|
Sự thay đổi rõ rệt của làng di động trong năm qua. Số liệu: IDC. |
Năm 2016, thị trường điện thoại chia thành những nhóm rõ rệt. Apple, Samsung vẫn dẫn đầu. Những ông lớn cũ tiếp tục mờ nhạt trước sự nổi lên mạnh mẽ của các tên tuổi Trung Quốc. Ngoài ra, một số cuộc trở về đang được chờ đợi.
Apple
Apple có một năm không lấy gì làm vui vẻ, nếu xét về doanh số. Báo cáo của chính hãng này cho thấy sự sụt giảm ở tất cả các danh mục sản phẩm. Doanh thu quý IV/2016 giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 46,9 tỷ USD, và đây đã là quý thứ 3 giảm liên tục.
Trong đó, họ gần như bỏ ngỏ khoảng đầu năm với iPhone SE, thiết bị được đánh giá là sai lầm lớn của họ. Ảm đạm từ khi ra mắt, đến nay iPhone SE gần như không còn vị trí trên thị trường, và nguy cơ bị khai tử rất cao.
Không chỉ bị chê trách vì ít đột phá, cả iPhone 7 lẫn iOS 10 gặp nhiều vấn đề kỹ thuật, từ màn hình ngả vàng đến hỏng máy khi nâng cấp hệ điều hành.
Chuỗi cung ứng của họ cũng đóng băng sau khi ra mắt iPhone 7, khiến tình trạng thiếu hụt hàng diễn ra trên cả thế giới, bỏ lỡ thời cơ trước sự cố của đối thủ.
Vấn đề không chỉ ở iPhone. iPad cũng đang trì trệ nghiêm trọng. iPad Pro mới thậm chí không được chào đón. Apple Watch không khởi sắc trong bối cảnh làng điện thoại thông minh ngưng trệ.
MacBook Pro bị đánh giá nhàm chán so với Surface Studio từ Microsoft. Toàn bộ hệ sinh thái của Apple năm nay thể hiện sự chậm rãi đến kinh ngạc, và ngày càng phụ thuộc vào iPhone. Thậm chí, chiếc AirPod được tung hô nhiệt liệt đang bị hoãn vô thời hạn.
Tất nhiên, Apple vẫn đang là thương hiệu thành công nhất làng công nghệ về mặt tài chính, khi nắm giữ 91% lợi nhuận cả ngành này.
Tuy vậy, 2017 sẽ là năm họ cần thay đổi mạnh mẽ, hoặc đứng trước nguy cơ bị những cái tên mới vượt mặt.
Samsung
Samsung khởi đầu năm 2016 khá thành công với S7 và S7 Edge. Bộ đôi sản phẩm được Consumer Report bầu chọn là smartphone tốt nhất đầu năm, và doanh số khởi sắc trên toàn thế giới.
Trong quý II, hãng điện tử Hàn Quốc đã có lợi nhuận kinh doanh quý cao nhất trong hai năm trở lại đây, đạt 45,2 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận đạt 7,22 tỷ USD, cao hơn 18% so với quý II/2015.
Không chỉ dòng cao cấp, Samsung cũng tiến mạnh ở nhóm tầm trung. Báo cáo từ IDC cho thấy dòng J phổ thông cũng được đón nhận ở đa số thị trường.
Giữa đà bay cao, Samsung đột ngột rơi xuống mặt đất với sự cố của Galaxy Note 7. Mẫu phablet cao cấp của họ được tung hô trên toàn thế giới, khi kết hợp hoàn hảo bộ ba thiết kế, cấu hình và tính năng mới. Đáng tiếc, sau chưa đầy một tháng, thiết bị này đã bị khai tử và thu hồi trên toàn thế giới vì sự cố về pin.
Danh tiếng và lợi nhuận của Samsung ngay lập tức lao dốc từ sự cố này. Thậm chí, nhiều tin đồn cho rằng Samsung sẽ chia rẽ làm 2 công ty riêng.
Báo cáo của IDC cho thấy Samsung mất 3,3% thị phần, doanh số giảm 11,3 triệu thiết bị so với cùng kỳ năm ngoái. Rất may, S7 và S7 Edge đã giúp họ vượt qua cơn khó khăn.
