Sức lan tỏa khó ngờ
Trao đổi với VietTimes, cô Lê Thị Mai Oanh – Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Tất Thành – Hà Nội cho rằng đó là một trong những ví dụ dễ nhớ nhưng điển hình về sức lan tỏa của thông tin trên MXH được đề cập trong buổi đào tạo Kỹ năng số và An toàn trực tuyến cho hơn 1.100 học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành và THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) . Bởi, theo cô, một tài khoản Facebook có 200 bạn bè hay người theo dõi hiện là quá đỗi bình thường.
Cô Lê Thị Mai Oanh – Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Tất Thành |
“Đó thực sự là con số rất lớn mà mỗi học sinh sẽ không thể nghĩ là một hành động share hay post của mình có thể được chia sẻ và ảnh hưởng đến như vậy. Con số này có thể khiến nhiều người giật mình nhưng cũng là lời cảnh báo để các em học sinh tự rèn kỹ năng cần thiết, giữ an toàn và phòng tránh các rủi ro trên MXH”, cô Lê Thị Mai Oanh nói.
Nói về những hoạt động định hướng sử dụng MXH cho các học sinh trong nhà trường, cô Hiệu trưởng cho biết, các em học sinh trong trường cũng đã sử dụng mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng từ rất lâu, tuy nhiên, chưa có một giáo trình hay bài học nào hướng dẫn các em sử dụng Facebook một cách an toàn. Đó cũng chính là quan ngại của nhà trường và nhiều bậc phụ huynh.
“Về phía nhà trường, tuy chưa tổ chức được những lớp tập huấn với quy mô lớn cho học sinh nhưng nhà trường cũng đã lồng ghép các nội dung giáo dục văn hóa sử dụng mạng xã hội và internet cho học sinh trong các giờ sinh hoạt hoặc giờ chào cờ đầu tuần. Nhà trường chú trọng việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường để quản lý, hướng dẫn học sinh trong việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội”, cô cho biết thêm.
Nhiều nguy cơ nhãn tiền
Ngoài sức lan tỏa khó lường của MXH, tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà lãnh đạo trẻ cùng các bạn sinh viên đã cùng nhau “mổ xẻ” những nguy cơ nhãn tiền nếu ấn nút chia sẻ kiểu “tay nhanh hơn não”.
Thực tế, nhiều bạn đứng trước nguy cơ "nổi tiếng" ngoài dự đoán. Trước khi chia sẻ một bức ảnh hoặc clip lên mạng xã hội, hãy nghĩ xem bạn cảm thấy thế nào nếu những người lạ, gia đình bạn hoặc nhà tuyển dụng tương lai sẽ xem được nó. Chỉ với một nút "Đăng", hàng nghìn người có thể xem bức hình hoặc bài viết của bạn. Một bức ảnh hoặc một bài viết có thể phá hủy hình ảnh mà bạn xây dựng cho mình. Nếu như bạn có điều gì e ngại khi bức ảnh ấy "nổi tiếng", hãy cân nhắc xem có nên chia sẻ nó hay không.
Các học sinh hào hứng tham dự chương trình.
|
Cùng với đó, tâm lý đang không ổn định cũng là yếu tố cần cân nhắc kỹ trước khi chia sẻ, bởi "cả giận mất khôn". Đừng nên chia sẻ điều gì khi tâm lý bạn đang không ở trạng thái ổn định như khi đang giận dữ, thất vọng hoặc phấn kích cực độ vì những lúc đó, bạn có thể đang không đủ sáng suốt để xem xét việc chia sẻ đó có thể ảnh hưởng như thế nào.
Trước khi chia sẻ, hãy cân nhắc liệu những điều bạn chia sẻ sẽ được hiểu như thế nào:
- Liệu ai đó có thể sử dụng nội dung này để gây tổn thương cho mình không?
- Mình có buồn không nếu họ chia sẻ nội dung đó với người khác không?
- Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu mình chia sẻ nội dung này là gì? Ví dụ, những thông tin nào bạn tiết lộ cho "người lạ" khi liên tục check in các địa điểm mình đi qua trong một thời gian dài? Liệu kẻ xấu có thể dựa vào đó để phác họa nên lịch trình, tính cách, thói quen hoặc làm điều gì có hại đến bạn không?
Được biết, chương trình Suy nghĩ trước khi chia sẻ (Think Before You Share) là chương trình giáo dục an toàn trên mạng do Facebook phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD, tổ chức phi chính phủ Việt Nam hoạt động vì quyền lợi của các nhóm cộng đồng bị lề hóa, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên). Chương trình cung cấp cho thanh thiếu niên Việt Nam các bộ công cụ và hướng dẫn về việc chia sẻ thông tin một cách an toàn và có trách nhiệm trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, sáng kiến này cũng sẽ cung cấp các nguồn tài liệu và video trực tuyến, bao gồm tri thức kỹ thuật số, an toàn trên mạng, tư duy phản biện và sự thấu cảm. Cũng trong khuôn khổ chương trình, các nguồn tài liệu này sẽ tiếp tục được Facebook và các đối tác chia sẻ rộng rãi tại hơn 100 trường học trên khắp Việt Nam.
Theo thống kê gần đây, chỉ 11% thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội được hướng dẫn bởi cha mẹ và khoảng hơn 30% người sử dụng là thanh thiếu niên – nhiều em thiếu kiến thức và chưa thể hiện được văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. |