.
Hướng đi nào cho Masan Group?
“Masan được thành lập không phải với mục tiêu để trở thành một tập đoàn kinh doanh tỷ USD và tranh thủ mọi cơ hội tìm kiếm lợi nhuận. Masan được thành lập để theo đuổi lý tưởng của chúng ta - trở thành niềm tự hào của Việt Nam bằng việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Việt” - ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan chia sẻ.
Về phía Masan, ông Quang cũng đánh giá năm 2018 mới chỉ là năm khởi đầu của cuộc hành trình và tập đoàn này “đang đi đúng hướng”. Kết quả tài chính đơn thuần chưa phản ánh được hết công việc mà Masan Group đang gây dựng.
Trong thời gian qua, tập đoàn đã không ngừng chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, dám đặt cược vào nhóm khách hàng tiềm năng tương lai và nắm bắt các xu hướng của ngành.
Điều này cũng dẫn đến nhu cầu đầu tư lớn đón đầu nhằm phát triển các giải pháp, sản phẩm và dịch vụ đột phá. Việc đầu tư quá an toàn sẽ ít rủi ro hơn, giúp việc hoạch định kế hoạch và dự đoán kết quả dễ dàng hơn, nhưng cũng chính vì điều đó sẽ dẫn đến việc thiếu sáng tạo và đột phá, dần dần sẽ lạc hậu.
"Hãy tin tôi, khi nhu cầu của người tiêu dùng đang tăng nhanh thì cơ hội đó không chờ một ai” - ông Nguyễn Đăng Quang khẳng định.
Chiến lược tiếp theo của Masan là kết nối những lĩnh vực kinh doanh với hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng: triển khai cửa hàng một điểm đến “a one-stop shop” - nơi giải quyết tất cả vấn đề của khách hàng, từ tài chính, thịt, thực phẩm và đồ uống đến chăm sóc sức khỏe.
Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Quang, Masan Group sẽ phải triển khai đồng thời việc xây dựng của hàng và hệ thống bán hàng trực tuyến, với “mấu chốt là lựa chọn những danh mục sản phẩm phù hợp, áp dụng công nghệ để kết nối người tiêu dùng”.
“Sản xuất là giai đoạn đầu tiên của chi tiêu tiêu dùng, giai đoạn tiếp theo là dịch vụ khách hàng mà chúng ta đang muốn dẫn đầu” - ông Quang chia sẻ.
Vị Chủ tịch HĐQT Masan Group cũng nhận định về một số “nhu cầu lớn” của người tiêu dùng chưa được thỏa mãn trong tương lai với xu hướng tìm kiếm, đòi hỏi những mặt hàng cao cấp, an toàn và tốt cho sức khỏe.
Mặt khác, Việt Nam đang trong giai đoạn số hóa mạnh mẽ, mặt bằng chung của ngành bán lẻ sẽ chuyển đổi từ các doanh nghiệp có cửa hàng hiện hữu sang mô hình phân phối đa kênh.
“Nói chung, Việt Nam đang một lần nữa tiến vào giai đoạn “khởi nghiệp” ngành hàng tiêu dùng và chúng ta sẽ có dịp chứng kiến những đổi thay nhất định của cấu trúc tiêu dùng của người tiêu dùng”- ông Nguyễn Đăng Quang nhận định.
Ông Quang cũng tiết lộ các chỉ tiêu nội bộ của Masan với kế hoạch doanh thu đạt 5 tỷ USD, biên lợi nhuận thuần từ 12-15% vào năm 2022.
Một số kết quả kinh doanh của CTCP Tập đoàn Masan trong thời gian qua (Nguồn: Masan Group)
|
Áp dụng kinh nghiệm ngành hàng nước mắm sang ngành thịt
Đối với lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - Mã CK: MCH) đã có những thay đổi về chiến lược và nền tảng trong năm 2017 với việc đặt người tiêu dùng làm trọng tâm.
Năm 2018, Masan Consumer cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đầy khởi sắc với doanh thu thuần tăng khoảng 30%, lợi nhuận tăng gấp 2 lần so với năm trước.
“Dù chúng ta chưa hoàn toàn tìm ra chiến lược để tăng trưởng vượt trội nhưng chúng ta cũng đang xây dựng lại thương hiệu cho sản phẩm bia và thịt chế biến, đưa ra phát kiến mới phát triển sản phẩm cũng như mở rộng hệ thống phân phối để đưa các sản phẩm trên từ giai đoạn sơ khởi sang giai đoạn tăng trưởng.
Những bài học quý giá trong việc xây dựng và phát triển các danh mục sản phẩm từ giai đoạn ban đầu đã giúp chúng ta có được mô hình chuẩn để mở rộng sang các ngành hàng khác trong 5 năm tới” - ông Quang đánh giá.
Người đứng đầu Masan Group cũng cho biết tập đoàn này sẽ tập trung vào danh mục sản phẩm tiêu dùng hằng ngày mà tại đó các sản phẩm chưa mang lại hiệu quả hoặc thiếu sáng tạo. Đồng thời, chỉ tham gia vào những ngành có thể đưa vào những phát kiến sáng tạo đột phá chứ không phải sản phẩm bắt chước.
Bên cạnh đó, việc phát triển các ngành sẽ dựa trên sự thấu hiểu sâu sắc về người tiêu dùng và tận dụng được mạng lưới phân phối hiện hữu.
“Chúng ta cần phải trở thành sự lựa chọn hàng đầu của khách hàng trong tất cả các không gian sống, chứ không chỉ riêng phòng bếp” - vị Chủ tịch Masan bày tỏ tham vọng.
Đối với lĩnh vực sản xuất đạm động vật (do Công ty TNHH Masan Nutri-Science trực tiếp quản lý), ông Quang bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển của ngành thịt, đặc biệt là khi Masan Group đã đầu tư vào công nghệ thịt mát của Châu Âu.
Tới năm 2022, Masan Nutri-Science đặt mục tiêu chiếm lĩnh 10% thị phần thị trường thịt heo trên toàn quốc, với doanh thu đạt 2 tỷ USD (50% đến từ các sản phẩm thịt) và lợi nhuận đạt 200 - 250 triệu USD.
Thị trường thịt mát: Masan và bài toán kênh phân phối, người đến sau sẽ học được gì? |
Được biết, trong Báo cáo thường niên năm 2017 của Masan Consumer, đơn vị này cho biết đang có thị phần thống lĩnh ở một số mặt hàng nước chấm như: 66% thị phần nước mắm; 67% thị phần nước tương và 71% thị phần tương ớt.
Doanh thu từ mảng nước chấm năm 2018 đạt hơn 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng (tăng 36%), tương đương 64% tổng lợi nhuận của Masan Consumer và đóng góp tới 40% tổng lợi nhuận của Tập đoàn Masan.
Ngoài ra, Chủ tịch Masan Group cũng chia sẻ về kế hoạch phát triển trong lĩnh vực khai khoáng (Masan Resources) và ngân hàng (Techcombank) với những mục tiêu đầy tham vọng trong thời gian tới./.