Sau Note 7, Samsung đang khá im ắng và kín tiếng về kế hoạch năm sau. Tuy vậy, dựa vào tình hình chung, có thể thấy người dùng vẫn đầy tin tưởng vào Samsung và hi vọng họ sẽ giành lại vị thế trong năm sau.
Xiaomi
"Kẻ hủy diệt smartphone cao cấp" có một năm "xịt toàn tập". Sau một năm phát triển nóng, Xiaomi giảm sút liên tục trong năm nay. Cuối năm 2015, họ chỉ đạt 70% kế hoạch năm.
Đầu quý I, số smartphone bán ra tiếp tục giảm 3 triệu chiếc. Quý II, doanh số của họ sụt giảm 38% so với cùng kỳ và chỉ "sống lại" vào quý III với 2 triệu sản phẩm bán ra ở Ấn Độ.
Đây cũng là năm đầu tiên Xiaomi bắt đầu quảng cáo ồ ạt, trong khi chưa mở rộng các kênh bán hàng tương xứng, theo Tech In Asia. Nhiều người lo ngại Xiaomi sẽ trở về với vị trí của một thương hiệu làng nhàng, khi họ đã thừa nhận mình không có lợi nhuận từ mảng này.
Trong khi đó, các số liệu thống kê cho thấy Huawei, Vivo đang chiếm dần lợi thế giá thấp cấu hình cao của Xiaomi. Và Trung Quốc, thị trường chủ lực của Xiaomi cũng bão hòa dần.
Trong khi đó, chiến lược bán hàng online, vốn tạo ra sức mạnh của họ ở Trung Quốc, lại khó để áp dụng đồng bộ ở các nước với văn hóa mua hàng khác nhau.
Cuối năm, Xiaomi tại tung ra Mi Mix với thiết kế đột phá, gây xôn xao thị trường. Tuy nhiên, chiến lược của sản phẩm này vẫn không rõ ràng.
Những tên tuổi Trung Quốc khác
Oppo chiếm 16,6% thị phần tại Trung Quốc vào giữa năm. Vivo tăng trưởng 114% so với năm ngoái, giữ 16,2% thị phần với các smartphone tập trung vào số chấm camera trước. Huawei vươn lên vị trí thứ 3 thế giới. LeEco dự đoán bán 25 triệu thiết bị ở Mỹ trong năm sau, cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn.
Không chỉ đẩy mạnh marketing với đại sứ thương hiệu, chiến dịch hoành tráng khắp thế giới, các nhà phát triển này đang chú trọng hơn vào chất lượng sản phẩm, cố gắng xóa bỏ mác "hàng Trung Quốc" nhiều năm nay.
Cùng với đó, sân nhà Trung Quốc đang bão hòa dần, và cuộc đua các bên đang tỏa ra khỏi đại lục. Ngay tại Việt Nam, Oppo đang là thế lực lớn trong phân khúc tầm trung, Huawei đang đi những bước mạnh mẽ, còn Vivo cũng cho thấy họ không muốn bỏ qua thị trường này.
BlackBerry/LG/Sony/HTC/Microsoft-Nokia
Tương đối đau lòng khi những cái tên cũ đang chết dần. Báo cáo quý III, mảng di động của LG thua lỗ gần 400 triệu USD. Cùng kỳ, mảng di động của Sony lỗ 188 triệu USD, doanh số smartphone giảm 16,3%. HTC hầu như không có sản phẩm vang dội ở tất cả các mảng, và trở lại gia công cho Google.
BlackBerry ngưng mảng phần cứng, chuyển thiết bị về Trung Quốc. Dường như, họ đang đi lại con đường của HTC, Microsoft.
Tuy nhiên, với các tên tuổi này, smartphone vẫn là bộ mặt của công ty, và họ cần chúng để trưng diễn nội lực của mình. Về tiền bạc, mảng di động gần như không còn ý nghĩa khi lợi nhuận từ các mảng khác đã đủ bù vào.
Do vậy, trong năm sau, chúng ta có lẽ vẫn thấy những smartphone cao cấp, mang công nghệ tối tân của mỗi hãng. Tuy nhiên, chỉ số ít người được sở hữu các thiết bị này.
Trường hợp ngoại lệ duy nhất là Nokia, với những động thái "trở về" mạnh mẽ gần đây. Tuy vậy, đây vẫn chỉ là ván cờ mạo hiểm khi đánh cược vào danh tiếng trước đây.
Theo Zing.vn