Trang tin RT cho biết khi trả lời phỏng vấn một loạt tờ báo Ukraine, Lenur Islyamov, nhân vật đại diện nhóm “Hội đồng Tatar ở Crimea” thông báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng vai trò tích cực trong việc thành lập một “tiểu đoàn Tatar” có nhiệm vụ “bảo vệ vùng biên giới ở Crimea” và tổ chức các vụ tấn công trên bán đảo.
“Trong khi Bộ Quốc phòng Ukraine chỉ biết gãi đầu, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu hỗ trợ chúng tôi,” Islyamov nói, cho biết thêm rằng Ankara đã cung cấp cho lực lượng này các đôi giày và các bộ quân phục.
Tiểu đoàn tình nguyện này hiện đang hoạt động dựa trên sự quyên góp của công chúng. Nhưng Islyamov hy vọng đơn vị sẽ được hợp nhất vào các lực lượng quốc phòng của Ukraine. Ông ta cũng cho biết tiểu đoàn Tatar của mình đã thu hút được khoảng 100 tình nguyện viên.
Islyamov hy vọng đơn vị này sẽ dần phát triển lên 560 chiến binh, hoạt động với vai trò "một tiểu đoàn đặc nhiệm SEAL toàn người Tatar." Nhiệm vụ của đơn vị là tiến hành chiến tranh du kích và phá hoại bên trong Crimea, điều mà Islyamov tin có thể thực hiện được vì đã "biết rõ mọi ngóc ngách" trên bán đảo.
Islyamov kêu gọi cô lập hơn nữa bán đảo Crimea và hứa hẹn sẽ "giải phóng những người Tatar" khỏi tay Nga, đưa bán đảo trở về với chính quyền Kiev "trong vòng một năm." Islyamov, người mang quốc tịch Nga, hiện đang bị Lực lượng an ninh liên bang (FSB) điều tra do có kế hoạch tổ chức một cuộc phong tỏa trên bộ tại Crimea.
Cuộc phong tỏa "sử dụng toàn bộ các nguồn lực và sức mạnh" sẽ bắt đầu vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016, theo lời Islyamov tuyên bố hồi đầu tháng. Ông ta đe dọa sẽ phá hoại các chuyến phà qua lại Eo biển Kerch, vốn ngăn cách bán đảo và lục địa Nga.
Nhân vật 49 tuổi, tự xưng là chiến binh đấu tranh vì quyền lợi của người Tatar, còn nói rằng có "rất nhiều phương thức thú vị" để tổ chức một cuộc phong tỏa trên biển tại bán đảo, như dùng thuyền nhỏ để tấn công tàu lớn chở hàng hóa tại Crimea.
Hồi cuối tháng 11, cái gọi là "các chiến binh tình nguyện Tatar" đã phá hủy một số trụ điện ở khu vực Kherson, phía Nam Ukraine và còn ngăn cản các đội sửa chữa khôi phục nguồn cung điện, thông qua hai đường dây điện quan trọng dẫn tới Crimea. Màn phá hoại này đã khiến hơn 1,8 triệu người ở Crimea phải sống trong cảnh không điện.
Nga đã bắt đầu cung cấp điện cho Crimea từ đầu tháng này, sau khi giai đoạn đầu của việc xây dựng một cầu dẫn năng lượng tới Crimea đã hoàn thành vượt tiến độ nhiều tuần. Đại đa số người sống ở Crimea hiện nay là dân tộc Nga - khoảng 1,2 triệu người hay 58,3% quy mô dân số bán đảo. Khoảng 24% còn lại là dân tộc Ukraine và 12% là người Tatar ở Crimea.
Trong khi Majlis tự nhận mình là người đại diện chính thức cộng đồng Tatar thiểu số, phong trào Qirim của người Tatar đã không thừa nhận ông này cùng các lãnh đạo Tatar tự xưng khác.
“Sự dịch chuyển của Dzhemilev, Chubarov và Islyamov theo hướng hợp tác với các nhóm cực đoan bị thế giới tiến bộ lên án đã khiến họ không còn quyền đại diện cho người Tatar Crimea. Từ nay, tất cả các phát ngôn của họ trên mọi diễn đàn chỉ được xem như quan điểm cá nhân," phong trào Qirim tuyên bố.
Phong trào này cũng lên án việc sử dụng biểu tượng quốc gia của người Tatar Crimea, gồm lá cờ và biểu tượng, trong cuộc phong tỏa bán đảo Crimea.
Theo VietNam+